Hàng nghìn điều kiện kinh doanh sắp vô hiệu
Từ ngày 1/7, khi Luật Đầu tư có hiệu lực, chỉ Quốc hội, Chính phủ mới được ban hành điều kiện kinh doanh. Hàng ngàn điều kiện kinh doanh hiện nay (do các bộ, ngành, địa phương ban hành) sẽ tự động bị vô hiệu.
Tại Hội thảo “Điều kiện kinh doanh - Kinh nghiệm quốc tế và thách thức với Việt Nam”, diễn ra sáng 6/4, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết: Bản liệt kê các quy định về điều kiện kinh doanh dày gần 900 trang, với khoảng 6.000 điều kiện. Ngoài ra, còn nhiều quy định về hồ sơ, thủ tục, thời gian để đáp ứng đủ những điều kiện đó, nếu liệt kê hết phải dày gấp 5-6 lần 900 trang đó…
Theo TS Cung, mỗi năm, Quốc hội thông qua khoảng 20 bộ luật, Chính phủ ra 100 nghị định, các bộ ngành ban hành 600-700 thông tư. Dù luật, nghị định không sửa, nhưng thông tư đổi liên tục, tạo ra nhiều rủi ro cho doanh nghiệp (DN).
“Đọc các điều kiện kinh doanh, tôi cứ tự hỏi tại sao lại quy định thế, để làm gì, nhưng không giải thích được”, ông Cung nói. Theo ông, đó là cách làm chọn - cho (thay vì chọn-bỏ của luật mới), DN chỉ được làm cái gì được phép. Giải quyết vấn đề này ông Cung ví như leo cột điện thành phố, với mớ dây chằng chịt, không biết tháo gỡ thế nào ngoài đập bỏ.
“Bây giờ các bộ, ngành đã có nhiều kinh nghiệm trong làm chính sách, cũng có “độ trơ” hơn, những phê bình, nhắc nhở giờ chẳng ăn thua gì. Mười mấy năm trước, khi có phê bình, nhắc nhở, các bộ, ngành đều lưu tâm, nhưng giờ không còn” - TS Nguyễn Đình Cung |
Ông Cung dẫn chứng, để được kinh doanh vận tải hành khách, DN phải có 5 xe trở lên, tại sao là 5 xe mà không phải là vốn pháp định 5 tỷ đồng? Hay, lao động phải có bằng nọ, chứng chỉ kia do bộ cấp, tại sao bộ lại dành quyền cấp bằng, chứng chỉ của các trường đào tạo? Hoặc, để được xuất khẩu gạo, DN phải có kho sức chứa ít nhất 5.000 tấn thóc; 1 cơ sở xay, xát gạo với công suất 10 tấn thóc/giờ, có kinh nghiệm xuất khẩu 3-4 năm…
“DN có kho hay không ảnh hưởng gì tới an ninh quốc gia, cộng đồng để phải đáp ứng, chưa được xuất khẩu lấy đâu ra kinh nghiệm… Những điều kiện này không phù hợp, có cho cũng đố ai làm được. Nhưng tại sao vẫn tồn tại?” ông Cung đặt câu hỏi và tự trả lời: “Những DN đang được xuất khẩu gạo lại rất thích, khiến các DN mới khó tham gia thị trường, giảm cạnh tranh. Đó là những rào cản, kéo theo rủi ro, méo mó thị trường”, ông Cung nói. Để rồi, khi DN có cách làm mới, không giống với điều kiện bộ ngành đưa ra bị cho là vi phạm pháp luật, nhẹ thì cấm, xử phạt hành chính, nặng nữa là phạt tù vì kinh doanh trái phép.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng, cần kiểm soát quy trình ban hành và đặt ra giấy phép kinh doanh mới. Ông dẫn chứng, điều kiện kinh doanh với ngành in đã bỏ từ năm 2000. Mới đây, các DN in ngỡ ngàng khi nghị định quy định điều kiện kinh doanh lĩnh vực in được ban hành lại.
Trong đó, có những quy định không hiểu đặt ra làm gì, như nhập khẩu máy cắt giấy phải xin giấy phép tại Hà Nội, thời gian mất 40 ngày. “Ai được lợi từ giấy phép này?”, ông Tuấn nói. Hay quy định về nộp chứng từ vận đơn trong kinh doanh vận tải biển (theo Thông tư 156/2013 của Bộ Tài chính). Với quy định này, theo ông Tuấn, một hãng tàu mỗi năm phải nộp 100.000 bản chứng từ, tốn 208 ngày làm việc để chuẩn bị vận đơn, nhưng không biết nó có tác dụng gì với quản lý nhà nước. Khi các hãng tàu vận động mạnh, gần đây Bộ Tài chính mới bỏ quy định này.
Dù thực trạng trên gây nhiều bức xúc cho DN, nhưng theo TS Cung, các DN vẫn rất thờ ơ. Ông dẫn chứng, mới đây Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT) gửi dự thảo điều kiện kinh doanh xin góp ý của DN, hiệp hội, bộ ngành. Nhưng hết hạn (ngày 31/3), chỉ có 3 bộ ngành, 18/400.000 DN có ý kiến phản hồi, không hiệp hội nào lên tiếng.
Trong 3 bộ phản hồi, đều kiến nghị giữ nguyên những điều kiện như hiện nay. “Các DN không ý kiến mới đáng ngại, có thể một số thích siết chặt để họ có lợi vì giảm cạnh tranh. Cũng có thể, DN nghĩ rằng, góp ý nhiều nhưng không thay đổi gì nên không nói nữa, không thấy cơ quan nào đáng tin cậy để gửi gắm”, ông Cung bày tỏ lo ngại.
Hết thời hàng nghìn giấy phép
Theo Luật Đầu tư mới, sẽ có 6 ngành nghề bị cấm kinh doanh và 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đặc biệt, những điều kiện kinh doanh phải do Quốc hội, Thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ ban hành. “Bộ, cơ quan ngang bộ, HĐND, UBND các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh”, Luật Đầu tư nêu rõ. “Như vậy, khi luật này có hiệu lực, những điều kiện kinh doanh trái với luật, hoặc do bộ ngành và các cấp địa phương ban hành sẽ đương nhiên bãi bỏ”, ông Cung nói.
TS Lê Đăng Doanh cho rằng, các cơ quan đã biết việc bị bỏ giấy phép sẽ mất nhiều lợi ích, nên sự chống đối chắc chắn sẽ rất kịch liệt. “Tham nhũng sẽ tái sản xuất tham nhũng, lợi ích nhóm sẽ tái sản xuất lợi ích nhóm. Tôi chưa thấy trường hợp nào tham nhũng thấy đủ rồi tự nguyện không tham nhũng nữa”, TS Doanh nói. Do đó, theo vị chuyên gia này, quan trọng hiện nay là quyết tâm thực thi tới cùng từ những cấp cao nhất.
Ông Bùi Anh Tuấn, Phó Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT) cho biết, thời điểm này việc cải cách không thể không làm. Luật Đầu tư đã giới hạn rõ ngành nghề kinh doanh có điều kiện, là thành công lớn. Tuy nhiên, việc xử lý những quy định đã ban hành lâu nay không dễ.
Để khắc phục, ông Cung cho hay, trước mắt sẽ loại bỏ những điều kiện kinh doanh không phù hợp, niêm yết công khai các điều kiện kinh doanh để mọi người biết và thực hiện…
Theo Lê Hữu Việt