1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Bộ, tỉnh đánh úp văn bản, doanh nghiệp “sập bẫy”

Nhập máy xén giấy, doanh nghiệp ngành in cũng phải ra Hà Nội xin phép. Đây chỉ là một trong vô vàn câu chuyện về nỗi khổ của doanh nghiệp, khi phải chật vật sinh tồn trong một mạng nhện các thủ tục phiền hà.

      Trong lúc Thủ tướng đã đặt mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam tiến tới mức bình quân của ASEAN-4 vào năm 2016, các bộ ngành, địa phương vẫn tiếp tục "đẻ" ra giấy phép con.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Ngỡ ngàng vì bị văn bản “đánh úp”

Đầu năm 2014, hơn 100 doanh nghiệp ngành in đã được lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị định 60 của Chính phủ về hoạt động in (đã được ban hành tháng 6/2014, có hiệu lực từ 1/11/2014). Ở dự thảo lần hai, nhiều đề nghị về đơn giản hoá thủ tục đã được đưa ra, các doanh nghiệp ngành in phấn khởi ra mặt vì hầu hết ý kiến của mình đã được ghi nhận.

Nhưng rồi, vài tháng sau, khi Nghị định 60 ban hành, các doanh nghiệp mới té ngửa rằng, bản chính thức này lại vẫn y chang bản dự thảo lần 1, không được tiếp thu ý kiến sửa đổi.

"Họ ngỡ ngàng và thấy buồn cười vì kiểu ban hành văn bản đánh úp như vậy", ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kể lại.

Giấy phép con vẫn
sinh sôi ngày càng nhiều (Ảnh baohaiquan).

Giấy phép con vẫn sinh sôi ngày càng nhiều (Ảnh baohaiquan).

Kết quả là giờ đây, các doanh nghiệp in lao đao khốn khổ với hàng chục giấy phép con mới, thực chất là giấy phép từng bãi bỏ rồi lại hồi sinh. Từ các loại thiết bị công nghệ cao như máy chế bản, máy in số,... cho đến các loại thiết bị đơn giản như máy xén giấy, máy đóng sách, máy vào bìa..., các doanh nghiệp đều phải ra Hà Nội, xin giấy phép nhập khẩu. Trước đó, họ chỉ phải xin phép duy nhất một loại máy là phototcopy màu.

Ông Tuấn cho biết: "Doanh nghiệp đã tính sẽ phải mất 30-40 ngày để có một giấy phép cho máy xén giấy. Họ nói rằng không hiểu vì sao lại phải xin phép như vậy và đặt câu hỏi, ai hưởng lợi ở việc này?"

Trong khi đó, nhờ sự thông thoáng suốt thời gian qua, ngành in đã tăng trưởng mạnh, 15%/năm, đã trở thành những trường hợp hiếm hoi gia nhập được chuỗi cung ứng linh kiện phụ trợ cho Samsung, Canon, Intel.

Câu chuyện của ngành in chỉ là một trong vô vàn hàng trăm câu chuyện về nỗi khổ của doanh nghiệp, khi phải chật vật sinh tồn trong một mạng nhện các thủ tục phiền hà đó.

"Doanh nghiệp muốn mua một bản tin kinh tế của hãng Reuters cũng phải xin phép, một hãng tàu sẽ phải nộp 100.000 bản mỗi năm tới cơ quan quản lý, mất 208 ngày để chuẩn bị vận đơn... ", ông Tuấn điểm thêm vài trường hợp thủ tục hành chính phi lý, khó hiểu.

Theo ông Tuấn, mỗi năm, VCCI gửi đi các cơ quan quản lý khoảng 300 văn bản góp ý tương tự nhưng không ít văn bản một đi không hồi âm trở lại.

Thanh lọc những văn bản lố

Chủ trì cuộc hội thảo về điều kiện kinh doanh hôm 6/4, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, cho biết, Luật Đầu tư sửa đổi có hiệu lực từ 1/7 tới đây đã nêu rõ, những điều kiện kinh doanh sẽ chỉ được ban hành vì 4 lý do gồm quốc phòng, trật tự và an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khoẻ cộng đồng.

Chúng được quy định tại Luật, Pháp lệnh, Nghị định, Điều ước quốc tế, nghĩa là chỉ Chính phủ, Quốc hội mới được ban hành. Nhưng hiện nay, có hàng ngàn điều kiện kinh doanh trong 267 ngành lại do các bộ, địa phương quy định.

Nhiều máy móc
trong ngành in như máy xén giấy cũng phải xin phép (Ảnh minh hoạ, theo Ioneads).

Nhiều máy móc trong ngành in như máy xén giấy cũng phải xin phép (Ảnh minh hoạ, theo Ioneads).

Một cuộc rà soát sơ bộ của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho thấy, hiện có gần 900 trang văn bản với khoảng 6.000 các loại điều kiện kinh doanh khác nhau. Nếu tính đến cả các quy định về trình tự, thủ tục, thời gian để đạt giấy chứng nhận thì sẽ phải gấp 5-6 lần số điều kiện kinh doanh trên.

"Ngoài ra, còn có hàng ngàn công văn điều hành hàng năm của các cơ quan bộ ngành ra đời, chứa đựng đầy rủi ro pháp lý, chi phí tuân thủ cao, thiếu nhất quán, hay thay đổi, không công bằng với doanh nghiệp, nhiều khi đúng chỗ này, lại không đúng chỗ kia,... Thậm chí, có những giấy phép con từng bãi bỏ trước đây, lại được hồi sinh", ông Cung cho hay.

Ông chia sẻ: "Rõ ràng, chúng ta luôn phải đặt câu hỏi tại sao phải cần có thủ tục, giấy tờ đó nhưng để hiểu được thì thực sự rất khó khăn và nhức đầu”.

Theo dẫn chứng của vị Viện trưởng, một doanh nghiệp muốn kinh doanh dịch vụ vận tải bằng đường bộ, nếu ở Hà Nội, TP.HCM tối thiểu phải có 20 ô tô, ở vùng thành phố khác phải có 10 ô tô, còn ở vùng sâu, xa là cần có ít nhất 5 chiếc. Nhưng vì sao lại phải có điều kiện nay thì không giải thích được.

Hay như trong ngành gạo, ông Cung phân tích, doanh nghiệp muốn xuất khẩu phải có kho chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc, có một cơ sở xay sát tối thiểu công suất 10 tấn/giờ. Vậy, nếu doanh nghiệp chỉ có kho chứa 4.500 tấn, hay công suất không đủ liệu có ảnh hưởng gì đến an ninh quốc phòng, trật tự xã hội, đạo sức và sức khoẻ cộng đồng không?

Có thể nói, hàng nghìn điều kiện kinh doanh được ban hành trái thẩm quyền, trái luật đã tồn tại 10 năm nhưng đến nay, vẫn sống... nhởn nhơ.

Ông Cung lý giải: “Ở Việt Nam, người soạn thảo đồng thời lại là người thực thi chính sách. Thế nên, người ta tìm cách cài cắm, đưa quyền lợi của mình vào. Chính sách đã yếu, thực thi lại không đầy đủ, làm cho môi trường cạnh tranh bị méo mó, sức sáng tạo bị thui chột, doanh nghiệp kém phát triển".

Theo Luật Đầu tư sửa đổi, từ 1/7 tới đây, các loại văn bản quy định điều kiện kinh doanh của các bộ, các tỉnh sẽ đương nhiên trái luật, phải bị vô hiệu.

Tuy nhiên, TS. Cung vẫn rất băn khoăn bởi, khoảng cách giữa luật trên giấy và luật thực tế sẽ ra sao, khi mà với tình trạng giấy phép con hiện nay, hàng loạt câu hỏi vẫn bỏ ngỏ, như: Ai chịu trách nhiệm về thực trạng này? Cá nhân, cơ quan ban hành trái thẩm quyền có bị xử lý? Tại sao văn bản trái luật vẫn được thi hành, người dân, doanh nghiệp vẫn phải âm thầm tuân thủ?

"Tôi nghĩ, chúng ta cứ thế mà làm thôi, không cần phải hỏi lại. Dứt khoát chúng ta phải quản lý theo pháp quyền, có vậy mới lấp đầy khoảng trống hiện nay để tiến tới thể chế kinh tế thị trường hiện đại", ông Cung nhấn mạnh.

 Theo Phạm Huyền
VEF

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm