Hàng loạt xe sang của Việt kiều bị xử lý

Bộ Tài chính vừa báo cáo Thủ tướng dự định buộc tái xuất 47 chiếc ô tô sang của Việt kiều không đủ điều kiện nhập khẩu. Ngoài ra, Bộ đang phải “tính sổ” hơn 208 chiếc xe sang của đối tượng này mắc kẹt tại các cảng.

Tính đến ngày 13/8, số lượng xe nhập khẩu theo chế độ tài sản di chuyển của Việt kiều hồi hương nhưng không đủ điều kiện cấp phép đã là 47 chiếc ô tô và 2 chiếc xe máy.

 

Trong đó, 15 xe không đảm bảo về chính sách thuế, do Việt kiều chưa chấm dứt hoạt động tại nước định cư; 19 xe không đảm bảo hồ sơ theo quy định của Bộ tài chính, 13 xe không đảm bảo về hồ sơ hộ khẩu thường trú.

 

Cùng đó, theo báo cáo của 3/5 Cục hải quan địa phương nơi có cảng biển được phép nhập khẩu xe thì tính đến ngày 13/8, vẫn đang tồn đọng 208 xe ô tô và 11 chiếc xe máy của Việt kiều.

 

Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang chỉ đạo các đơn vị rà soát chặt chẽ từng trường hợp đến làm thủ tục nhập khẩu xe đối với số xe đang tồn đọng này. Nếu phát hiện hành vi buôn lậu thì sẽ phải xử lý đối với hàng buôn lậu theo quy định.
 
Hàng loạt xe sang của Việt kiều bị xử lý

 

Bộ Tài chính cho biết, sau khi tham vấn ý kiến các bộ liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tư pháp, giải pháp xử lý số xe trên đã được thống nhất trình Thủ tướng.

 

Theo đó, đối với những xe không đủ điều kiện nhập khẩu theo chế độ ưu đãi cho Việt kiều hồi hương Bộ Tài chính đề nghị áp dụng biện pháp phạt tiền và buộc tái xuất xe trong vòng 30 ngày. Trường hợp không tái xuất được thì số xe trên sẽ bị xử lý tịch thu. Trường hợp các chủ xe trốn tránh, xe tồn tại cảng biến thành xe vô chủ sẽ xử lý theo Luật Hải quan.

 

Nếu quá 90 ngày không có người đến nhận xe, cơ quan hải quan sẽ thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và có văn bản gửi trực tiếp đến người nhập hàng. Sau 30 ngày kể từ khi văn bản này phát đi, nếu người nhận xe đến cơ quan hải quan làm thủ tục thì hải quan sẽ giải quyết nhập khẩu theo quy định. Tuy nhiên, nếu sau 30 ngày này, người nhận xe không đến làm thủ tục nhận hàng thì sẽ được coi như hàng hóa bị từ bỏ. Cơ quan hải quan sẽ tịch thu, bán xe, thu tiền nộp ngân sách theo quy định.

 

Báo cáo tới Thủ tướng, Bộ Tài chính cũng khẳng định, đang có nhiều dấu hiệu bất thường trong quá trình nhập khẩu mặt hàng này.

 

Ngay sau khi Thông tư 20/2011 của Bộ Công Thương ban hành, có hiệu lực từ tháng 6/2011 siết chặt lại các quy định về nhập xe không chính hãng, số lượng các xe ô tô nhập về Việt Nam theo chế độ ưu đãi trên bỗng dưng tăng đột biến.

 

Năm 2011, lượng xe được ưu đãi này về Việt Nam là 164 xe. Năm 2012, con số đã tăng lên 1.142 xe, gấp hơn 10 lần. Đáng chú ý, số các xe này đều là xe mới, chủ yếu sản xuất trong năm 2011, 2012, với các dòng xe hạng sang, có giá hàng tỷ đồng mỗi xe như Porsche, Bentley, BMW, Mercedes, Luxes…

 

Nguồn tin thông báo từ Bộ Công an cho thấy, nhiều trường hợp buôn lậu đã được phát hiện. Thủ đoạn chủ yếu là giả mạo hồ sơ đăng ký thường trú tại Việt Nam, hoặc mua bán tiêu chuẩn ưu đãi của Việt kiều mà thực chất, cá nhân này không thực sự về định cư ở Việt Nam.

 

Theo Phạm Huyền

VEF