Xăng dầu đóng cửa, găm hàng… chờ giá lên?
(Dân trí) - Theo các doanh nghiệp đầu mối, sức ép tăng giá bán xăng dầu đang tăng cao khi mỗi lít xăng dầu lỗ gần 2.000 đồng. “Ứng phó” với thực trạng này, một số cây xăng tư nhân đã đóng cửa ngừng bán hàng không lý do.
Một cây xăng tại Hải Phòng đóng cửa trong ngày 8 - 9/2 (ảnh: Thu Hằng).
Cây xăng đóng cửa không lý do
Ngày 8/2/2011 (tức mùng 6 Tết), có ít nhất 3 cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại Hải Phòng vẫn đóng cửa nghỉ Tết. Trên đường Trường Chinh (quận Kiến An) có 4 cây xăng thì có đến 2 cây xăng đã ngừng hoạt động. Ngoài ra, 1 cây xăng trên đường Tô Hiệu (quận Lê Chân) cũng trong tình cảnh tương tự. Đây là các đại lý bán lẻ xăng dầu của các doanh nghiệp tư nhân, cụ thể là của Công ty CP thương mại GT, Công ty kinh doanh gas và xăng dầu TS…
Qua tìm hiểu, được biết trong 2 ngày 8 và 9/2, các cây xăng trên chỉ mở cửa bán hàng trong vài tiếng vào thời gian đông khách, sau đó lại đóng cửa im lìm. Hơn nữa, các đại lý này chỉ hoạt động cầm chừng, tức là chỉ có một nửa số máy bán xăng dầu hoạt động. Đóng cửa, ngừng bán hàng nhưng các cây xăng này không có bất cứ thông báo gì tới khách hàng.
Do đó, nhiều người dân lưu thông trên tuyến đường Trường Chinh đã phải đi khá xa mới tìm được chỗ đổ xăng. Và lượng khách hàng đã đổ dồn về cây xăng của công ty xăng dầu khu vực 3 (cũng nằm trên đường Trường Chinh) do cây xăng này duy trì bán hàng 24/24 giờ.
Các cây xăng tại Hải Phòng đồng loạt đóng cửa là một động thái tiếp sau việc nhiều đại lý kinh doanh xăng dầu hạn chế hoặc ngừng bán hàng vào tháng 12/2010. Bởi giá bán lẻ xăng dầu hiện đang ở mức thấp khiến các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị lỗ nặng, phần chiết khấu cho các đại lý bán hàng bị cắt giảm. Trong khi đó, theo chỉ đạo của Chính Phủ, giá bán lẻ xăng dầu sẽ được giữ nguyên cho đến hết Tết và quý I/2011.
Cho nên, trước tình cảnh càng bán nhiều càng lỗ, nhiều cây xăng mà chủ yếu là các cây xăng của tư nhân buộc phải đóng cửa để cắt lỗ. Tuy nhiên, với tin đồn, giá xăng dầu sau Tết sẽ tăng nên có khả năng các cây xăng này đang găm hàng để chờ giá lên?
Xăng dầu đang lỗ gần 2.000 đồng/lít
Theo tính toán của đại diện Saigon Petro, sức ép tăng giá bán xăng dầu hiện rất lớn, vì mỗi lít xăng dầu đang có mức lỗ gần 2.000 đồng, trong khi nguồn bù lỗ từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã “cạn”.
Trên thế giới, giá xăng dầu nhập khẩu tại Singapore giữ ở mức cao: xăng A92 là 106,76 USD/thùng; diezel 0,05S 116,07 USD/thùng; dầu hỏa 116,97 USD/thùng và ma zút 593,14 USD/tấn.
Cũng theo đại diện Saigon Petro, việc một số cửa hàng xăng dầu tư nhân đóng cửa không bán hàng có thể do xuất phát từ khó khăn về nguồn cung trong bối cảnh mặt hàng này đang lỗ nhiều.
“Cách thức tránh lỗ của một số doanh nghiệp là hạ mức thù lao xuống thấp nhất, đó là ngừng bán hoặc lãn công. Phải thừa nhận là kinh doanh xăng dầu hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, mà khó khăn lớn nhất lại liên quan tới nguồn ngoại tệ. Chúng tôi hiện không mua được ngoại tệ từ ngân hàng mà phải vay, đến thời điểm thanh toán mức phí sẽ tính theo thời điểm đó”, vị đại diện này nói.
Được biết, nguồn xăng dầu từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hiện chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu xăng dầu trong nước, còn lại các doanh nghiệp đều phải nhập khẩu.
Trước áp lực lỗ lớn, ngừng bán xăng dầu được nhiều cây xăng tư nhân áp dụng (ảnh: Thu Hằng).
Để bình ổn giá xăng dầu, Bộ Tài chính đã hạ thuế suất nhập khẩu xăng, diezel xuống 0%; dầu hỏa và dầu ma zút giảm còn 2%. Tính đến ngày 7/2, tổng số tiền giảm thu do giảm thuế ước khoảng 7.500 tỉ đồng.
Và nhằm bình ổn giá mặt hàng này, Bộ Tài chính đã hướng dẫn doanh nghiệp tăng mức sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu lên 1.600 đồng/lít (tăng 600 đồng/lít) từ 15/1.
Nguồn tin từ Bộ Tài chính cho biết: Hiện Bộ này chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất giải pháp và lộ trình thực hiện, kiểm soát giá cả theo cơ chế thị trường, nhất là đối với các hàng hóa đầu vào thiết yếu như điện, than, xăng dầu..., áp dụng các giải pháp tăng thu để giảm bội chi ngân sách theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1/2011.
Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước bằng các giải pháp kinh tế, tính toán lộ trình điều hành giảm mặt bằng lãi suất; ổn định tỷ giá và bảo đảm cung ứng đủ, kịp thời nhu cầu ngoại tệ nhập khẩu nguyên liệu, vật tư thiết yếu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng...
Thu Hằng - Nguyễn Hiền