Hàng không Việt Nam: Ai cất cánh, ai “lỡ hẹn”?
(Dân trí) - Nhiều hãng hàng không đang trầy trật tìm "kế sinh nhai" trên thị trường nội địa. Hàng không Việt Nam có thêm những cái tên mới, nhưng ai cất cánh, ai “lỡ hẹn” là câu hỏi chờ thời gian trả lời.
Nóng chuyện AOC
Được nhìn nhận là thị trường hấp dẫn, nhưng tại Việt Nam hiện chỉ có Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Air Mekong và Vasco khai thác các chuyến bay chở khách. Hy vọng cất cánh hoặc bay trở lại của các hãng hãng khác trong lĩnh vực này vẫn còn khá xa xôi.
Tuy nhiên, để tạo mọi điều kiện cho VP, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận việc xin gia hạn của VP với điều kiện VP phải đối chiếu và thanh toán đầy đủ các khoản nợ cho các nhà cung cấp dịch vụ trước ngày 30/6/2011.
Thế nhưng thời gian chốt hạn hoàn tất những điều kiện cần và đủ để được cất cánh dành cho VP đã qua từ lâu nên việc hãng này tiếp tục xin gia hạn và duy trì giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không là vô cùng khó khăn.
Trong khi đó, Hãng hàng không của nhạc sỹ Hà Dũng - Indochina Airlines đã đệ đơn lên Thủ tướng, Bộ GTVT và Cục Hàng không Việt Nam từ đầu năm xin gia hạn việc rút giấy phép bay nhằm thực hiện tái cơ cấu tài chính, tìm nhà đầu tư, cổ đông mới và khôi phục hoạt động bay. Nhưng đến thời điểm này Indochina Airlines vẫn chưa có tín hiệu đủ lạc quan để thuyết phục việc được gia hạn. Chung số phận với Indochina Airlines, Trãi Thiên Airlines cũng vì những khó khăn tài chính mà phải “lỡ hẹn” cất cánh.
Trước tình hình thực tế của các hãng hàng không nói trên, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho rằng sự chuẩn bị chưa thật sự đúng mức và thái độ lạc quan hơi quá của các hãng hàng không chính là nguyên nhân khiến họ phải điều chỉnh kế hoạch tham gia thị trường.
“Mảnh đất màu mỡ” ở thị trường ngách
Trong bối cảnh thị trường kinh doanh hàng không có những chung về vận tải khách và hàng hóa thì mới đây Cục Hàng không mới đây đã cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không chung cho Công ty CP Hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt (Vietstar Airlines). Vietstar sẽ khai thác ở thị trường ngách - bay du lịch, tham quan ngắm cảnh, phục vụ lĩnh vực giải trí, biểu diễn; bay cấp cứu, quay phim, chụp ảnh...
So với thị trường chung như vận chuyển hành khách, hàng hóa thì khai thác ở thị trường ngách này có yếu tố thuận lợi giúp Vietstar Airlines tìm kiếm thị phần.
Lý giải về những thuận lợi của thị trường ngách, ông Võ Huy Cường cho hay: Vietstar Airlines sẽ khai thác bằng tàu bay cánh bằng ở thị trường ngách nên sẽ có những thuận lợi chủ yếu về khai thác giữa các sân bay theo những đường hàng không hiện có nên sẽ không gặp khó khăn khi xin phép bay và thực hiện phép bay. Ngoài ra, trong thị trường này ít có cạnh tranh vận chuyển về nhu cầu đi lại của thương gia; vận chuyển cấp cứu trong nước và từ Việt Nam đi các nước trong khu vực.
“Vietstar Airlines có thể là hãng hàng không duy nhất kinh doanh và đáp ứng được nhu cầu vận chuyển thương mại du lịch tại thị trường ngách ở Việt Nam trong nhiều năm sắp tới” - ông Cường nhận định.
Nói như vậy thì thị trường ngách đích thực là mảnh đất màu mỡ mà Vietstar Airlines sẽ “độc quyền” nắm giữ thị phần khai thác kinh doanh vận chuyển.
Sắp tới, thị trường hàng không nội địa dự kiến sẽ sôi động hơn khi chào đón sự tham gia khai thác của VietJet Airlines - hãng hàng không tư nhân đầu tiên được cấp phép bay nhưng vẫn chưa một lần cất cánh. Kế hoạch bay của VietJet Airlines đã được Cục Hàng không thông qua, hãng này sẽ bắt đầu khai thác trên thị trường nội địa từ quý 4/2011.
Hiện VietJet Airlines đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng để được giới chức ngành hàng không Việt Nam cấp chứng chỉ Nhà khai thác tàu bay (AOC) - một trong những điều kiện quan trọng khi khai thác bay thương mại.
Được biết, VietJet Airlines được cấp phép thành lập năm 2007 nhưng đã 4 lần phải “lỡ hẹn” cất cánh vì lí do tài chính. Đây cũng là hãng hàng không tư nhân duy nhất tại Việt Nam cho tới thời điểm này có thương quyền bay quốc tế.
Quỳnh Anh