Hàng không bị nhắc nhở

Trong lý do hoãn, hủy chuyến bay có cả lý do thương mại, tức là các hãng hàng không chủ động điều chỉnh lịch khai thác theo kết quả bán vé trong ngày.

Trong khi phải tiết giảm tối đa chi phí khai thác, nâng cao năng suất để bù vào sự giảm sút quá nhanh của thị trường, mới đây, các hãng hàng không lại bị cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ GTVT) lưu ý về chất lượng dịch vụ. Đây là lần đầu tiên trong ngành hàng không có một chỉ thị cấp bộ nhắc nhở các doanh nghiệp trong ngành về vấn đề này.

 

Hoãn, hủy chuyến quá nhiều

 

Theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, tỉ lệ hoãn, hủy chuyến của các hãng hàng không trong tháng 3 ở mức khá cao. Cụ thể, Vietnam Airlines (VNA) khai thác 8.959 chuyến thì có đến 826 chuyến bay chậm giờ, chiếm 9% và 241 chuyến bay bị hủy, chiếm 3% tổng số chuyến khai thác. Jetstar Pacific (JPA) khai thác 1.004 chuyến thì có 434 chuyến chậm giờ, chiếm 43% và 54 chuyến bị hủy, chiếm 5% tổng số chuyến khai thác. VietJet Air (VJA) khai thác 1.362 chuyến thì có 378 chuyến bị chậm giờ, chiếm 28%. Tính chung toàn thị trường với 4 hãng hàng không đang khai thác (kể cả Vasco), tỉ lệ hủy chuyến là 2% và tỉ lệ chậm chuyến là 15%.

 

Trong báo cáo số liệu vận chuyển hằng quý, Cục Hàng không Việt Nam không  bình luận về các số liệu nhưng theo thông tin công bố của các hãng hàng không thì tỉ lệ hoãn, hủy chuyến trung bình của ngành hàng không thế giới là 10%. Nếu so sánh với tiêu chí này thì có thể thấy tỉ lệ hoãn, hủy chuyến của các hãng nội địa đang ở mức quá cao.

 

Khách chờ lên máy bay ở sân bay quốc tế Nội Bài
Khách chờ lên máy bay ở sân bay quốc tế Nội Bài

 

Xét về nguyên nhân, việc chậm, hủy chuyến của các hãng trong tháng 3 có yếu tố bất lợi từ thời tiết. Đây là thời điểm miền Bắc hay xuất hiện sương mù dày đặc, không bảo đảm điều kiện cho một số chuyến bay cất/hạ cánh tại sân bay quốc tế Nội Bài và sân bay Cát Bi (Hải Phòng). Ngay cả sân bay Đà Nẵng cũng có thời điểm bị sương mù che khuất tầm nhìn không cho phép máy bay cất/hạ cánh...

 

Tuy nhiên, sốlượng chuyến bay bị chậm giờ, hủy chuyến nhiều nhất là vì “lý do khác”, sau đó mới đến nguyên nhân thời tiết và kỹ thuật. Trong “lý do khác” có cả việc dồn chuyến vì lý do thương mại, tức là các hãng chủ động, linh hoạt điều chỉnh lịch bay theo kết quả bán vé trong ngày. Nếu khách đông hơn dự kiến thì tăng chuyến hoặc đổi sang khai thác loại máy bay thân lớn hơn và ngược lại, nếu vắng khách thì đổi sang loại máy bay thân nhỏ hơn hoặc dồn khách lại để tránh phải bay rỗng, tiết kiệm nhiên liệu và chi phí khai thác...

 

Giọt nước tràn ly

 

Ông Lại  Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết đặc thù của ngành vận tải hàng không là không có hàng tồn kho nên các hãng được quyền chủ động khai thác linh hoạt, có quyền hủy chuyến vì lý do thương mại cho phù hợp với nhu cầu đi lại của hành khách nhằm tiết kiệm chi phí, kể cả khi vé đã bán ra. Việc bảo đảm quyền lợi của hành khách trong trường hợp hoãn, hủy chuyến đã được quy định trọng Luật Hàng không dân dụng. Cơ quan quản lý chỉ can thiệp trong các trường hợp hoãn, hủy chuyến vì lý do kỹ thuật nhằm bảo đảm an toàn bay. Do đó, việc hoãn, hủy chuyến sẽ làm ảnh hưởng ngay đến thương hiệu của các hãng hàng không.

 

Sự việc có thể không đến mức phải ầm ĩ nếu như trong những ngày cuối tháng 3 không xảy ra chuyện gần 200 hành khách của JPA tự kêu gọi nhau không tuân lệnh phi hành đoàn, quyết không rời máy bay đang đỗ ở sân bay Nội Bài để phản đối hãng hủy chuyến vào lúc nửa đêm. Cũng trong tháng 3, Bộ GTVT nhận được sự than phiền của nhiều hành khách về việc chậm, hủy chuyến, về thái độ phục vụ của nhân viên mặt đất ở phòng chờ, kể cả phòng khách VIP và của tiếp viên trên máy bay thiếu chuyên nghiệp. Đối với một hãng hàng không, yếu tố về thái độ và kỹ năng phục vụ luôn được đánh giá là then chốt. Mức độ hài lòng của khách hàng tại tất cả các điểm tiếp xúc, đặc biệt là dịch vụ sân bay, là cơ sở quan trọng để gắn sao xếp hạng một hãng hàng không.

 

Giảm chi phí, khó giữ chất lượng

 

Việc cơ quan quản lý nhắc nhở các hãng hàng không về chất lượng dịch vụ xảy ra đúng vào giai đoạn các hãng đang đẩy mạnh tiết kiệm tối đa chi phí khai thác. Ví dụ năm 2012, VNA tiết kiệm được 570 tỉ đồng (hơn 42% so với kế hoạch) và tiếp tục xu hướng tiết giảm chi phí trong năm 2013. Để thực hiện mục tiêu này, hãng phải triển khai nhiều biện pháp như giảm bớt chuyến bay trên một số tuyến, điều chỉnh lịch bay theo từng ngày, từng chuyến; giảm một nửa số lượng tiếp viên nước ngoài, tăng số giờ bay bình quân hằng tháng của tiếp viên... Như vậy, việc tiết giảm chi phí có làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ của các hãng hàng không hay không là vấn đề mới nảy sinh đòi hỏi các hãng phải nghiêm túc xem xét.

 

Theo Tô Hà

NLĐ