Hàng hóa thế giới đang bước vào "siêu chu kỳ" tăng giá?

(Dân trí) - Giá hàng hóa thế giới lên mức cao nhất gần 10 năm qua có nguy cơ đẩy giá mọi thứ, từ món sandwich cho bữa trưa tới những tòa nhà chọc trời lấp lánh, lên cao ngất.

Chỉ số Bloomberg Commodity Spot Index, theo dõi giá cả của 23 nguyên vật liệu thô, tăng 0,8% trong phiên 4/5 lên cao nhất kể từ năm 2011. Chỉ số này đã tăng hơn 70% từ sau khi chạm đáy 4 năm vào tháng 3/2020.

Chỉ số S&P GSCI giao ngay, theo dõi biến động giá của 24 vật liệu thô, cũng tăng 24% trong năm nay.

Từ thép, đồng đến ngô và gỗ, thị trường hàng hóa mở đầu năm 2021 với sự bùng nổ khi giá lên mức cao chưa từng thấy trong nhiều năm trở lại đây. Đà tăng này có nguy cơ đẩy giá mọi thứ, từ món sandwich cho bữa trưa tới những tòa nhà chọc trời lấp lánh, lên cao.

Hàng hóa thế giới đang bước vào siêu chu kỳ tăng giá? - 1

Mọi thứ đều tăng giá

Thị trường kim loại tăng giá trong bối cảnh một số nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc, phục hồi tích cực từ đại dịch Covid-19, kích thích gia tăng sản xuất để đáp ứng nhu cầu cao hơn về ô tô, hàng điện tử và cơ sở vật chất…

Các nhà sản xuất thép ở châu Âu và châu Mỹ phải chịu cảnh giá thấp trong nhiều năm do tình trạng dư thừa công suất trên thế giới. Họ phải vật lộn để tạo ra được lợi nhuận và an ninh việc làm trở thành một mối lo lớn. Hơn 85.000 nhân viên làm việc trong ngành thép mất việc ở Liên minh châu Âu trong giai đoạn 2008 - 2019, theo Hiệp hội Eurofer.

Tuy nhiên, tất cả đã thay đổi nhanh chóng nhờ giá thép bùng nổ. Giá thép tương lai tại Trung Quốc - nước sản xuất lớn nhất hiện nay - đã phá vỡ kỷ lục, thậm chí vượt xa mức tăng của quặng sắt do chính phủ thực hiện các biện pháp hạn chế sản lượng. Giá thép tại châu Âu và châu Mỹ cũng tăng mạnh, các nhà máy hoạt động ở công suất tối đa khi cố gắng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ đột ngột lên cao.

Hàng hóa thế giới đang bước vào siêu chu kỳ tăng giá? - 2

Mọi loại vật liệu thô cần thiết cho hoạt động sản xuất pin và động cơ xe điện, từ lithium tới đất hiếm, cũng gia nhập làn sóng tăng giá này.

Sau gần 3 năm giảm liên tục, giá lithium carbonate ở Trung Quốc tăng hơn 100% kể từ đầu năm đến nay nhờ nhu cầu mạnh mẽ tại thị trường trong nước, theo Benchmark Mineral Intelligence. Giá NdPr, nguyên liệu được sử dụng để sản xuất động cơ điện, và cobalt, kim loại dùng để sản xuất pin, đều tăng gần 40%.

Theo Simon Moores, Giám đốc điều hành tại Benchmark Mineral Intelligence, ngành xe điện đang bước vào một siêu chu kỳ vì các vật liệu chủ chốt cũng đang ở siêu chu kỳ.

Những mặt hàng liên quan tới xe chạy xăng cũng trên đà tăng. Giá palladium, một kim loại được sử dụng trong bộ chuyển đổi để lọc khí thải, lên kỷ lục hơn 3.000 USD/ounce vào cuối tuần trước. Nguyên nhân là châu Âu và Trung Quốc bắt đầu áp dụng tiêu chuẩn khí thải khắt khe hơn. Điều này có thể làm thay đổi tình hình bán xe động cơ đốt trong trên toàn cầu vốn đang chậm lại, giới phân tích tại Jefferies nhận định.

Hàng hóa thế giới đang bước vào siêu chu kỳ tăng giá? - 3

Tương tự, đồng ghi nhận đà tăng không ngừng trong hơn một năm qua nhờ các chính phủ cam kết thúc đẩy năng lượng tái tạo và sử dụng xe điện. Điều này khiến tất cả loại công nghệ xanh phụ thuộc vào đồng sẽ đắt đỏ hơn một chút.

Lưới điện là một ví dụ. Khoảng 1,9 triệu tấn đồng được sử dụng để xây dựng mạng lưới điện trong năm 2020, theo BloombergNEF, và giá của kim loại đỏ này đã tăng hơn 90% trong năm qua.

Bloomberg NEF dự đoán nhu cầu sử dụng đồng cho lĩnh vực điện sẽ gần gấp đôi vào năm 2050. Nhu cầu từ các công nghệ ít thải khí carbon khác như xe điện và pin mặt trời cũng sẽ tăng cao.

Ford Motor dự đoán, giá hàng hóa, từ thép, nhôm và kim loại quý, tăng sẽ khiến tập đoàn bị ảnh hưởng 2,5 tỷ USD trong 3 quý cuối năm nay.

Các quy định hạn chế đi lại dần được nới lỏng, người dân ra đường nhiều hơn nên giá năng lượng cũng lên cao. Trong khi đó, các loại cây trồng như ngô, lúa mì và đường đều tăng giá do tình trạng khô hạn ở Brazil, Mỹ và châu Âu ảnh hưởng tới năng suất mùa vụ.

Nguy cơ "siêu chu kỳ" lạm phát?

"Yếu tố quan trọng nhất hỗ trợ cho giá hàng hóa là kinh tế thế giới phục hồi và các quốc gia đẩy nhanh quá trình tái mở cửa", Giovanni Staunovo, chuyên gia phân tích hàng hóa tại UBS Group nói. Ngân hàng này kỳ vọng giá hàng hóa tăng khoảng 10% trong năm tới.

Goldman Sachs cũng dự báo giá có thể tăng thêm 13,5% trong 6 tháng tới, trong đó, giá dầu sẽ chạm mốc 80 USD/thùng và đồng lên 11.000 USD/tấn.

Giá các nguyên vật liệu thô lên cao đang kéo theo giá cả mọi thứ, từ nhà cửa tới thực phẩm, giấy vệ sinh, tã lót và dấy lên nỗi sợ về lạm phát khắp nơi trên thế giới. Trên thị trường tài chính, các quỹ đầu tư đang đặt cược lớn vào khả năng thị trường hàng hóa sẽ tiếp tục tăng giá trong thời gian tới.

"Đà tăng của thị trường hàng hóa trong năm qua chắc chắn sẽ dẫn tới tình trạng lạm phát cao trong mùa hè này. Trong vài tháng tới, lạm phát tại các quốc gia như Mỹ có thể lên mức cao chưa từng thấy trong gần 10 năm nay", IHS Markit viết trong báo cáo công bố ngày 29/4.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, thị trường hàng hóa trở nên "bỏng tay" nhưng không có nghĩa đây là khởi đầu của một siêu chu kỳ.

Theo ông Stephen Hare của Oxford Economics, quy mô tăng trưởng về nhu cầu trong những năm tới sẽ không giống như khi Trung Quốc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa và "châm ngòi" cho siêu chu kỳ trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này. Hơn nữa, năng suất dư thừa cũng sẽ giúp hạn chế đà tăng của giá năng lượng.

Khi người lao động quay trở lại văn phòng, nhu cầu của thế giới sẽ chuyển từ hàng hóa về lại dịch vụ. Khi đó, nhu cầu về kim loại để sản xuất đồ điện tử hay thiết bị nhà bếp sẽ giảm xuống, nhóm phân tích tại JPMorgan Chase & Co nhận định.

Cũng theo Capital Economics, sau khi lên kỷ lục trong tuần trước, giá quặng sắt sẽ giảm khoảng 20% vào cuối năm nay từ mức hiện tại. Giá đồng, từng vượt 10.000 USD/tấn trong tháng 4, cũng sẽ giảm về 8.250 USD/tấn trong quý IV.

"Chúng tôi cho rằng giá cả sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, nhưng đây giống như là thời kỳ đi lên trong một chu kỳ kinh doanh hơn là một siêu chu kỳ", theo Jumana Saleheen, giám đốc kinh tế tại CRU.