Hàng chục nghìn nữ công nhân đối diện nguy cơ ế chồng?

Muốn làm tăng ca để có nhiều tiền nhưng nếu cứ đi làm thì không có thời gian tìm hiểu, xây dựng gia đình.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
* Giao thông, ngân hàng đầu bảng về cải cách hành chính
* “Ăn theo” sân bay Long Thành!
* Đảm bảo vận hành Nhà Quốc hội vào tháng 10
* Tập đoàn dầu mỏ BP đối mặt với thiệt hại 49 tỉ USD

Bắc Ninh có 9/15 KCN đang hoạt động, với 150.000 lao động. DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm hơn 400 DN. Các KCN lớn như Yên Phong, Tiên Sơn, Quế Võ… đa phần là các DN điện, điện tử (Samsung, Canon, Foxconn, Nokia). Mức lương trong KCN, nếu là DN FDI, theo mức lương vùng 2 là 2,4 triệu đồng/người/tháng (tối thiểu), ngoài ra, phần lớn các DN trả trên mức lương tối thiểu (hỗ trợ tiền nhà, chuyên cần tăng ca).

“Mức lương này với công nhân trên địa bàn Bắc Ninh thì tạm đủ sống. Ngoài trừ các chi phí ăn ở, ngủ nghỉ thì còn một phần tích lũy. Ngoài ra, do đặc điểm công việc nên hầu hết các DN chỉ tuyển lao động nữ” – ông Bùi Hoàng Mai-Phó Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh cho biết.

Điệp khúc ăn - ngủ - đi làm

20h, tại phòng trọ của 2 nữ công nhân tên Lý và Thuận tại thôn Ô Cách, xã Đông Tiến, Yên Phong (Bắc Ninh). Cả hai cô gái này đều quê ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa, hiện đang làm việc cho Samsung. Hôm nay, Lý và Thuận đón thêm 2 người bạn ở KTX Samsung đến chơi và ăn tối. Bên mâm cơm đón 2 vị khách có các món: thịt rang, canh cải và trứng rán. Lý bảo: 4 quả trứng hết 10.000 đồng, rau cải 5.000 đồng/mớ… “Thôi, em không kể nữa, ai mà tiếp khách lại nói ra”.

 
Lý (áo vàng) và các bạn ăn cơm tối trong căn phòng chỉ vỏn vẹn 8m2 và không có cửa sổ.
Lý (áo vàng) và các bạn ăn cơm tối trong căn phòng chỉ vỏn vẹn 8m2 và không có cửa sổ.
 
Cô bạn công nhân người Tĩnh Gia - Thanh Hóa tên Yến, hiện đang là công nhân của Samsung chen vào: “Nhưng tiếp mấy em bữa ni là cũng bằng 3 ngày ăn của chị rồi đó. Chị thương mấy em trong KTX không có điều kiện nấu nướng nên mời ra đây cải thiện đó ạ”.

Kể về công việc hàng ngày, Yến cho biết: Công nhân bình thường thì đã vất vả, còn những bạn sub-leader – quản lý còn vất vả hơn. Vào những ngày sản lượng cao, 11h đêm mới về nhà. “Samsung thu hút công nhân là vì lương cao nên bọn em vào đây làm thì không trách được họ. Mình phải đánh đổi đồng tiền bằng nhan sắc, tuổi thanh xuân thôi chị” – Yến nói.

Lý chen ngang câu chuyện: Mùa này ít việc thì các chị mới gặp được tụi em chứ mùa nhiều việc như năm ngoái thì không bao giờ gặp được. Như các bạn ngay phòng bên cạnh đây mà có bao giờ tụi em gặp đâu. Hôm nay, có khách thì tụi em mới thức thế này, chứ bình thường đi làm về mệt thì tắt điện đi ngủ sớm.

Khi hỏi ở đây công nhân giải trí như thế nào, cả 4 cô gái tròn mắt nhìn nhau. Yến hỏi lại: “Phải nói thế nào nhỉ? Mỗi ngày tụi em lên mạng đọc báo một lúc rồi nói chuyện, đi ngủ. Một số bạn có người yêu ở đây thì vẫn có thể hẹn hò, đi chơi được. Nhưng cả KCN này chủ yếu là nữ thì sao có đủ bạn trai để mời đi chơi được ạ, với lại cách sống của mình cũng khác họ nữa”.

Còn tại nhà máy của Công ty Orion trong KCN Yên Phong, ông Tổng giám đốc tự hào khoe đã xây dựng được thư viện với trên 100 đầu sách đã đi vào hoạt động hơn 1 tháng nay. Thế nhưng, khi xuống đến Nhà máy, hỏi một công nhân đang làm ở đây thì cô này bảo: Em nghe nói là Công ty đang xây dựng thư viện?!

Thực ra, với khung giờ làm việc của công nhân thì dù có thư viện, sân vận động, sân chơi tenis, cầu lông… thì cũng chả có mấy người đến chơi được. Cái họ cần nhất hiện nay là nhà trẻ và trung tâm y tế… phục vụ những người ở tỉnh xa về ở trọ thì hầu như các KCN lại chưa có.

Tương lai mờ mịt

Lý tâm sự, đi làm xa nên phải gửi con cho bà ngoại nuôi hộ. Lần trước về thăm nhà, con không theo, mẹ cứ chạy theo con khóc. “Nó chạy theo bà ngoại kêu mẹ đâu mà mẹ đứng trước mặt không theo. Giờ lớn rồi biết hơn thì về thăm nhà con lại không cho đi”.

Hai vợ chồng Lý cùng đi làm ăn xa. Chồng Lý theo đội xây dựng trọ bên Hà Nội. Có thời gian về trọ cùng vợ ở KCN Yên Phong, nhưng vợ làm ca đêm, về đến nhà thì chồng lại đi làm. Ở với nhau nửa tháng mà không nhìn thấy mặt nhau, sinh hoạt vợ chồng cũng không đáp ứng được. “Cuối tháng ấy em lĩnh được gần 10 triệu tiền lương thì chồng em lại nghi ngờ do em làm việc không tốt mà có được số tiền ấy. Rồi đây em cũng phải tính lại cuộc sống của mình vì khi con em đi học thì không thể mãi thế này được” – Lý nói với giọng buồn xa xăm.

 
Trong căn phòng tối om, Yến chỉ biết giải trí bằng chiếc điện thoại di động.
Trong căn phòng tối om, Yến chỉ biết giải trí bằng chiếc điện thoại di động.
 
Câu chuyện của Lý khiến Yến chạnh lòng nhìn về tương lai: “Sau 2-3 năm gắn bó với nhà máy, trở về quê thì cũng chẳng biết lấy ai. Em sẽ làm ở đây đến khi nào lấy chồng”. “Khi nào mới có được chồng đây em?” – Nữ cười hồn nhiên hỏi lại. Đến đây, Yến buồn rầu bảo: “Khi kiếm được đồng vốn về thì mặt nhăn nheo, người lụ khụ, chả ai thèm lấy. Nếu đi làm mãi thế này, không có thời gian đi tìm hiểu ai thì về quê, bố mẹ giới thiệu cho ai thì lấy người đấy”.

Đêm ấy, chúng tôi ngủ lại khu trọ cùng các chị em công nhân. Cái nắng oi ả của ngày tháng 7 khiến căn phòng trọ rộng 8m2 nóng như một cái lò nung. Nửa đêm trời mưa xối xả đổ xuống mái tôn làm không khí dịu đi nhưng trong phòng lại không khác gì một chiếc thùng tôn bị ném đá. Lý bảo tôi: Sống mãi thế này cũng thành quen chị ạ. Mấy tháng hè tụi em còn không có quạt, em vừa mua chiếc quạt này được hai tuần nay”.

Trắng đêm ở khu trọ cùng công nhân, tiếng thở đều đặn của hai chị em Lý, Thuận chứng tỏ các em đã qua một ngày làm việc rất mệt. Tôi lại nhớ tới lời ông Bùi Hoàng Mai – Phó trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh, “Công nhân công nghiệp hầu như ở lứa 18-20 tuổi nên chưa có ai lỡ thì cả”. Nhưng tôi nghĩ, nếu chỉ lăn vào lao động, ăn, ngủ như các em bây giờ thì chả ai dám chắc, 10 năm sau hàng chục nghìn công nhân nữ ở KCN này sẽ có cuộc sống bình thường như bao phụ nữ khác?!

Mất cân bằng giới tính nghiêm trọng

Tôi hỏi Yến: Bạn mong muốn có thay đổi gì trong môi trường lao động của các bạn bây giờ? Yến bảo: Em mong, các nhà tuyển dụng sẽ tuyển cả lao động nam. Biết đâu, cơ duyên chúng em có thể tìm hiểu, yêu thương và nên vợ, nên chồng. Như thế chúng em sẽ gắn bó hơn với công ty.

Mấy người bạn của Yến cũng ùa vào bảo: Giờ làm việc trong môi trường toàn con gái nên bản thân tụi em cũng chẳng biết làm đẹp để làm gì. “Con gái gì mà không biết yêu son phấn, không thích làm đẹp. Vậy có sao không chị?” – cô công nhân tên Nữ hỏi tôi.

 
Trong căn phòng tối om, Yến chỉ biết giải trí bằng chiếc điện thoại di động.
Công nhân khu công nghiệp chủ yếu là nữ, họ làm việc cả ngày trong nhà xưởng và sau đó đi về khi đã mệt mỏi.
 
Đem câu hỏi về cân bằng giới tính trong KCN đến các nhà quản lý, ông Bùi Hoàng Mai – Phó trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh thừa nhận, tình trạng mất cân đối về giới tính trong các KCN hiện nay đang khá phổ biến. Dẫn chứng về KCN Yên Phong, cụ thể là Samsung, ông Bùi Hoàng Mai cho biết, hiện có khoảng 70% lao động là nữ.

“Lý do DN đưa ra là do lao động nữ chăm chỉ hơn, tỉ mỉ hơn, chấp hành nghiêm túc kỷ luật lao động, ít xảy ra mâu thuẫn. DN điện tử cần chi tiết nên tuyển nữ vào để đảm bảo các yêu cầu tối thiểu. Họ cho rằng, nam thì nóng vội, gây mất trật tự trong KCN. Đây là vấn đề nhức nhối trong cân đối giới tính” – ông Mai nói.

Vậy Ban Quản lý đã làm gì để khắc phục tình trạng này? Ông Mai nói, chúng tôi cũng chỉ khuyến cáo là thực chất nữ rất tốt nhưng tôi tin rằng nam cũng rất tốt. Với lao động nữ, khi vào ổn định dăm ba năm, họ lấy chồng thì lại thôi việc, có thể về quê. Thế nhưng nam rất ổn định. 5 năm có kinh nghiệm thì họ làm việc cũng chuyên cần, có trách nhiệm. “Gặp lãnh đạo của Công ty Samsung tôi cũng nói vấn đề này rất nhiều và họ nói là sẽ xem xét. Tôi mong rằng, nhận thức của chủ DN sẽ thay đổi”.

Cũng theo ông Mai, đến bây giờ, DN đã nhận thức ra và không thể tuyển đủ nữ được nên buộc phải tuyển cả nam. DN phải vào tận Thanh Hóa, Nghệ An để tuyển lao động. Thời gian gần đây họ đã tuyển cả nữ và nam nhưng nữ vẫn nhiều hơn.
Nhóm PV
VOV
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”