Hàng chục ngàn tỉ đồng không người vay

Vốn đầu vào nhiều nhưng đầu ra gần như bế tắc khiến nhiều ngân hàng thừa tiền dù rất muốn cho vay.

Theo số liệu của Ngân hàng (NH) Nhà nước Chi nhánh TPHCM, 2 tháng đầu năm 2013, dư nợ cho vay của các NH trên địa bàn TP chỉ tăng 0,22%, trong khi huy động vốn lại tăng đến 2,71%. Huy động vốn tăng nhiều hơn tín dụng gần 2,49% cho thấy đầu ra của các NH không khả quan, thậm chí nhiều NH đang đối mặt với tình trạng tiền nằm kho.

 

Cung cầu không gặp nhau

 

Ông Trương Văn Phước, Tổng Giám đốc NH Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), phân tích: Trong 2 tháng đầu năm 2013, kim ngạch nhập khẩu quá khiêm tốn (17,3 tỉ USD), chứng tỏ nhu cầu nhập khẩu hàng hóa rất thấp, khiến xuất siêu lên tới 1,68 tỉ USD. Do bấp bênh trong việc tìm thêm cơ hội sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa nên nhiều doanh nghiệp (DN) không có nhu cầu vay thêm vốn. Từ đó, dư nợ cho vay của  hàng chục NH không tăng.

 

Hiện nay, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên chỉ ở mức 9%-12%/năm, lãi suất cho vay các lĩnh vực khác phổ biến từ 11%-15%/năm; lãi suất cho vay trung và dài hạn từ 14,6%-17%/năm nhưng nhiều NH không có khách vay mới. Đối tượng được NH giải ngân chủ yếu là khách hàng cũ hoặc khách hàng đã vay ở NH bạn chuyển sang để vay với lãi suất thấp hơn.

 

Lãi suất cao, đầu ra khó khăn nên nhiều ngân hàng đang dư thừa vốn.
Lãi suất cao, đầu ra khó khăn nên nhiều ngân hàng đang dư thừa vốn.

 

Phó tổng giám đốc một NH tại TPHCM cho hay: Các NH rất muốn cho vay nhưng nhiều DN chỉ muốn vay vốn dài hạn nên NH không thể đáp ứng vì không thể dùng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn với lãi suất thấp. Trong khi đó, DN kinh doanh, sản xuất có độ rủi ro cao lại không chấp nhận vay vốn lãi suất cao...

 

Ông Trương Quang Vinh, Chủ tịch Hội DN quận Gò Vấp -TPHCM, cho biết rất nhiều NH mời chào vay thêm tiền song DN không biết vay để làm gì hoặc không đáp ứng được điều kiện vay.

 

Theo ông Vinh, trở ngại lớn nhất là DN không chứng minh được phương án kinh doanh hiệu quả. Ngay cả dự án sản xuất đã được NH thẩm định là khả thi vẫn không vay được tiền vì DN còn vướng nợ cũ...

 

Loay hoay tìm đầu ra

 

Cố vấn của một NH ở TPHCM cho biết khách hàng chưa trả hết nợ cũ, NH tiếp tục cho vay là sai nguyên tắc. Vấn đề cốt lõi của tăng trưởng tín dụng là ngoài việc các NH tự thân giải quyết nợ xấu còn cần đến cơ chế xử lý nợ xấu do Nhà nước đưa ra.

 

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia, hiện các NH thương mại đang thừa hàng chục ngàn tỉ đồng nhưng không biết cho vay vào đâu. Việc kéo giảm tỉ lệ nợ xấu là đẩy nợ xấu ra ngoài NH, buộc các NH đẩy vốn ra thị trường. NH Nhà nước đã chỉ đạo các NH thương mại tái cơ cấu được một phần nợ xấu bằng dự phòng rủi ro khoảng 4%. Phần nợ xấu còn lại sẽ được xử lý bằng nhiều cách, trong đó thành lập công ty mua bán nợ của Nhà nước có ý nghĩa quyết định…

 

Để giải quyết lượng tiền tồn kho, nhiều NH đã giảm lãi suất cho vay. Tổng Giám đốc NH Á Châu (ACB) Đỗ Minh Toàn cho biết ACB giảm lãi suất cho vay bình quân về mức 11,5%/năm với kỳ vọng tín dụng sẽ khởi sắc. Còn NH Bản Việt cho vay mua nhà với lãi suất 10%/năm trong 3 tháng đầu… Ngay cả phó chủ tịch HĐQT của một NH lớn tại TPHCM cũng phải tiếp cận lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty để tiếp thị lãi suất cho vay ngắn hạn 8%/năm.

 

Mua trái phiếu và cho vay liên ngân hàng

 

Hiện nay, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng khoảng 7,8%-8%/năm, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên khoảng 10%-12%/năm. Nhiều NH lớn cho biết họ rất muốn hạ thêm lãi suất đầu vào để giảm lãi suất cho vay.

 

Thế nhưng, do không ít NH nhỏ đang gia tăng huy động vốn để trả nợ số tiền đã vay của NH bạn vào năm 2012 nên các NH mạnh vốn không dám giảm thêm lãi suất  tiết kiệm vì e ngại tiền sẽ dịch chuyển làm nguồn vốn bị xáo trộn.

 

Với số vốn tồn đọng, nhiều NH chuyển sang mua trái phiếu Chính phủ với lãi suất 8%-9%/năm hoặc cho vay liên NH nhằm hạn chế thua lỗ.

 

Theo Thy Thơ

NLĐ