1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Vốn vẫn tắc đầu ra

Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng tín dụng đang diễn biến thực chất hơn, thay cho tình trạng tăng ảo như trước.

Số liệu của Vụ Tín dụng NH Nhà nước cho biết dư nợ cho vay của toàn hệ thống NH đến đầu tháng 2-2013 giảm 0,16% so với cuối năm 2012. Tại các NH, tình hình cho vay trong những tháng đầu năm hết sức ảm đạm vì nhiều nguyên nhân.
Vốn vẫn tắc đầu ra.
Vốn vẫn tắc đầu ra.

 

Giảm vì tăng ảo

 

Ông Nguyễn Phước Thanh - tổng giám đốc NH Ngoại thương (Vietcombank) - cho biết trong gần hai tháng đầu năm 2013, tăng trưởng tín dụng tại Vietcombank âm 1-2%, tương đương 5.000-6.000 tỉ đồng. Lý do doanh nghiệp (DN) vay tiền làm ăn cuối năm bán hàng hóa tết xong đã trả lại cho NH, các NH vẫn phải thu nợ trong khi chưa thể cho vay ra dẫn đến dư nợ âm.

 

“Tín dụng tăng trưởng âm hai tháng đầu năm chưa hẳn đáng lo nhưng cần xác định tư tưởng rằng tín dụng cả năm 2013 sẽ không tăng trưởng mạnh vì DN sẽ thận trọng, NH còn thận trọng hơn” - ông Thanh nói.

 

Chủ tịch hội đồng thành viên Agribank Nguyễn Ngọc Bảo nói nếu bóc tách riêng tín dụng nông nghiệp nông thôn thì mức tăng trưởng tính đến ngày 7-2 của NH là 0,9%. Theo ông Bảo, việc tín dụng đầu năm giảm vài ba phần trăm là chuyện bình thường vì mang tính chu kỳ, chưa nói lên điều gì. Về việc tín dụng liên tục duy trì ở mức thấp trong hơn một năm trở lại đây, ông Bảo cho rằng đó là “sự điều chỉnh hợp lý của nền kinh tế”.

 

Ông Trịnh Văn Tuấn, chủ tịch hội đồng quản trị OCB, cho biết NH này cũng không thoát khỏi tình hình chung của toàn hệ thống. “Tăng trưởng tín dụng không dễ dàng vì DN chưa phục hồi, hàng tồn kho cao, nhu cầu của thị trường chưa lớn. DN cũng chưa nghĩ tới đầu tư mới, do vậy dư nợ cho vay những tháng gần đây tăng rất thấp” - ông Tuấn nói. Theo ông Tuấn, thật ra sau tết không phải DN nào cũng trả nợ mà vẫn có ngành cần vay vốn như DN thu mua gạo, nông sản. Hi vọng sau tháng 2 tình hình sẽ sáng sủa trở lại.

 

Cũng theo các NH, một nguyên nhân khác khiến trong hai năm liên tiếp gần đây, tín dụng đầu năm đều tăng trưởng âm còn vì lý do tăng ảo. TS Vũ Đình Ánh (Viện Kinh tế - tài chính, Bộ Tài chính) phân tích: chỉ trong tháng 12-2012 tín dụng đã tăng đột biến bằng 11 tháng trước đó cộng lại. Như vậy chắc chắn trong đó có yếu tố ảo. Do đó tín dụng tăng âm trong hai tháng đầu năm 2013 thật ra chỉ là quay về thực chất. Đó là xét về con số, còn xét trong bối cảnh nền kinh tế, hai tháng gần đây kinh tế vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện, DN vẫn loay hoay, cho nên tín dụng không tăng được thì đó cũng là chuyện bình thường.

 

Theo ông Ánh, nếu xét kỹ sẽ thấy tín dụng đang có dấu hiệu phục hồi trở lại. Tháng 1 tín dụng giảm 1% trong khi đến đầu tháng 2 mức giảm chỉ còn 0,16%, nghĩa là tín dụng trong tháng 2 đã tăng so với tháng 1.

 

Chỉ tiêu 12% có cao?

 

Nhiều chuyên gia lo ngại cứ duy trì đà này, tăng trưởng tín dụng cả năm 2013 sẽ không đạt được chỉ tiêu 12% mà NH Nhà nước đề ra vì còn phụ thuộc rất nhiều vào mức độ hấp thụ, vốn của nền kinh tế và “sức khỏe” của DN. Các chuyên gia cũng lo ngại về hệ quả mà nó gây ra cho nền kinh tế như DN đình đốn sản xuất, ảnh hưởng đến công ăn việc làm...

 

Tuy nhiên chính các NH lại có cái nhìn lạc quan hơn. Ông Nguyễn Phước Thanh cho biết kế hoạch đề ra năm nay tín dụng của NH lên đến 15-16% chứ không chỉ giới hạn ở mức 12%/năm như định hướng của NH Nhà nước. Lý do là sau những sự cố vừa qua, các NH quốc doanh đã được củng cố thêm về uy tín. Mặt khác, chỉ những NH lớn mới có khả năng đầu tư cho những dự án lớn với mức lãi suất cạnh tranh, trong khi nhiều NH nhỏ chủ yếu tập trung vào mảng bán lẻ.

 

Hiện một số DN đã được vay với lãi suất 8-9%/năm, còn mức bình quân chung toàn hệ thống là 10%. Theo ông, trong năm nay NH sẽ không quan trọng việc định hướng lĩnh vực ưu tiên bằng việc đánh giá khả năng trả nợ của DN. Ông Trịnh Văn Tuấn cũng cho rằng OCB có khả năng tăng tín dụng đến 15% tổng dư nợ do quy mô tín dụng của NH thuộc loại nhỏ, mức 15% chỉ tương đương 3.000 tỉ đồng.

 

Phó tổng giám đốc ACB Nguyễn Thanh Toại cho rằng nhu cầu vay vốn của DN hiện hay vẫn rất yếu do kinh tế vẫn chưa sáng sủa. Nếu cơ quan quản lý đưa ra các giải pháp tích cực hơn, DN nhìn thấy cơ hội làm ăn trở lại thì họ sẽ khởi động các dự án mới. Khi đó tín dụng mới tăng mạnh được.

 

PGS.TS Trần Hoàng Ngân - phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cho rằng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khơi thông đầu ra cho tín dụng, vấn đề hiện nay là các NH thực hiện các chính sách này như thế nào. Mặt khác, muốn khuyến khích DN làm ăn, NH Nhà nước cần có cam kết rõ ràng về việc điều hành lãi suất cho vay thấp và ổn định trong dài hạn. Tránh tình trạng sau vài tháng vay lãi suất thấp, lạm phát bùng lên DN phải trả lãi cắt cổ như từng xảy ra vài năm trước” - ông Ngân nói.

 

Tăng trưởng tín dụng âm là bình thường

 

Trao đổi với chúng tôi ngày 21-2, ông Nguyễn Viết Mạnh - vụ trưởng Vụ Tín dụng (NH Nhà nước) - cho rằng dư nợ cho vay vẫn cho thấy tín hiệu khả quan. Cụ thể, trong tháng 1-2013, dư nợ cho vay toàn hệ thống âm gần 1% nhưng đến đầu tháng 2 chỉ còn âm 0,16%, tức là đã có dấu hiệu tăng trở lại. Mặt khác, việc dư nợ cho vay âm vào tháng đầu năm cũng là dấu hiệu bình thường như các năm trước. Vì đây là tháng diễn ra nghỉ tết nên khách hàng chưa vay vốn ngay. Như năm ngoái vào thời điểm này, dư nợ cho vay còn âm 3%.

 

Liệu mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2013 mà NH Nhà nước đặt ra 12% là điều có thể đạt được? NH Nhà nước cho rằng khi đặt ra chỉ tiêu này đã tính toán đến bối cảnh tình hình kinh tế chung của cả năm. Ông Mạnh cho biết như năm 2012, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống NH đến tháng 6 vẫn âm nhưng đến hết tháng 12 thì đạt gần 9%.

 

Để đảm bảo mục tiêu này, NH Nhà nước sẽ không kiểm soát tỉ trọng cho vay với lĩnh vực không khuyến khích như bất động sản, chứng khoán hay cho vay tiêu dùng. Mặt khác, NH Nhà nước còn cho phép các tổ chức tín dụng tự quyết việc cho vay ngắn hạn với các nhu cầu vay ngoại tệ để kinh doanh xăng dầu, thực hiện xuất nhập khẩu đến hết năm 2013. Để đảm bảo dòng vốn chảy đến đúng địa chỉ và phát huy hiệu quả, tới đây NH Nhà nước sẽ thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng. Theo đó, chỉ tiêu này phù hợp với quy mô, chất lượng tín dụng, khả năng quản lý thanh khoản cũng như quản trị điều hành của tổ chức tín dụng và chủ trương của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường.

 

L.Thanh

 

Theo Ánh Hồng

Tuổi trẻ

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm