Hàng chục ngàn nhân viên ngân hàng nguy cơ mất việc

85% công tác kiểm toán, tài chính sẽ làm bằng máy, trong thời gian ngắn tới đây, mọi phương tiện giao thông sẽ chuyển đổi sang không người lái. Đó là những viễn cảnh sẽ xảy ra sau cuộc cách mạng 4.0.

Chia sẻ tại hội thảo “Cách mạng công nghiệp thời kỳ 4.0” do Viện Quản trị Kinh doanh FSB tổ chức, TS Cấn Văn Lực, giám đốc của Trường đào tạo BIDV, cho rằng, ngân hàng hiện được coi là ngành chịu sự “đe dọa” rất lớn của Cách mạng 4.0 .

“Rất có thể, sẽ có sự thay thế hàng loạt con người bằng các “người máy”, các “bộ não nhân tạo”, thậm chí, ngành ngân hàng có thể bị biến mất, chỉ còn các nghiệp vụ được tích hợp vào những hạ tầng phục vụ thương mại.

Cho dù Cách mạng 4.0 có thể làm cho nhiều nghề biến mất, nhiều người được dự báo thất nghiệp, thì theo các diễn giả, đây vẫn là cuộc cách mạng tất yếu mà con người chỉ có thể chọn cách tham gia hoặc bị loại khỏi “cuộc chơi”.


Ảnh hưởng to lớn của cuộc cách mạng 4.0

Ảnh hưởng to lớn của cuộc cách mạng 4.0

Còn PGS-TS. Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT nhấn mạnh, cuộc cách mạng lần này lớn hơn nhiều lần so với các cuộc cách mạng trước, và đi kèm với đó là sự tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của cuộc sống như cách mọi người chăm sóc sức khỏe, cách các hoạt động sản xuất sẽ diễn ra,... Cách mạng 4.0 tác động vô cùng to lớn, có thể làm thay đổi cấu trúc ngành nghề trên thế giới, thay đổi cuộc sống loài người.

Theo ông Bình, ngành chế tạo máy bay, ô tô, năng lượng, dầu khí, điện lực, bán lẻ, viễn thông,... sẽ bị ảnh hưởng. “Trong thời gian ngắn tới đây, mọi phương tiện giao thông sẽ chuyển đổi sang không người lái”, ông Bình nói.

Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt

Theo các chuyên gia, cách mạng công nghiệp 4.0 đang là một thách thức không nhỏ với các doanh nghiệp Việt. Ngay từ bây giờ, mỗi doanh nghiệp đều phải chuẩn bị sẵn sàng để không bị bỏ lại trong cuộc cách mạng này.

Kết quả khảo sát (được thực hiện với 2.000 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội) cho thấy, có 85% doanh nghiệp thể hiện sự quan tâm đến cuộc cách mạng 4.0, trong đó, có 55% doanh nghiệp đánh giá cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam; 23% đánh giá tác động bình thường; 11% đánh giá không tác động lắm và 10% đánh giá không tác động; 6% không biết.

Tuy nhiên, trong số doanh nghiệp được khảo sát thì có đến 79% cho biết họ chưa làm gì để đón sóng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; 55% doanh nghiệp đang tìm hiểu, nghiên cứu, 19% doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch, và chỉ có 12% doanh nghiệp đang triển khai.

Theo ông Lực, trong ngành tài chính ngân hàng, 46-47% khách hàng đã tiếp cận với digital banking - ngân hàng số (qua internet, mobile, facebook,... ). Có thể nói Việt Nam đã tiếp cận sớm với 4.0 và cuộc cách mạng này đã đi vào cuộc sống.

Ông Trương Gia Bình cho rằng: “Lợi thế nhất cho doanh nghiệp Việt Nam là cả thế giới đều bước vào cuộc cách mạng 4.0 ở cùng một vạch xuất phát. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam nhanh chân, đầu tư cho việc nghiên cứu, phát triển sản phẩm theo hướng 4.0 thì rất có thể, sau cuộc cách mạng, vị thế của nước Việt Nam, của doanh nghiệp Việt trên thị trường quốc tế sẽ hoàn toàn khác”.

Ông Lực lời khuyên cho các doanh nghiệp khi tham gia cuộc cách mạng này: “Hãy luôn cập nhật những thông tin mới nhất, tìm hiểu sâu, đánh giá tác động của nó đối với lĩnh vực hoạt động và doanh nghiệp, từ đó đưa ra những chiến lược phát triển phù hợp cho công ty của mình”.

Theo Duy Anh
VietnamNet