Daewoo - Hanel có thể bị rút giấy phép đầu tư:

Hanel sẽ mua lại liên doanh?

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hướng xử lý giấy phép đầu tư Khu công nghiệp Sài Đồng A với Cty liên doanh Daewoo - Hanel. Thông tin này đã gây sự chú ý của dư luận bởi đây là dự án có vị trí rất đẹp, (ngay cửa ngõ thủ đô Hà Nội) nhưng đã "đóng băng" tới 9 năm trời.

Chiều 12/9, bà Trịnh Minh Châu - TGĐ Cty điện tử Hà Nội (Hanel), đối tác phía VN trong liên doanh (LD) - cho biết: LD này chính là dự án KCN Sài Đồng A (Gia Lâm - HN) có diện tích tới 407ha, trong đó gần nửa diện tích sẽ dành xây dựng KCN và gần một nửa diện tích xây dựng khu thương mại, dịch vụ, ngoài ra còn 50ha làm công viên, cây xanh.

 

Tổng vốn đầu tư của dự án là 152 triệu USD, trong đó vốn pháp định 45 triệu USD, phía VN (Cty Hanel) sẽ góp 40% (18 triệu USD) bằng quyền sử dụng 407ha đất và phía nước ngoài (Cty Daewoo E&C) góp 60% (27 triệu USD) bằng tiền. LD chính thức ra đời năm 1996.

 

Tuy nhiên, một số khó khăn khiến Tập đoàn Daewoo mẹ tại Hàn Quốc phá sản. Điều này đã làm công ty con là Daewoo E&C rất khó khăn về tài chính. Sau rất nhiều năm, Daewoo mới góp vốn vào LD được 6 triệu USD, trong khi phía Hanel đã góp đủ 18 triệu USD bằng quyền sử dụng đất.

 

Không có vốn nên dự án bị tắc: Không giải phóng mặt bằng chứ chưa nói đến các khâu đầu tư tiếp theo. Sau nhiều lần họp bàn, phía Daewoo đưa ra phương án sẽ thay thế phần góp vốn của họ cho 5 đối tác nước ngoài khác, nhưng Hanel không đồng ý vì thực chất đây là chuyện "bán cái", vi phạm giấy phép đầu tư.

 

Còn nếu Daewoo không có khả năng tài chính thực sự, họ bán lại phần vốn đã góp trong LD cho Hanel, chúng tôi hoàn toàn có khả năng mua lại.

 

Bà Châu cũng cho biết: Chúng tôi rất thông cảm với Daewoo vì những khó khăn nội tại của họ; vả lại, chúng tôi hiện cũng còn 3 dự án LD với họ đang triển khai tốt nên luôn kiên trì tìm cách giải quyết ổn thoả.

 

Mới đây nhất (tháng 5/2005) chúng tôi vẫn yêu cầu đối tác nếu muốn tiếp tục dự án phải thực hiện các điều kiện: Daewoo E&C là đối tác duy nhất, phải đặt cọc và có phương án thực hiện dự án thật cụ thể. Tuy nhiên, những điều kiện này phía đối tác không đáp ứng được.

 

Bởi vậy, theo bà Châu, 9 năm là khoảng thời gian quá đủ để Chính phủ có biện pháp xử lý, hoặc là rút giấy phép đầu tư hoặc là chuyển đối tác khác... Trong cả hai phương án, Hanel hoàn toàn có đủ khả năng liên doanh liên kết với các đối tác khác (thậm chí là các đối tác trong nước) để có đủ nguồn lực tài chính tiến hành dự án trong thời gian sớm nhất.

 

Theo Lao động