“Hạn nặng” của "vua cá" Dương Ngọc Minh, cổ đông thất vọng tràn trề
(Dân trí) - Trong khi đơn vị kiểm toán đang lo ngại về khả năng hoạt động liên tục của “vua cá tra” thì Hùng Vương đã lên kế hoạch “bán con”. Cổ phiếu bị xả hàng trước những thất vọng của cổ đông khi mà chưa kịp hết vui vì công ty báo lãi thì nay soát xét xong lại chuyển thành lỗ.
Tình trạng giảm điểm tiếp tục tái diễn trong phiên sáng nay (13/6), các chỉ số hầu hết đều diễn biến dưới đường tham chiếu. VN-Index tạm ghi nhận đánh mất 6,73 điểm tương ứng 0,71% còn 947,44 điểm, thêm một lần nữa mất mốc 950 điểm. HNX-Index sụt nhẹ 0,1 điểm tương ứng 0,09% còn 103,46 điểm.
Trên quy mô toàn thị trường, số mã giảm đang áp đảo so với số mã tăng giá. Có 292 mã giảm, 33 mã giảm sàn so với 203 mã tăng và 35 mã tăng trần.
Trong bối cảnh đó, những mã cổ phiếu “quyền lực” như VHM, VNM, GAS lại còn “giáng đòn” vào chỉ số chính. Chỉ riêng VHM đã khiến VN-Index bị mất gần 2,6 điểm; thiệt hại do VNM gây ra là 1,14 điểm và thiệt hại từ GAS là 0,86 điểm. Chiều ngược lại, những đóng góp của VCB, BID, EIB lại rất khiêm tốn.
Thanh khoản “đuối” hơn hẳn so với các phiên giao dịch sáng trước đó. Tổng khối lượng giao dịch trên HSX sáng nay chỉ đạt 66,84 triệu cổ phiếu tương ứng 1.383,52 tỷ đồng và trên HNX là 9,31 triệu cổ phiếu tương ứng 111,14 tỷ đồng.
Cổ phiếu HVG của Công ty CP Hùng Vương sáng nay không diễn ra giao dịch do vẫn đang bị duy trì diện kiểm soát đặc biệt. Chiều qua, mã này đã giảm kịch sàn xuống còn 3.250 đồng/cổ phiếu sau khi công bố báo cáo tài chính bán niên soát xét năm 2019. Trước đó, doanh nghiệp của đại gia thuỷ sản Dương Ngọc Minh cũng đã bị Sở GDCK TPHCM (HSX) nhiều lần nhắc nhở về vấn đề chậm trễ thông tin.
Theo đó, sau khi được soát xét, doanh thu thuần của Hùng Vương tăng thêm 229 tỷ đồng so với báo cáo tự lập, đạt 2.876 tỷ đồng, thế nhưng công ty này lại bị lỗ thuần tới 120 tỷ đồng (báo cáo tự lập, Hùng Vương lãi thuần 28 tỷ đồng); lỗ sau thuế lên tới 134 tỷ đồng, lỗ ròng của công ty mẹ gần 112 tỷ đồng. Điều này rõ ràng mang đến nỗi thất vọng lớn cho cổ đông và nhà đầu tư HVG.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là chi phí quản lý doanh nghiệp sau soát xét đã tăng gấp 4 lần so với báo cáo tự lập, lên 159 tỷ đồng; lỗ trong liên doanh, liên kết tăng gấp 7 lần lên 43 tỷ đồng.
Chưa hết, nợ phải trả của Hùng Vương đến cuối tháng 3/2019 đã lênt ới hơn 6.619 tỷ đồng; gấp 3,2 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, chủ yếu là nợ ngắn hạn với 6,419 tỷ đồng, sắp đuổi kịp tài sản ngắn hạn là 6.823 tỷ đồng.
Nêu ý kiến tại báo cáo soát xét này, đơn vị kiểm toán E&Y đã nhấn mạnh đến khoản lỗ luỹ kế của Hùng Vương tại ngày 31/3/2019 là gần 528 tỷ đồng và lỗ thuần trong kỳ kế toán 6 tháng kết thúc cùng ngày gần 112 tỷ đồng. Từ đó, kiểm toán viên lưu ý về “sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn”.
Trong một động thái mới nhất, HĐQT Hùng Vương đã thông qua kế hoạch thoái vốn tại Công ty TNHH Chế biến Thủy sản Hùng Vương Bến Tre (HVB) và thoái một phần vốn tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (AGF).
Cụ thể, “vua cá tra” dự kiến thoái toàn bộ 180 tỷ đồng vốn góp của công ty tại HVB (tương ứng 90% vốn điều lệ HVB) và thoái một phần vốn cổ phần tại AGF để giảm tỷ lệ nắm giữ tại AGF xuống dưới 50% so với tỷ lệ nắm giữ hiện tại là 79,58%.
Những số liệu tài chính - kinh doanh sau soát xét của HVG khiến cổ đông không khỏi thất vọng
Trở lại với thị trường chứng khoán, VCBS cho rằng, áp lực bán quay trở lại thị trường sau những phiên hồi phục với thanh khoản thấp cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang khá tiêu cực trong thời điểm hiện tại.
Trong bối cảnh như vậy, VCBS khuyến nghị nhà đầu tư chỉ giải ngân với tỷ trọng nhỏ trong giai đoạn này, tận dụng các cơ hội “lướt sóng” ngắn hạn với nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình và những doanh nghiệp có câu chuyện riêng trong năm 2019.
Mai Chi