Hạn chế số giờ làm việc sẽ khiến người Việt lười biếng hơn!?

(Dân trí) - Kinh tế Việt Nam lợi thế từ lao động giá rẻ quy mô lớn, với quy định giới hạn giờ làm thêm có thể dẫn đến lao động lười biếng hơn, khiến giới chủ và người lao động tìm cách lách luật, gây chi phí không đáng có cho nền kinh tế... Đây là nhận định của TS Vũ Thành Tự Anh, Đại học Fulbright về Dự thảo sửa đổi Luật Lao động đang trình Quốc hội thông qua.

Theo đó, Dự thảo Luật Lao động sửa đổi đang trình Quốc hội yêu cầu giảm giờ làm từ 48 giờ xuống 44 giờ/tuần, điều này đang gây ý kiến khác nhau giữa chủ sử dụng lao động và giới quản lý, chính sách.

Tại Hội thảo "Dự thảo Luật Lao động sửa đổi, những tác động bất lợi và kiến nghị" được tổ chức tại Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương sáng 18/9, ông Vũ Thành Tự Anh cho rằng: Việt Nam đang được xem là nền kinh tế thị trường, mà lao động là thị trường đầu vào cơ bản của nền kinh tế. Nếu chính sách can thiệp quá sâu, quá chi tiết sẽ khiến thị trường nhân tố sản xuất mất đi tính tự điều tiết.

Hạn chế số giờ làm việc sẽ khiến người Việt lười biếng hơn!? - 1

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Đại học Fulbright Việt Nam

"Nhà quản lý lo ngại người lao động bị bóc lột quá mức, làm quá nhiều giờ. Tuy nhiên, chúng ta có khế ước lao động, chỉ cần thực thi chứ không cần ra thêm quy định, quy tắc", TS Tự Anh nói.

Đại diện của Fulbright Việt Nam cho rằng, kinh tế Việt Nam lợi thế từ lao động giá rẻ quy mô lớn, với quy định giới hạn giờ làm thêm, tiền lương có thể dẫn đến thiếu hụt lao động trong doanh nghiệp, từ đó lao động lười biếng hơn đặc biệt sẽ khiến giới chủ và lao động tìm cách lách luật, gây chi phí không đáng có cho nền kinh tế...

Theo TS Vũ Thành Tự Anh, năng lực cạnh tranh lao động giản đơn của Việt Nam thấp hơn tốc độ tăng của tiền lương của 15 năm qua. Riêng chuyện này đã làm mất lợi thế so sánh lớn.

Nếu quy định hạn chế thời gian giờ làm thêm, tiền lương tối thiểu sẽ tiếp tục làm xói mòn lợi thế so sánh của nước ta. Thị trường lao động cần phải linh hoạt hơn, đặc biệt với các ngành nghề mới.

Ông này lấy ví dụ: Nhiều người làm việc đối tác ở Mỹ và ban đêm, ngoài giờ, chúng ta tính mức lương này có thể cạnh tranh được không? Nếu ra đời, vài năm sau sẽ phải sửa lại vì không phù hợp.

Hay như chuyện người có năng lực, muốn đi làm thêm để kiếm thêm thu nhập, truyền bá kiến thức, kinh nghiệm cũng không được? Hoặc người nghèo muốn đi làm thêm để có thêm tiền phụ giúp gia đình nhưng lại bị phản đối?

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nói: Lợi thế Việt Nam là có nhiều lao động nhưng năng suất thấp. Vì vậy, chúng ta luôn phải lấy tăng trưởng để tạo nhiều việc làm cho người lao động, tận dụng tối đa lao động hiện có để tạo ra của cải vật chất.

Hạn chế số giờ làm việc sẽ khiến người Việt lười biếng hơn!? - 2

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương

Vị chuyên gia của CIEM thừa nhận, năng lực và thời gian làm việc của lao động Việt Nam khó bì kịp với các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc khi lao động của họ làm việc cật lực, mất nhiều thời gian để làm một công việc cụ thể trong ngày.

Theo báo cáo của CIEM, trong khu vực Thái Lan, Malaysia và Philippines vẫn duy trì 48 giờ làm việc/tuần. Các nước phát triển đều quy định 40 - 44 giờ/tuần. Nếu hạn chế thêm giờ làm việc của lao động tại Việt Nam có thể khiến doanh nghiệp khó khăn mà người lao động cũng bị trả lương ít đi.

Bà Trần Thị Lan Anh, đại diện của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: Một số ngành nghề đặc thù như IT, nghiên cứu phát triển sản phẩm mất nhiều thời gian suy nghĩ, thậm chí làm cả ngoài giờ. Chính vì thế, nếu không xong việc họ vẫn phải mang việc về nhà làm ngoài giờ.

"Quy định thời gian giờ làm, tăng lũy tiến lương làm thêm sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn, dây truyền", đại diện VCCI nói.

Nguyễn Tuyền