Hạn chế đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực phi sản xuất

(Dân trí) - Thủ tướng vừa có chỉ thị về việc tăng cường thực hiện và chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài (ĐTNN), trong đó yêu cầu hạn chế các dự án đầu tư vào khu vực phi sản xuất.

Ngoài ra, theo Chỉ thị này, Thủ tướng yêu cầu không cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án sử dụng lãng phí năng lượng, tài nguyên, sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.

Chỉ thị nêu rõ, năm 2010, mặc dù tình hình kinh tế trong nước và quốc tế có nhiều biến động phức tạp, song hoạt động ĐTNN vẫn đạt được những kết quả khả quan trong việc giải ngân vốn, xuất khẩu, nộp ngân sách, tạo việc làm… góp phần hoàn thành các mục tiêu kinh tế-xã hội giai đoạn 2006-2010.

Hạn chế đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực phi sản xuất - 1
Sẽ hạn chế các dự án đầu tư nước ngoài vào khu vực phi sản xuất (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có không ít bất cập trong thu hút và quản lý ĐTNN thời gian qua chậm được khắc phục. Điển hình là tình trạng cấp Giấy chứng nhận đầu tư không phù hợp quy hoạch còn diễn ra ở một số địa phương, đặc biệt là trong các dự án sân gôn, trồng rừng, sản xuất thép, khai thác khoáng sản...

Nhiều dự án chưa được thẩm tra, xem xét kỹ các tiêu chí về kỹ thuật, công nghệ, môi trường, lao động... dẫn đến chất lượng các dự án chưa cao, thiếu sự liên kết giữa ĐTNN và doanh nghiệp trong nước.

Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghĩa vụ của nhà đầu tư về tiến độ góp vốn, huy động vốn, cũng như hoạt động xây dựng, môi trường, chuyển giao công nghệ, thực hiện nghĩa vụ đối với người lao động và nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước chưa tốt, thiếu sự phối hợp giữa Bộ, ngành, địa phương...

Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các địa phương quán triệt và tập trung thực hiện tốt công tác quản lý ĐTNN giai đoạn 2011-2020.

Trong đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả ĐTNN theo hướng khuyến khích kinh tế có vốn ĐTNN phát triển theo quy hoạch; ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, khoáng sản, đất đai, tạo điều kiện và tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong nước; tập trung thu hút vào các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức cao, công nghệ thông tin...

Đặc biệt, hạn chế các dự án đầu tư vào khu vực phi sản xuất. Không cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án sử dụng lãng phí năng lượng, tài nguyên, sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.

Chỉ thị của Thủ tướng cũng nêu rõ một số giải pháp chủ yếu thực hiện như xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với định hướng; nâng cao chất lượng và  hiệu quả công tác quy hoạch.

Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả quản lý dòng vốn ĐTNN (chuyển vốn vào Việt Nam, vay, trả nợ nước ngoài, vay các tổ chức tín dụng trong nước của các doanh nghiệp có vốn ĐTNN); nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm hạn chế và ngăn chặn tình trạng chuyển giá của các doanh nghiệp có vốn ĐTNN.

Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động ĐTNN, đặc biệt là việc thanh tra, kiểm tra, giám sát. Chú trọng xem xét, đánh giá lợi ích kinh tế xã hội của dự án, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến công nghệ, môi trường sinh thái, phát triển nguồn nhân lực, tác động đến cộng đồng dân cư, sự liên kết với doanh nghiệp trong nước, thị trường, đối tác…

Lan Hương