1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Hải Hà Petro, công ty có hồ sơ vụ việc bị chuyển Bộ Công an, làm ăn ra sao?

Kiều Dung

(Dân trí) - Thanh tra Chính phủ cho biết chuyển hồ sơ về hành vi vi phạm của Hải Hà Petro sang Bộ Công an. Hải Hà Petro năm 2022 vẫn thua lỗ, âm vốn và nợ thuế nhưng đầu tư cổ phiếu hàng trăm tỷ đồng...

Chiều 4/1, Thanh tra Chính phủ thông báo Kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu.

Thông báo kết luận do Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy ký duyệt cho biết, cơ quan này chuyển hồ sơ nhiều vụ việc sang Bộ Công an xem xét, xử lý theo quy định pháp luật đối với 3 vụ việc.

Một trong 3 vụ việc là "Hành vi vi phạm pháp luật trong việc kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu; việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá sai mục đích bình ổn giá tại Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà".

Nghìn tỷ nợ thuế bảo vệ môi trường, lãnh đạo bị đề nghị tạm hoãn xuất cảnh

Tại ngày 31/12/2022, Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước của Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà đạt 1.375 tỷ đồng. Trong đó có 1.141 tỷ đồng thuế bảo vệ môi trường và các loại thuế khác. Đứng sau là thuế giá trị gia tăng phải nộp (163 tỷ đồng), thuế tiêu thụ đặc biệt (37,4 tỷ đồng), thuế xuất nhập khẩu (34 tỷ đồng).

Trong năm 2023, Hải Hà Petro liên tục bị nêu tên trong danh sách nợ thuế do Cục Thuế tỉnh Thái Bình cung cấp.

Mới nhất, hồi cuối tháng 10/2023, Cục Thuế tỉnh Thái Bình đã công khai thông tin 107 người nộp thuế còn nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách Nhà nước với số tiền là 2.199 tỷ đồng (tính đến 30/9/2023). Hải Hà Petro tiếp tục là doanh nghiệp có số nợ lớn nhất với tổng số nợ trên 1.781 tỷ đồng.

Như vậy, so với hồi cuối năm 2022, số nợ thuế của Hải Hà Petro không những không giảm mà còn tăng 406 tỷ đồng, tương đương 29,5%.

Đáng chú ý, Hải Hà Petro bị "bêu tên" vì nợ thuế không lâu sau khi Cục Thuế tỉnh Thái Bình có thông báo gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an về việc đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đối với bà Trần Tuyết Mai, người đại diện theo pháp luật của Hải Hà Petro.

Lý do tạm hoãn xuất cảnh là do doanh nghiệp này thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Thời gian tạm hoãn xuất cảnh từ ngày 30/8/2023 đến khi Hải Hà Petro hoàn thành nghĩa vụ thuế.

Hải Hà Petro, công ty có hồ sơ vụ việc bị chuyển Bộ Công an, làm ăn ra sao? - 1

Hải Hà Petro liên tục bị điểm tên trong danh sách nợ thuế do Cục Thuế tỉnh Thái Bình cung cấp (Ảnh: Plo).

Thua lỗ triền miên, âm vốn hơn 4.100 tỷ đồng

Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà thành lập ngày 8/9/2003 tại số nhà 132, tổ dân phố số 6, Thị Trấn Diêm Điền, Huyện Thái Thụy, Tỉnh Thái Bình với người đại diện là bà Trần Tuyết Mai.

Sau nhiều lần tăng vốn, từ ngày 28/9/2022, vốn điều lệ công ty đạt hơn 454 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông bao gồm: ông Tô Văn Thọ (sở hữu 19,3%), bà Trần Tuyết Mai (sở hữu 47,8%), bà Trần Thị Thu Hằng (sở hữu 21,3%), ông Trần Văn Chín (sở hữu 9,7%) và ông Nguyễn Mạnh Linh (sở hữu 1,9%).

Tới 16/6/2023, vốn điều lệ Hải Hà Petro được giữ nguyên nhưng cơ cấu cổ đông biến động mạnh. Bà Trần Tuyết Mai nâng tỷ lệ sở hữu lên 69%, bà Trần Thị Thu Hằng và ông Trần Văn Chín giữ nguyên tỷ lệ cổ phần của mình là 21,3% và 9,7%.

Cũng từ giữa tháng 6/2023, bà Trần Tuyết Mai thay thế ông Tô Văn Thọ để trở thành Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm người đại diện pháp luật công ty.

Hải Hà Petro là một trong những "ông lớn" ngành xăng dầu của tỉnh Thái Bình. Tuy nhiên, công ty ghi nhận một nghịch lý là doanh thu càng cao, thua lỗ càng nặng.

Cụ thể, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2022 của Hải Hà Petro lên tới 31.643 tỷ đồng, tăng 9.388 tỷ đồng, tương đương 42,2% so với năm 2021. Doanh thu lớn nhưng giá vốn hàng bán lớn hơn nên trong năm 2022, Hải Hà Petro ghi nhận khoản lỗ gộp đạt 973 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 18,4 tỷ đồng của năm 2021.

Hải Hà Petro, công ty có hồ sơ vụ việc bị chuyển Bộ Công an, làm ăn ra sao? - 2

Nợ phải trả tại thời điểm cuối năm 2022 của Hải Hà Petro vượt 17.100 tỷ đồng (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn).

Trong khi đó, các chi phí tăng rất mạnh. Chi phí tài chính tăng từ 196 tỷ đồng lên 523 tỷ đồng. Chi phí bán hàng tăng từ gần 194 tỷ đồng lên 666 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng từ 27,2 tỷ đồng lên 364 tỷ đồng.

Kết quả là năm 2022, Hải Hà Petro ghi nhận lỗ sau thuế tăng từ 155 tỷ đồng lên 2.574 tỷ đồng.

Tại ngày 31/12/2022, Hải Hà Petro chứng kiến lỗ lũy kế đạt tới 4.577 tỷ đồng, tăng 2.574 tỷ đồng, tương đương 129% so với cuối năm 2021. Kết quả là công ty âm vốn chủ sở hữu 4.122 tỷ đồng.

Vì âm vốn chủ sở hữu nên Hải Hà Petro đã rơi vào tình cảnh nợ cao vượt trội so với tổng tài sản. Cụ thể, tại ngày 31/12/2022, nợ phải trả của Hải Hà Petro lên đến 17.142 tỷ đồng, tăng 3.982 tỷ đồng, tương đương 30,3% so với cuối năm 2021; cao gấp 1,3 lần tổng tài sản công ty.

Trong nợ phải trả, bên cạnh nợ thuế, một số khoản nợ đáng chú ý có thể kể đến như phải trả người bán ngắn hạn (8.940 tỷ đồng), phải trả ngắn hạn khác (2.356 tỷ đồng), vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn (2.133 tỷ đồng), người mua trả tiền trước ngắn hạn (1.501 tỷ đồng)… Quỹ Bình ổn giá là 561 tỷ đồng, tăng so với 362 tỷ đồng của năm 2021.

Âm vốn, nợ thuế vẫn đầu tư cổ phiếu

Hải Hà Petro là một trong những doanh nghiệp ngành xăng dầu rót hàng trăm tỷ đồng vào cổ phiếu bất chấp âm vốn và nợ thuế.

Cụ thể, tại ngày 31/12/2022, đầu tư tài chính dài hạn tại Hải Hà đạt hơn 504 tỷ đồng. Trong đó, vụ thâu tóm Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương I - Pharbaco (mã chứng khoán: PBC) là thương vụ được chú ý nhất.

Thương vụ này được thực hiện từ năm 2020, thời điểm Hải Hà Petro đã thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu (1.470 tỷ đồng) và nợ thuế (1.463 tỷ đồng).

Trong khi hoạt động cốt lõi thua lỗ, hoạt động đầu tư tài chính của Hải Hà Petro cũng dường như đi lùi khi cổ phiếu PBC giảm giá rất sâu. Đóng cửa phiên 4/1, cổ phiếu PBC dừng ở mức 8.900 đồng/cổ phiếu, giảm 4.600 đồng, tương đương 51,7% so với phiên cuối cùng của năm 2022.