1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hai đệ tử đầu tiên của đức Phật là doanh nhân

Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm CEO Thái Hà Books - chia sẻ một câu chuyện mà không phải doanh nhân hay thậm chí Phật tử nào cũng biết, nhân ngày sinh của Đức Phật (8/4 âm lịch) và mừng mùa Phật Đản 2011 ở Việt Nam từ 8-15/4 âm lịch.

Đó là khi Đức Phật vừa thành đạo dưới gốc cây Bồ Đề có 2 vị doanh nhân tên là Bạt Lê Ca (Bhallika) và Đế Lê Phú Bà (Trapusha) dẫn đoàn xe chở hàng đi ngang qua. Hai vị doanh nhân này sửng sốt trước uy nghi của Đức Phật và đã cúng dàng Phật Thích Ca Mâu Ni một bữa cơm với mật.

Đức Phật chấp nhận và thọ nhận bữa cơm đặc biệt này. Sau đó Ngài ban cho hai doanh nhân kể trên mỗi người một nắm tóc như một vật báu. Sau này một trong 2 doanh nhân thành Phật tử thuần thành còn vị kia xuất gia và đắc quả A la hán.

Như vậy giới doanh nhân và doanh nghiệp chúng ta cần biết và tự hào rằng 2 phật tử đầu tiên, 2 đệ tử đầu tiên của Đức Phật chính là 2 doanh nhân.
Hai đệ tử đầu tiên của đức Phật là doanh nhân - 1
Hai nhà thương buôn(bên trái) tên Trapusha và Bhallika cúng dàng Đức Phật bữa cơm với mật. (Ảnh minh họa: internet)

Tôi có dịp may mắn cuối năm 2010 đi thăm tứ động tâm - bốn nơi thiêng liêng nhất của Đạo Phật tại Nepal và Ấn Độ (Vườn Lâm Tỳ Ni - nơi Đức Phật đản sinh, Bồ đề đạo tràng - nơi Đức Phật thành đạo, vườn Nai - nơi Đức Phật chuyển bánh xe pháp luân và Kushinagar - nơi Đức Phật nhập Niết bàn).

Cũng là may mắn lớn khi tôi và đoàn doanh nhân Phật tử được đến thăm ngôi nhà của vị doanh nhân đặc biệt Cấp Cô Độc (Anathapindika). Anathapindika là một trưởng giả giàu có. Vị doanh nhân này có tên là Cấp Cô Độc bởi ông thường xuyên giúp đỡ người nghèo, cứu người khổ, sẻ chia với những ai thiếu thốn bần hàn. Những người nghèo đói, cô đơn thời đó rất mang ơn ông.

Cấp Cô Độc còn nổi tiếng vì đã bỏ ra một lượng của cải lớn lớn (số vàng dát kín mặt vườn) để mua vườn của thái tử Kỳ Đà cúng dàng cho Đức Phật và tăng đoàn. Ngôi tịnh xá đồ sộ tại Ấn Độ giờ chỉ còn lại dấu tịch nhưng làm chúng tôi rất khâm phục và xúc động. Chúng ta đều hiểu rằng Cấp Cô Độc là doanh nhân mộ đạo nhất, là thí chủ lớn nhất từ trước cho đến tận ngày nay.

Không thể không nhắc thêm rằng doanh nhân Cấp Cô Độc cung cấp cho Đức Phật và tăng đoàn với hàng trăm vị rất nhiều tiện nghi, thực phẩm, thuốc men chữa bệnh. Vị doanh nhân đặc biệt này đã được nghe Đức Phật giảng khá nhiều kinh và cuối cùng ông đắc quả Dự Lưu. Kinh chép lại rằng doanh nhân Cấp Cô Độc được sinh vào cõi trời Đâu Suất.

Ngày nay vào chùa chúng ta thấy có 2 bức tượng và 2 ban thờ Đức Thánh Hiền và Đức Chúa Ông. Tuy nhiên không phải ai cũng biết rằng Đức Chúa Ông chính là doanh nhân Cấp Cô Độc!

Nghiên cứu kinh điển ta cũng thấy rằng doanh nhân Cấp Cô Độc đã từng trắng tay và ông cũng đã gây dựng lại cơ đồ trong thời gian ngắn. Liệu phải chăng bí quyết làm giàu và dựng lại sự nghiệp là sự cho đi hay sự cống hiến, là đức hy sinh hay tinh thần vì xã hội và cộng đồng, là tầm nhìn và tâm lớn!

Phật giáo Việt Nam không thể phát triển và lớn mạnh nếu không có sự đóng góp của những Bạt Lê Ca,  Đế Lê Phú Bà và Cấp Cô Độc. Nhiều doanh nhân thời hiện đại vẫn đang âm thầm đóng góp cho Phật Pháp và xã hội, đang sẻ chia và giúp đỡ những mảnh đời khó khăn và kém may mắn. Nhân mùa Phật Đản 2011 tức 2555 Phật Lịch, chúng ta cùng tri ân những doanh nhân và doanh nghiệp thực sự có tầm nhìn và đang làm những gì cho mình và cộng đồng, cho doanh nghiệp và đất nước.

Mùa Phật đản đang kề bên chúng ta.

Theo Tamnhin.net

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm