Gửi tiết kiệm bằng USD hay VND?

Trong thời gian qua, do FED đã tăng lãi suất đồng USD lên 5,25% và các ngân hàng nước ta cũng tiến hành tăng lãi suất đồng VND bằng nhiều hình thức, đã có nhiều ý kiến bàn về vấn đề liệu bây giờ gửi tiết kiệm bằng USD có lợi hay VND có lợi hơn.

Gửi tiết kiệm bằng đồng tiền nào hấp dẫn hơn?

 

Thoạt nhìn, có vẻ hợp lý khi điều chỉnh khoản tiền tiết kiệm bằng VND cho lạm phát VN và điều chỉnh tiền tiết kiệm bằng USD cho lạm phát Mỹ. Nhưng nếu nghĩ kỹ lại, bạn sẽ thấy có vấn đề.

 

Dù bạn là người nước ngoài hay người VN, khi sinh sống trên đất nước VN, bạn phải chịu tác động của lạm phát VN đến các khoản tiền mình đang nắm giữ, các giao dịch mua bán, tiết kiệm lẫn đầu tư của mình, dù bạn sở hữu và sử dụng đồng VND hay đồng USD cho giao dịch mua bán hay đầu tư.

 

Có phải vì bạn gửi tiết kiệm bằng đồng USD nên bạn đang sinh sống ở VN nhưng vẫn sẽ chịu tác động của lạm phát của Mỹ chứ không phải VN? Hoàn toàn không phải như vậy.

 

Điều chỉnh lạm phát của VN cho tiền gửi VND và điều chỉnh lạm phát của Mỹ cho tiền gửi bằng USD cũng không khác nào nói: tôi đang sống ở VN, nhưng gửi tiền tiết kiệm bằng USD nên mức tăng mặt bằng giá cả gồm xăng, dầu, thực phẩm …(thể hiện qua lạm phát) ở VN đối với tôi phải là 3%, tức là bằng lạm phát ở Mỹ; còn anh gửi tiền bằng VND nên mức tăng giá cả sinh sống đối với anh sẽ là 8%, theo lạm phát VN!

 

Xin thưa rằng, bất kể anh kiếm tiền bằng cách nào, đầu tư vào đồng tiền nào, thì cuối cùng, do anh sống ở Việt Nam, anh cũng phải đem tiền ra mua hàng hóa ở VN chứ không phải ở Mỹ, nên sức mua của số tiền anh kiếm được sẽ chịu tác động điều chỉnh của lạm phát VN, dù anh có gửi tiết kiệm bằng USD.

 

Do đó, nếu muốn điều chỉnh thêm lạm phát vào bài toán tiết kiệm, xin hãy nhớ rằng phải điều chỉnh lạm phát của VN cho cả 2 khoản tiền tiết kiệm bằng VND và USD, vì khi đó, sức mua của 2 khoản tiền đó sẽ đều bị tác động của 1 loại lạm phát thôi, đó là mức tăng giá chung ở VN.

 

Nếu làm như vậy, thì gửi tiền bằng VND vẫn lợi hơn (vì cả hai khoản tiền cùng điều chỉnh cho 1 con số lạm phát nên không cần tính cũng biết trước khi điều chỉnh khoản tiền nào nhiều hơn thì sau khi điều chỉnh khoản tiền đó vẫn sẽ nhiều hơn)!

 

Cách tính đưa lạm phát vào tiền gửi là không cần thiết, vì các bạn đang cùng sống trên 1 quốc gia, thì các bạn sẽ cùng chịu chung một loại lạm phát, như thế số tiền danh nghĩa nào thu được nhiều hơn thì đương nhiên điều chỉnh cho lạm phát xong nó vẫn nhiều hơn.

 

Vì vậy, các bạn có thể bỏ qua cách điều chỉnh lạm phát này trong tính toán gửi tiền tiết kiệm của mình (mà nếu có muốn xin hãy chỉ điều chỉnh theo lạm phát VN cho các hình thức gửi tiền, chứ đừng điều chỉnh cho nhiều loại lạm phát).

 

Bài toán gửi tiền ở đâu có lợi sẽ nên xét những yếu tố nào?

 

Hai yếu tố căn bản cần xét đến là chênh lệch lãi suất giữa các đồng tiền và xu hướng biến động tỷ giá. Ví dụ như hiện nay đồng VND có lãi suất khoảng 8,25%/năm mà đồng USD có lãi suất 5,25%/năm thì đồng USD sẽ có vẻ hấp dẫn hơn, nhưng xin lưu ý tới vấn đề tỷ giá USD/VND.

 

Nếu bạn dự kiến đồng USD sẽ lên giá thấp hơn chênh lệch lãi suất (trong ví dụ ở trên tính gần đúng là khoảng 3%), ví dụ chỉ lên giá 2%/ năm thôi, thì bạn nên gửi tiết kiệm bằng VND. Nhưng nếu bạn dự kiến đồng USD sẽ lên giá rất mạnh so với VND, có thể lên tới 4-5% hay hơn nữa, thì bạn nên xem xét gửi tiền bằng USD.

 

Tóm lại, bạn nên xem xét gửi tiền bằng VND nếu dự kiến tỷ giá sẽ vẫn ổn định, đồng USD sẽ không lên giá nhiều, đồng thời chênh lệch lãi suất giữa VND và USD vẫn giữ ở mức như hiện nay.

 

Ngược lại nếu bạn dự kiến FED sẽ còn tăng lãi suất USD thêm nhiều lần nữa và lãi suất VND không tăng nữa, cộng thêm lo sợ đồng USD sẽ lên giá nhanh so với VND, thì USD có thể là lựa chọn tốt.

 

Xin nêu ra thêm một số thông tin cho bạn đọc tham khảo. Về xu thế lãi suất USD, thì nhìn chung các chuyên gia kinh tế đều cho rằng FED đang ở cuối chu kỳ tăng lãi suất của mình, và cùng lắm năm nay lãi suất USD sẽ chỉ có thể tăng thêm 2 đến 3 đợt nữa là tối đa.

 

Và thị trường cũng đang cho rằng xác suất FED tăng lãi suất USD trong tháng 8 này là 50-50, đồng thời lo ngại có thể lãi suất USD chỉ tăng thêm 1 lần nữa.

 

Mức dự báo lạc quan nhất mà lãi suất USD có thể đạt đến trong năm nay chỉ là 6,25% (cũng ít khả năng đạt đến mức này). Trong khi đó, lãi suất trong nước hiện đang tăng dần do nhiều nguyên nhân về nhu cầu vốn tiền đồng của các ngân hàng, hoạt động của trên thị trường liên ngân hàng và lạm phát cao.

 

Khi càng về cuối năm, nếu các hoạt động kinh doanh trong nền kinh tế càng mở rộng thì áp lực tăng lãi suất VND sẽ vẫn còn. Trong khi đó, quan điểm của NHNN là giữ tỷ giá USD/VND ổn định trong vài năm tới.

Bất kể quan điểm này có còn phù hợp hay có thể duy trì lâu khi đã gia nhập WTO hay không, thì ít nhất trong thời gian 1 năm tới, có thể NHNN sẽ không để USD lên giá quá mạnh. Mà nếu nhìn tổng thể như vậy, có thể gửi tiền VND vẫn có ưu thế nhất định so với USD.

 

Theo Hồ Quốc Tuấn

Báo Tuổi trẻ