Gửi tiền sau tết, người dân cẩn trọng hơn

(Dân trí) - Tập quán hoạt động của các ngân hàng Việt Nam đó là bị rút tiền mạnh trước Tết nguyên đán và nhận tiền gửi vào sau Tết. Năm nay, "rút" vẫn bình thường, nhưng "gửi" thì có khác.

Do công ty chuyển tiền thưởng vào sát ngày trước khi nghỉ Tết nguyên đán, nên chị Dịu, một công chức văn phòng tại Hà Nội chỉ có thể chờ các ngân hàng mở cửa trở lại vào những ngày đầu xuân để gửi tiết kiệm số tiền thưởng của mình. Thay vì gửi tại phòng giao dịch của ngân hàng quen như những sổ tiết kiệm trước đó, chị Dịu đã phải dành vài ngày tết tìm hiểu để thay đổi chỗ khác.
 
Gửi tiền sau tết, người dân cẩn trọng hơn - 1
Người dân đang cân nhắc lựa chọn ngân hàng để gửi tiền (Ảnh minh họa)

 

“Gửi chỗ quen được cái tiện, các em ở phòng giao dịch mình cũng biết cả, chăm sóc khách khá chu đáo. Tuy nhiên, cuối năm vừa rồi, thông tin nhiều ngân hàng nhỏ bị mất thanh khoản tạm thời, phải hợp nhất, rồi có cả thông tin phải chậm trả cho người gửi tiền đâm mình cũng lo lo. Hai vợ chồng tết vừa rồi cũng bàn sẽ chuyển sang ngân hàng lớn cho an tâm hơn”, chị Dịu cho biết.

 

Cũng theo chị Dịu, trước đây hai vợ chồng do bận việc cũng không để ý nhiều tới việc chọn ngân hàng nào gửi tiền bởi thấy các ngân hàng cũng khá giống nhau từ lãi suất tới chính sách tặng quà, khuyến mại... Tuy nhiên sau khi tìm hiểu qua bạn bè mới thấy mình “hơi lạc hậu” thông tin về dịch vụ ngân hàng.

 

“Ngân hàng lớn, tiềm lực tài chính mạnh, hệ thống phòng giao dịch, máy ATM rộng nên rất tiện và không phải trả phí 3.300 đồng mỗi lần rút tiền tại ATM ngân hàng khác. Tuy không mang đến cho mình  mức lãi suất vượt trần hấp dẫn nhưng mình lại có được sự an tâm hoàn toàn về tài sản dành dụm. Vả lại họ cũng chuyên nghiệp hơn nên có những dịch vụ, chương trình chăm sóc khách hàng khá hay mà khi dùng mới có thể cảm nhận được giá trị của nó. À mà chị còn mới dùng chính sổ tiết kiệm để mở thẻ tín dụng quốc tế Visa với rất nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn”, chị Dịu hồ hởi khoe về quyết định đúng đắn của mình.

 

Không giống với gửi tiền cá nhân, anh Tùng, chủ một doanh nghiệp tư nhân chuyên phân phối rượu vang ngoại tại Hà Nội lại có mối quan tâm khác. Do đặc thù mùa vụ của thị trường là vay tiền nhập hàng và phân phối cho các đại lý trước tết, nên sau nhiệm vụ của anh Tùng là thu tiền trả tiền ngân hàng và tính toán lời lãi và sang tháng 3 dương lịch mới chính thức bắt đầu vào mùa vụ mới.

 

“Năm nay vay tiền quá khó khăn, lãi suất lại cao, chỗ ngân hàng quen mà vay tiền cũng khó, phải xoay sở mãi mới tìm được ngân hàng khác cho vay”, anh Tùng nói. Hiện tại, anh cũng đang tính mở thêm một tài khoản cho doanh nghiệp của mình ở ngân hàng có quy mô lớn hơn. “Nguồn tiền của các ngân hàng lớn dồi dào nên khả năng được vay cao hơn. Tôi thấy họ còn có nhiều sản phẩm, dịch vụ rất phù hợp với hoạt động của công ty như: dịch vụ quản lý thu chi, gói dịch vụ tích hợp cá nhân và doanh nghiệp, dịch vụ ngân hàng điện tử cho phép giao dịch từ xa…”, anh cho biết.

 

Theo các chuyện gia ngân hàng, tâm lý và thói quen sử dụng dịch vụ ngân hàng đang có sự thay đổi lớn do tác động của chương trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đang được Chính phủ thực hiện. “Cùng với quá trình tái cấu trúc cũng như sự phát triển lâu dài của hệ thống tài chính theo hướng chuyên nghiệp hơn, khách hàng của ngành ngân hàng cũng quan tâm nhiều hơn đến sự an toàn cho “túi tiền” cũng như chất lượng dịch vụ, sản phẩm nên những ngân hàng có uy tín, dịch vụ tốt sẽ được họ ưu tiên lựa chọn”, chuyên gia cho biết.

 

“Ngoài ra, các ngân hàng lớn thường là các ngân hàng đã đầu tư rất mạnh vào công nghệ và dịch vụ thời gian qua nên khách hàng có nhiều sự lựa chọn dịch vụ cho tính chuyên biệt của sản phẩm theo từng đối tượng khách hàng được nâng cao, những dịch vụ hiện đại như ngân hàng điện tử internet banking, mobile banking… cũng vận hành ổn định và chi phí giao dịch thấp. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, các ngân hàng quy mô lớn đồng nghĩa với khả năng vượt khó khăn kinh tế tốt hơn, nên những rủi ro như phá sản hay phải hợp nhất thấp hơn”, chuyên gia cho biết thêm.

 

Mặc dù vậy cũng theo chuyên gia không phải tất cả ngân hàng nhỏ là ngân hàng yếu, có những ngân hàng nhỏ nhưng chất lượng hoạt động vẫn rất tốt. Và nếu khách hàng không có nhu cầu quá nhiều dịch vụ ngân hàng mà chỉ sử dụng những dịch vụ cơ bản như gửi tiền, thu hộ, chi hộ,… thì cũng không nhất thiết phải dịch chuyển tiền gửi tiết kiệm của mình sang ngân hàng khác.

 

Theo Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần, vấn đề là khách hàng cũng cần tìm hiểu về ngân hàng mà mình giao dịch, không nên quá ham tiền gửi lãi suất cao bởi nếu ngân hàng đó vẫn cố tình thu hút tiền gửi bằng cách lách quy định nâng lãi suất vượt mức cho phép 14%/năm thì điều đó cũng có nghĩa ngân hàng đang gặp khó khăn về thanh khoản nên phải huy động bằng mọi giá.

 

“Đây là một dấu hiệu rủi ro, chứ chưa chắc đã là một tín hiệu tốt trong phục vụ khách hàng”, vị Tổng giám đốc này cho biết.

 

Hệ thống ngân hàng sẽ còn những sự thay đổi, điều này sẽ tiếp tục tác động tới sự lựa chọn của người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ ngân hàng trong giai đoạn tới.   

 

V.G