Gửi tiền ngân hàng vẫn lo
Một bộ phận người dân, doanh nghiệp không biết ngân hàng có thực sự là nơi cất giữ tài sản, tiền bạc an toàn hay không.
Trong đánh ra, ngoài đánh vào
Trong tuần qua, Báo NLĐ nhận được khiếu nại của 3 cá nhân về việc gửi nhiều sổ tiết kiệm tại chi nhánh một ngân hàng thương mại ở Hà Nội, khi đến rút tiền thì bị từ chối thanh toán với lý do… sổ tiết kiệm giả. Tổng số tiền gửi của cả 3 cá nhân này lên đến hơn 9,3 tỉ đồng. Sổ tiết kiệm của các khách hàng được làm theo 2 hình thức là chuyển tiền từ ngân hàng khác sang và cán bộ tín dụng đến thu tiền tại nhà rồi giao sổ. Vụ việc hiện đang được Cơ quan Điều tra Công an TP Hà Nội điều tra làm rõ.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Trước đó, ngành ngân hàng đã bị “điểm mặt” là lĩnh vực đứng đầu về tham nhũng khi có liên quan đến 9 trong tổng số 10 án tham nhũng được xử lý trong năm 2013.
Thống kê của Bộ Công an cho thấy các vụ phạm tội trong ngân hàng chỉ chiếm tỉ lệ 0,02% nhưng mức độ thiệt hại của các vụ án lại lên tới 60,2%. Từ năm 2009 đến nay, lực lượng công an đã điều tra hơn 100 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tham ô, vi phạm các quy định cho vay trong ngân hàng gây thiệt hại hơn 9.000 tỉ đồng và khoảng 3.000 lượng vàng.
Đáng lưu ý là tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng đang có chiều hướng gia tăng với thủ đoạn và phương thức hoạt động ngày càng tinh vi. Đối tượng vi phạm là người ở ngoài ngành và cũng có khi kẻ chủ mưu chính là nhân viên ngân hàng. Chứng minh điều này, một lãnh đạo Bộ Công an cho biết trong số 30 vụ việc xảy ra gần đây, cơ quan công an đã khởi tố 117 bị can thì có đến 81 bị can là nhân viên ngân hàng.
Các hành vi vi phạm của cán bộ ngân hàng thường sử dụng là xóa, sửa chữa số dư trong sổ tiết kiệm rồi thế chấp vay vốn ngân hàng, đánh vào lòng tham của người gửi tiền bằng cách hứa trả lãi suất cao hơn rồi giả mạo chữ ký, lập sổ tiết kiệm giả đưa cho khách hàng để lấy tiền, gian dối về tài sản thế chấp để “thổi” giá, chiếm đoạt tiền chênh lệch…
Hậu quả của tăng trưởng dễ dãi
Đánh giá về nguyên nhân gia tăng tội phạm ngân hàng, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch CLB Pháp chế ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam), cho rằng đây là hậu quả của thời kỳ tăng trưởng nóng của cả hệ thống. Nay gặp tình hình kinh tế - xã hội khó khăn, kết hợp với sự lỏng lẻo của hệ thống pháp luật khiến tội phạm trong lĩnh vực này gia tăng.
Một trong những giải pháp được khuyến cáo các ngân hàng thực hiện để nâng cao hiệu quả phòng chống tội phạm là đầu tư lắp đặt các thiết bị an ninh giám sát như camera, thẻ từ, thẻ chip và thuê lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp.
Về mặt công nghệ, có những camera có chức năng cho phép nhìn rõ mặt người giao dịch ở máy ATM, nhìn rõ mệnh giá bó tiền được nhân viên đang kiểm đếm, số lượng thừa hay thiếu nhưng các ngân hàng từ chối lắp đặt vì chi phí cao. Để tiết kiệm chi phí, thậm chí có ban điều hành của một vài ngân hàng còn đặt vấn đề ngược lại là giảm số lượng nhân viên an ninh tại các chi nhánh, quầy giao dịch.
Về nghiệp vụ và hệ thống quản lý cũng có nhiều thay đổi. Luật sư Trương Thanh Đức cho biết trước đây, một tổng giám đốc đến kỳ quyết toán cuối năm phải đi cả đêm để kiểm tra nhưng bây giờ không đi nữa. Lý do vì đã có hệ thống công nghệ cập nhật và quan trọng là mạng lưới quá lớn không kiểm tra xuể và không thể sâu sát. Nhiệm vụ kiểm quỹ phải làm hằng ngày nhưng nay chỉ kiểm lấy lệ, kho quỹ cũng không đóng/mở theo quy trình mà mở luôn cả ngày để tiện xuất/nhập tiền mặt. Qua những lần thanh tra, đoàn thanh tra còn bắt gặp nhân viên “để quên” cả tập biên bản kiểm quỹ giống hệt nhau được photocopy sẵn để trong hồ sơ, chỉ cần điền ngày tháng. “Kiểm quỹ dễ dãi như vậy thì đối với ngân hàng tồn quỹ nhiều có thể vênh đến hàng chục tỉ đồng, dễ khiến nhân viên nảy sinh lòng tham” - luật sư Trương Thanh Đức nói.
Dễ dãi trong tuyển người
Một chuyên gia ngành ngân hàng cho biết trong thời kỳ ngân hàng mọc lên như nấm, ngành này phải “vơ vét” cán bộ mới đáp ứng được yêu cầu tăng trưởng. Cho nên một cán bộ kinh doanh của ngành khác chỉ cần giỏi bán hàng, giỏi tiếp thị là có thể được bổ nhiệm làm giám đốc chi nhánh, trưởng phòng giao dịch chỉ trong vòng 2-3 năm trong khi chặng đường phấn đấu thông thường phải mất gần 20 năm. Thậm chí có trường hợp sai phạm bị “thanh lý” ở ngân hàng này vẫn có thể ký được hợp đồng ở vị trí quản lý của ngân hàng kia, sau nhiều lần thụt két hàng trăm tỉ đồng mới hết được trọng dụng. |
Theo Tô Hà