1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

GS Võ Tòng Xuân: Người nông dân có quyền được trao cơ hội

Trường Thịnh

(Dân trí) - Nói về việc các tập đoàn kinh tế đầu tư vào sự phát triển của Đồng bằng Sông Cửu Long, Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng, người nông dân xứng đáng được trao cơ hội để thay đổi cuộc đời mình theo chiều hướng tốt đẹp hơn.

Người nông dân đang lún sâu vào quá khứ

Ông đánh giá thế nào về thực trạng đời sống của người nông dân miền Tây Nam Bộ?

Miền Tây Nam bộ (Đồng bằng sông Cửu Long) là vùng trũng của giáo dục. Phần lớn họ là nông dân (thuần nông), trình độ học vấn không cao. Người dân vẫn luôn cho rằng, từ trước đến giờ họ đủ sức làm ăn, sinh đẻ, đủ điều kiện nuôi con cái, gia đình mà không cần phải học cao, học lên làm gì nữa.

Tuy nhiên, rõ ràng tuy người dân làm ra được cái ăn, cái mặc… nhưng phần lớn vẫn thuộc diện nghèo. Bác Hồ từng nói "Nông dân ta giàu thì nước ta giàu"… song thực tế cho đến bây giờ, số lượng nông dân và người nghèo chiếm phần lớn, do đó nước ta chưa thể nào giàu được.

GS Võ Tòng Xuân: Người nông dân có quyền được trao cơ hội - 1
Giáo sư Võ Tòng Xuân - người dành cả tâm huyết đời mình để nghiên cứu và đóng góp cho sự phát triển của Đồng bằng Sông Cửu Long.

Vì sao người nông dân tuy chăm chỉ, làm lụng vất vả nhưng lại khó làm giàu?

Tại sao người nông dân nghèo? Câu hỏi này đã được đặt ra từ rất lâu. Có người nói do tình hình kinh tế, do chính sách… khiến người nông dân khó làm giàu. Nhưng theo tôi, là do người nông dân không có nhiều sự thay đổi trong tư tưởng, vì họ giữ nguyên quan điểm và kinh nghiệm của ông bà tổ tiên để lại trong việc làm nông, trong cuộc sống… Cuối cùng, họ tuy làm việc chăm chỉ, tạo ra nhiều lúa, trái cây, cá tôm... nhưng hiệu quả không cao.

Nếu chúng ta không giúp người nông dân thoát ra được những quan điểm cố hữu, thì mãi mãi họ chỉ lún sâu trong quá khứ. Ví dụ: Người nông dân sử dụng phân bón không đúng cách, chỉ dùng phân đạm bón cho rau, sẽ dẫn đến tình trạng làm cho thổ nhưỡng ngày càng đi xuống, phải dùng hóa chất nhiều hơn… Nông dân tốn nhiều chi phí hơn nhưng sản phẩm vẫn không đạt yêu cầu, có khi phải làm để cầm cự, chịu lỗ…

Hơn ai hết, người nông dân phải có sự thay đổi.

Cơ hội nào cho người nông dân?

Theo ông, có những cơ hội khách quan nào cho người nông dân?

Phải nói từ trước tới nay, có rất ít cơ hội cho người nông dân thay đổi. Tại Nhật, sau khi trải qua vụ tàn phá bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki, thì chỉ sau 25 năm, người nông dân Nhật đã tái thiết được nền kinh tế, vực dậy lại được. Nhưng người nông dân Việt đã trải qua hơn 45 năm mà vẫn chưa khá lên được.

Là bởi vì họ vẫn làm ăn manh mún, mạnh ai người đó làm, không có sự phối hợp để tạo ra hiệu quả trong nông nghiệp và kinh tế. Ví dụ tại Bến Tre có hơn 73.000 hecta dừa mà để mạnh ai nấy trồng, mạnh ai nấy thu hoạch, tự đi tìm thương lái hoặc nhờ cò đi tìm thương lái mua. Điều này dẫn tới việc họ bị dìm giá rồi thi nhau hạ giá, người nông dân mất lợi thế cạnh tranh và mất lợi thế về thương lượng giá.

Nếu muốn cải thiện tình trạng này, cần có những doanh nghiệp, tập đoàn giúp thay đổi một cách toàn diện và bền vững. Người nông dân có quyền được trao cơ hội, để thay đổi cuộc đời mình theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Ở vị trí của người nông dân, họ phải phối hợp cùng doanh nghiệp, tập đoàn đó để hợp lực phát triển.

GS Võ Tòng Xuân: Người nông dân có quyền được trao cơ hội - 2
Giáo sư Võ Tòng Xuân chia sẻ, người nông dân xứng đáng được trao cơ hội để thay đổi cuộc đời mình theo chiều hướng tốt đẹp hơn.

Có những tập đoàn kinh tế lớn đề xuất ý tưởng đầu tư vào khu vực này, ví dụ như Tập đoàn NovaGroup với dự án Mekong Smart City triển khai ở hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp. Đánh giá của ông về sự vào cuộc của các đơn vị này?

Tôi xưa nay vẫn quan tâm rất nhiều tới sự vào cuộc của các tập đoàn tư nhân để thay đổi diện mạo của nhiều địa phương, nhất là những địa phương thuần nông như An Giang, Đồng Tháp.

Khi có sự vào cuộc của họ, người nông dân có cơ hội tham gia cùng để giúp các doanh nghiệp, và đồng thời đó cũng là cách để họ có thể tự giúp chính mình. Để tạo ra lợi nhuận, để kinh tế địa phương phát triển khởi sắc, rất cần sự hợp lực của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp tư nhân tâm huyết.

Theo tôi, hoạt động nào tạo ra lợi nhuận thì để doanh nghiệp tư nhân làm. Các ban, ngành Nhà nước phải tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân phát triển. Chỉ có như vậy mới có thể tạo ra nhiều việc làm, tạo ra sự khác biệt trong tư tưởng, suy nghĩ và hành động, giúp người dân tạo ra thu nhập cho chính họ, giúp Nhà nước cải thiện và phát triển nền kinh tế. Đây là động lực cho người nông dân thay đổi, giảm sự bảo thủ và cải thiện cuộc sống của chính họ.

GS Võ Tòng Xuân: Người nông dân có quyền được trao cơ hội - 3
Hình ảnh mô phỏng ý tưởng xây dựng quảng trường Rồng Xanh tại khu đô thị Blue Dragon

Ông kỳ vọng như thế nào vào những dự án mới, đơn cử như dự án Mekong Smart City?

Dự án Mekong Smart City nếu sớm đi vào triển khai sẽ giúp khu vực Tây Nam Bộ có một diện mạo mới, đạt chuẩn quốc tế, thu hút khách du lịch năm châu. Dự án sẽ tạo ra nhiều việc làm, cần rất nhiều nguồn nhân lực trong tương lai. Du lịch - ngành công nghiệp không khói - sẽ sớm trở thành ngành trọng điểm của các địa phương nơi phát triển dự án. Thông qua xuất khẩu tại chỗ, sản phẩm mà người nông dân làm ra sẽ đến tận tay khách du lịch quốc tế và lâu dần sẽ đến với thị trường quốc tế.

Không những vậy, những gì mà dự án mang lại sẽ giúp cải thiện, nâng cao học vấn của khu vực, bởi theo tôi biết, trong khuôn khổ dự án có trường đại học. Như tôi nói từ đầu, người dân phải học thì mới có thể làm được những việc mà quá trình phát triển kinh tế yêu cầu. Sự thay đổi tích cực về chất lượng nguồn nhân lực sẽ là cơ sở bền vững để phát triển kinh tế.