Grab đầu tư 500 triệu USD và diện mạo nền kinh tế số ở Việt Nam
(Dân trí) - Nghị định 10 có hiệu lực sẽ giúp cho các hãng xe công nghệ như Grab chính thức được công nhận, được mở rộng phạm vi hoạt động trên khắp các tỉnh thành cả nước. Grab sẽ tiếp tục rót 500 triệu USD để phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam.
Nghị định 10 tạo sân chơi phẳng cho xe công nghệ
Khi nghị định 10 được ban hành và thông qua, nhiều người đã lo lắng về sự “chết yểu” của một số hãng xe công nghệ như Grab đang hoạt động tại Việt Nam bởi trước khi có nghị định 10, các loại hình xe công nghệ hoạt động dựa trên cơ chế được xác định thí điểm tạm thời. Đề án thí điểm này đưa ra những quy định tối thiểu và khuôn khổ cho một loại hình mới các loại xe ứng dụng công nghệ vào vận tải. Vì mới là thí điểm chưa có gì chắc chắn nên sự đầu tư của các đơn vị còn khá rụt rè vì chưa thực sự yên tâm.
Theo ông Bùi Danh Liên - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, khi nghị định 10 có hiệu lực, thị trường xe công nghệ theo đó sẽ được mở rộng. “Sự tham gia của cá nhân, tổ chức vào xe công nghệ, cũng như đối tượng phục vụ của xe công nghệ được mở ra cho quần chúng nhân dân trong cả nước chứ không chỉ riêng 5 thành phố”.
Việc lẫn lộn giữa xe công nghệ và xe taxi sẽ không còn nữa, thay vào đó, các hãng xe công nghệ sẽ phải lựa chọn cụ thể là theo loại hình nào và sẽ chịu những quy định về điều kiện kinh doanh của loại hình đó.
Đại diện phía Grab cũng tiết lộ, ngay khi có thông tư, hướng dẫn từ Bộ GTVT về việc chuẩn bị thực hiện nghị định 10, Grab Việt Nam sẽ triển khai thực hiện đồng bộ, nhanh chóng. “Thay vì hoạt động trong khuôn khổ một Đề án thí điểm, từ ngày 1/4/2020, Grab và các mô hình như Grab có thể chính thức hoạt động trên phạm vi toàn quốc theo luật định. Grab chắc chắn sẽ không bỏ lỡ cơ hội này để phát triển mạng lưới dịch vụ của mình”.
Rót 5 triệu USD phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam
Grab khẳng định vẫn tiếp tục rót 500 triệu USD vào thị trường Việt Nam trong vòng 5 năm tới với mục tiêu tiếp tục đóng góp tích cực cho sự phát triển nền kinh tế số của Việt Nam, tạo ra hàng triệu cơ hội tăng thêm thu nhập và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Việt Nam.
Kể từ khi hoạt động tại Việt Nam vào năm 2014, đến nay Grab đã trở thành siêu ứng dụng dẫn đầu trên thị trường và là lựa chọn hàng đầu của người dân cho các dịch vụ kết nối di chuyển, giao nhận thức ăn. Tổng giá trị thanh toán qua ví điện tử Moca trên ứng dụng Grab đạt mức tăng trưởng đến 150% trong nửa đầu năm 2019, với số lượng người dùng tương tác hàng tháng tăng đến hơn 70%. Tới nay, Grab đã giúp cải thiện cuộc sống của hàng trăm ngàn đối tác tài xế với tổng với thu nhập tích lũy gần 1 tỷ USD.
Với vị thế đó, khi nghị định 10 được triển khai, phạm vi hoạt động được mở rộng, Grab cần nắm bắt cơ hội, nâng cao chất lượng phục vụ, hoàn thiện và đồng bộ hệ thống xe cũng như logo nhận diện… để kịp thời đáp ứng nhu cầu của lượng khách ngày càng lớn.
Khoản đầu tư 500 triệu USD theo Grab sẽ được sử dụng để triển khai các dịch vụ mới tại Việt Nam và mở rộng mạng lưới các dịch vụ kết nối di chuyển, giao nhận thức ăn và thanh toán điện tử, đồng thời phát triển các giải pháp mới về công nghệ di động, công nghệ tài chính và logistics.
Trong lộ trình đó, Grab cam kết góp phần giảm nghèo cho các cộng đồng dân cư, đặt mục tiêu mở rộng các lợi ích to lớn của nền kinh tế số tới khắp các tỉnh, thành phố trên toàn quốc và giúp hàng triệu người Việt Nam có thêm thu nhập khi các đối tác tài xế, đối tác giao nhận và đối tác kinh doanh có thể trở thành những doanh nghiệp siêu nhỏ hợp tác trên nền tảng Grab.
Grab cũng đặt mục tiêu hợp tác với các tổ chức tài chính để cung cấp dịch vụ tài chính cho nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, giúp họ tiếp cận với các sản phẩm tín dụng và bảo hiểm để phát triển và đảm bảo sinh kế của mình.
Các hoạt động này sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho những người hiện đang không có việc làm, nghèo và cận nghèo, đồng thời tạo cơ hội cho họ có được mức thu nhập tốt hơn và đạt được doanh thu cao hơn.
Bên cạnh đó, Grab cũng góp phần xây dựng lực lượng lao động có kỹ năng, đầu tư vào các tài năng công nghệ Việt Nam để giải quyết những thách thức lớn nhất ở Đông Nam Á thông qua trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, máy học... Đồng thời, Grab cũng sẽ nỗ lực nâng cao hiểu biết cho người dân về tài chính kỹ thuật số...