Gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng: "Chậm còn hơn không"
(Dân trí) - Đóng góp ý kiến cho các giải pháp thuế, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng: Chính phủ đưa ra gói hỗ trợ chậm, nhưng chậm còn hơn không. “Mới cảm uống thuốc là khỏe ngay, còn để ốm nặng thì uống sâm cũng khó hồi phục”, vị đại biểu ví von.
Giảm, miễn thuế làm giảm thu ngân sách khoảng 9.000 tỷ đồng
Theo tờ trình mà Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ trình bày tờ trình, có 2 phương án giảm, miễn thuế để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường năm 2012.
Thứ nhất, giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2012 cho một số đối tượng doanh nghiệp, bao gồm: Doanh nghiệp nhỏ và vừa (không bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh trong các lĩnh vực xổ số, bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, sản xuất hàng hoá, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, doanh nghiệp được xếp hạng 1, hạng đặc biệt thuộc Tập đoàn kinh tế, tổng công ty) và doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến: nông sản, lâm sản, thuỷ sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử; xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội.
Thứ hai, miễn thuế khoán thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2012 đối với cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh; hộ, cá nhân chăm sóc trông giữ trẻ; hộ, cá nhân, tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân với điều kiện giữ ổn định mức giá cho thuê phòng trọ, nhà trọ, giá trông giữ trẻ và giá cung ứng suất ăn ca như cuối năm 2011.
Theo tính toán, toàn bộ gói giải pháp nêu trên, bao gồm cả những giải pháp mà Chính phủ chỉ đạo thực hiện theo thẩm quyền, tác động tài chính đến sản xuất kinh doanh của nền kinh tế khoảng 29.000 tỷ đồng. Trong đó, các giải pháp gia hạn thời hạn nộp thuế sẽ để lại cho doanh nghiệp tiền vốn ước khoảng 16.000 tỷ đồng; Các giải pháp miễn giảm thuế giúp doanh nghiệp giảm chi phí và các giải pháp tài chính khác có giá trị khoảng 13.000 tỷ đồng.
Về tác động đối với NSNN, việc thực hiện các giải pháp về giảm, miễn thuế thuộc thẩm quyền của Quốc hội ước làm giảm thu NSNN năm 2012 khoảng 4.100 tỷ đồng.
Tính chung các giải pháp về thuế, phí sẽ tác động làm giảm thu NSNN năm 2012 khoảng 9.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương khoảng 3.000 - 3.600 tỷ đồng và ngân sách địa phương khoảng 5.400 - 6.000 tỷ đồng.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển, khó khăn chủ yếu của doanh nghiệp hiện nay là tiếp cận tín dụng, lãi suất cao, hàng tồn kho lớn.
Đánh giá về gói giải pháp miễn, giảm thuế của Chính phủ, ông Hiển cho biết, đa số thành viên của Ủy ban Tài chính Ngân sách đồng tình với việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN); nhưng cũng có ý kiến cho rằng, phạm vi giảm còn hẹp, chưa đảm bảo công bằng giữa các lĩnh vực khác nhau. Do đó, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, Chính phủ cần kết hợp hài hòa chính sách tài khóa và tiền tệ; Cần cơ cấu lại dư nợ, tăng sức mua.
Ốm nặng, uống sâm cũng khó hồi phục
Bày tỏ ý kiến của mình, đại biểu Trương Thị Ánh (TP.HCM) tán thành việc giảm 30% thuế TNDN đối với 2 đối tượng đã nêu trong tờ trình. Bởi trong tình hình kinh tế trong nước và thế giới khó khăn như hiện nay, việc ban hành chinh sách hỗ trợ thuế cho người dân và doanh nghiệp là cần thiết.
Về việc miễn thuế khoán đối với một số hộ kinh doanh nhà trọ, trông giữ trẻ…. Uỷ ban Tài chính Ngân sách không tán thành như đề xuất Chính phủ. Tuy nhiên, đại biểu Trương Thị Ánh bày tỏ chưa đồng tình với ý kiến của Uỷ ban. Vị đại biểu này ví dụ từ thực tế tại TPHCM, việc triển khai chính sách này trong năm 2011 có tác động rất tích cực, chương trình đã tạo sự lan tỏa, đồng tình cao của người dân. Bởi TPHCM có số đông người ngoại tỉnh đến sinh sống và làm việc… việc ăn ở, sinh hoạt là nhu cầu chính dáng cần được quan tâm.
Do đó, đại biểu Ánh đề nghị Chính phủ cần thực hiện chính sách này, dù số tiền giảm không lớn nhưng ảnh hưởng tích cực đến chính sách kiềm chế lạm phát.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyên (Lâm Đồng) cho rằng: Chính phủ đưa ra gói hỗ trợ chậm, nhưng chậm còn hơn không. “Mới cảm uống thuốc là khỏe ngay, còn để ốm nặng thì uống sâm cũng khó hồi phục”, vị đại biểu này ví von. Do đó, đại biểu Thuyên đồng tình với gói giải pháp mà Chính phủ đưa ra, và nhấn mạnh tới thực trạng nền kinh tế, đề nghị Chính phủ cần nghiêm túc đảo bảo phát triển kinh tế bền vững, khắc phục bệnh báo cáo thành tích.
“Ba ngày qua, Quốc hội đã thảo luận kỹ về đầu tư cho nông nghiệp nông thôn, tái cơ cấu nền kinh tế, nếu Chính phủ tiếp thu thì sẽ điều hành tốt hơn. Chính phủ phải có năng lực lắng nghe”, đại biểu Thuyên nhấn mạnh.
Còn theo đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) thì, việc đề xuất giảm 30% thuế thu nhập doanh không bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa trong một số lĩnh vực như chứng khoán, bất động sản… có phạm vi quá hẹp, không đảm bảo công bằng giữa các ngành nghề khác nhau. Do đó, đại biểu Vẻ đề nghị Chính phủ cần mở rộng đối tượng hỗ trợ.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) đồng thuận với sự cần thiết ban hành chính sách và giảm 30% thuế TNDN, nhưng vẫn còn băn khoăn một số điểm. “Qua trao đổi với một số doanh nghiệp, chuyên gia trong lĩnh vực này, tôi thấy gói này chỉ có ý nghĩa khích lệ, còn tác động chưa thật sự nhiều. Vì để hỗ trợ doanh nghiệp một cách chính xác, hiệu quả, phải hiểu doanh nghiệp đang đối diện với những khó khăn gì. Với quá trình sản xuất cũng như tái mở rộng sản xuất phải tác động đúng nơi, đúng lúc mới mang lại hiệu quả”, đại biểu Hải nói.
Nguyễn Hiền