"Gói 50.000 tỷ" cứu BĐS: Chuyện thật hay đùa?

(Dân trí) - Nhiều ngân hàng có tên trong danh sách "dự kiến" tham gia "chương trình tín dụng 50.000 tỷ đồng" do Ngân hàng Xây dựng VN (VNCB) khởi xướng đã bày tỏ sự ngạc nhiên về những thông tin mà VNCB đưa ra.

50.000 tỷ đồng ở đâu ra?

Con số 50.000 tỷ đồng "thực thực hư hư" của VNCB đưa ra khiến chính các ngân hàng cũng ngạc nhiên
50.000 tỷ đồng ở đâu ra?

Trong bối cảnh gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ mới giải ngân được... 4%, trong khi nhiều dự án vẫn dở dang vì tắc vốn, thông tin về một gói tín dụng 50.000 tỷ do VNCB tung ra khiến thị trường không khỏi xôn xao. Thêm vào đó lại có thêm một "gói" 70.000 tỷ đang được một số ngân hàng thương mại nhà nước lớn đăng ký với NHNN, thị trường BĐS được tin là đang đứng trước triển vọng đón một dòng vốn khổng lồ.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 

Cụ thể, theo thông tin từ VNCB, "chương trình tín dụng 50.000 tỷ đồng bản chất là gói sản phẩm tín dụng khép kín 4 nhà: Ngân hàng người mua- Chủ đầu tư, Nhà thầu - Nhà tổ chức cung ứng SXVLXD- Ngân hàng người bán, qua đó tất cả cùng ký kết trên 1 hợp đồng, thống nhất việc đối trừ trực tiếp theo giá trị hợp đồng mà không bắt buộc chuyển dòng tiền qua chủ đầu tư".

Cũng theo ngân hàng tiền thân là một nhà băng thuộc nhóm yếu kém,vừa tái cấu trúc thành công và tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ lên 7.500 tỷ đồng này, "các ngân hàng tham gia chuỗi liên kết này, trong đó có 4 ngân hàng TMCP Nhà nước gồm BIDV, Vietcombank, Agribank và Vietinbank đăng ký trực tiếp với Ngân hàng Nhà nước. 4 ngân hàng này được gọi là “Ngân hàng người mua” trong chuỗi liên kết".

"Bên cạnh đó, có nhiều ngân hàng thương mại cổ phần khác đang cùng thống nhất với Ngân hàng Xây dựng Việt Nam để hợp tác tham gia chuỗi liên kết này gồm ACB, Sacombank, Lienvietpostbank, MB, Oceanbank .... Nhóm ngân hàng này được gọi là “ngân hàng người bán”." - thông tin từ VNCB cho biết thêm.

Mặc dù chương trình hoành tráng là vậy, nhưng các chi tiết về hạn mức của từng ngân hàng, trong đó có cả ngân hàng chủ trì là VNCB, đối tượng cụ thể, tỷ lệ phân bổ tín dụng dài - trung - ngắn hạn... đều không được nhắc tới. Điều này khiến sự hiểu biết về "gói 50.000 tỷ" càng trở nên mông lung, dù rằng lãnh đạo ngân hàng, lãnh đạo DN chủ trì cung ứng VLXD, đại diện cơ quan quản lý lẫn chuyên gia kinh tế có mặt trong buổi công bố chương trình này đều có những nhận định rất lạc quan.

"Không chính xác", "chưa cụ thể"

Trao đổi với PV Dân trí chiều 27/3, ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cho biết, gói 50.000 tỷ này “chưa cụ thể” và vẫn chưa có đầy đủ thông tin. Tổng Giám đốc SHB, ông Nguyễn Văn Lê cũng khẳng định "không nghe nói về gói 50.000 tỷ đồng liên kết với VNCB".

 

Ông Lê cho biết, SHB chỉ tham gia gói liên kết 4 nhà dự kiến ký NHNN, do Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) làm đầu mối và có sự tham gia của một số ngân hàng như: VietinBank, Vietcombank, Agribank, VNCB... Gói liên kết này hiện đã có bản dự thảo hợp tác gửi cho các ngân hàng tham gia nghiên cứu và đang chuẩn bị được ký kết.

Theo ông Lê, trong thời gian tới, NHNN nhất định sẽ có họp báo công bố về thông tin này. Ông cũng từ chối tiết lộ về quy mô của gói liên kết này cũng như khoản tín dụng mà SHB dự kiến tham gia.

Trao đổi với Dân trí, dại diện Sacombank dẫn lời người phát ngôn của ngân hàng này cho biết: "Sacombank chỉ đang xem xét việc có tham gia gói tín dụng này hay không. Thông tin Sacombank đã tham gia là không chính xác".

Tương tự, đại diện OceanBank cũng không giấu được sự bất ngờ khi được biết ngân hàng mình có tên trong danh sách "dự kiến tham gia" giải ngân gói 50.000 tỷ do VNCB chủ trì. "VNCB có đề cập đến vấn đề này, nhưng hiện OceanBank chưa có câu trả lời nào cả. Để tham gia hay không, chúng tôi cần làm rõ hạn mức là bao nhiêu, tỷ trọng phân bổ tín dụng dài - trung - ngắn hạn là bao nhiêu, để còn xem xét chương trình này có phù hợp với kế hoạch tăng trưởng tín dụng của OceanBank hay không, có phù hợp với định hướng phân bổ vốn theo cơ cấu ngành hay không", vị này phân tích.

Một ngân hàng TMCP nhà nước khác cũng khẳng định là "chưa có thông tin", khi được PV hỏi về gói 50.000 tỷ, cũng như tính "liên kết" giữa "gói 50.000 tỷ" này với gói liên kết mà các ngân hàng sắp sửa ký với NHNN do BIDV làm đầu mối.

Liên quan đến các chiến dịch của VNCB, hồi tháng 7 năm ngoái, ngân hàng này từng công bố một loạt thông tin cho biết đã tham gia ký kết hợp đồng hợp tác liên kết 4 nhà giữa BIDV, VNCB và các chủ đầu tư, nhà thầu, nhà cung cấp Vật liệu xây dựng dự án BOT mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1, Quốc lộ 14 và nhà ở xã hội. Chưa có thông tin mới nào cho biết về hiệu quả của các chương trình này. Tuy nhiên, đáng chú ý là, đồng hành trong chuỗi liên kết, Tập đoàn Thiên Thanh, đối tác chiến lược của VNCB tham gia với vai trò nhà tổ chức, cung cấp vật liệu xây dựng trong hầu hết các dự án.

 

Lần này, tiếp tục là một "gói tín dụng 50.000 tỷ" được giới thiệu, với quy mô hoành tráng và mức độ "liên kết" được tuyên bố là chặt chẽ, "đánh" trúng điểm nghẽn của thị trường. Nhưng điều cơ bản nhất của gói này, là con số 50.000 lấy ở đâu ra, khi mà rất nhiều ngân hàng được "xướng tên" thậm chí còn chưa biết vì sao mình được xướng tên.

 
Ngân hàng TMCP Xây dựng tiền thân là ngân hàng Đại Tín (Trustbank) - một ngân hàng có vốn điều lên 3.000 tỷ đồng, vừa đáp ứng đủ mức sàn (vốn tối thiểu) mà NHNN yêu cầu với các NHTM trong hệ thống. Ngân hàng này thuộc diện yếu kém, và phải tái cơ cấu bắt buộc theo cầu của NHNN.

Sau khi đổi tên, vốn điều lệ của VNCB đã được tăng lên 7.500 tỷ đồng kể từ ngày 26/12/2013, tương đương đạt mức 250% so với vốn điều lệ cũ.

Theo kế hoạch, ngoài tăng vốn thì năm 2013, tổng tài sản của VNCB dự kiến đạt 42.000 tỷ đồng. Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại (gần kết thúc quý I/2014), trên website của VNCB vẫn chưa công bố Báo cáo tài chính 2012 và 2013. Đồng thời, do ngân hàng chưa công bố BCTC nên các thông tin cơ bản về tăng trưởng tín dụng và cơ cấu tín dụng cho vay của VNCB đều rất “kín”.

Việc ra đời của VNCB không thể không nhắc đến Thiên Thanh – Tập đoàn đã mua tới 9,67% vốn của Trustbank và trở thành cổ đông lớn của VNCB. Đây cũng là cổ đông doanh nghiệp ngoài quốc doanh duy nhất của ngân hàng này. Ông Phạm Công Danh từ Tập đoàn Thiên Thanh, đã được bầu là Chủ tịch HĐQT VNCB khi ngân hàng này được thành lập năm 2013.

Trong số 84,04% vốn Trustbank đã bán trước khi tái cơ cấu thì danh tính các cổ đông cá nhân sở hữu 74,37% còn lại không được công bố.

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2012 được tổ chức hồi năm ngoái cũng tại Hội trường Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh, số 302, Tô Hiến Thành, P15, Q10, TPHCM.

Trước đó, ý tưởng khi thành lập một ngân hàng xây dựng đã bị lãnh đạo NHNN phản đối, “Không có ngân hàng nào trên thế giới nói rằng chỉ chuyên cho vay để mua nhà. Trên thực tế hiện nay ở Việt Nam có tới 37 TCTD trong nước, ngân hàng nào cũng hoạt động phần này cả. Do vậy, có cần thiết thành lập một ngân hàng chỉ để làm cái việc đó không thì nhu cầu thực tế là không”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã từng lý giải cho việc từ chối ý tưởng này.

 

Nhóm PV Kinh tế
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước