1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Góc nhìn chuyên gia: Hô hào cán bộ làm tốt không thôi là chưa đủ

(Dân trí) - Chuyên gia Huỳnh Thế Du cho rằng, khi không thoả mãn được về vấn đề thu nhập, làm tốt không được thăng tiến thì dễ nảy sinh vấn đề “bôi trơn”, đòi hỏi, sách nhiễu đối với doanh nghiệp từ cán bộ công chức… Hô hào họ làm tốt không thôi là chưa đủ.

Ông Huỳnh Thế Du - Giảng viên Chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam.
Ông Huỳnh Thế Du - Giảng viên Chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam.

Ông Huỳnh Thế Du – chuyên gia kinh tế, giảng viên Chính sách công - Đại học Fulbright Việt Nam đã chỉ ra một số trục trặc căn bản của nền kinh tế. Trong đó, có trục trặc mang tên “khuyến khích ngược” hay bất cập trong việc phân bổ trong đầu tư công…

Cụ thể, trong cuộc trò chuyện với với Dân trí, chuyên gia Huỳnh Thế Du nói:

Một trong những nút thắt mà tôi từng đề cập đến đó là vấn đề động lực làm việc của cán bộ, công chức. Đây là yếu tố rất quan trọng bởi chính họ - các cán bộ, công chức là người triển khai, thực thi chính sách.

Cần phải thiết kế làm sao tạo động lực làm việc cho cán bộ, công chức, tức là cán bộ, công chức làm tốt sẽ được nâng lương và có cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp.

Tuy nhiên điều đáng tiếc một thực tế hiện nay cán bộ không có động lực làm tốt lên. Mục tiêu đi làm của họ là cải thiện thu nhập và thăng tiến chưa đáp ứng được.

Khi không thoả mãn được về vấn đề thu nhập, làm tốt không được thăng tiến thì dễ nảy sinh vấn đề “bôi trơn”, đòi hỏi, sách nhiễu đối với doanh nghiệp… Khi chưa tạo được động lực làm tốt thì việc sách nhiễu, tham nhũng trong khu vực này chưa thể giải quyết được tận gốc. Hô hào họ làm tốt không thôi là chưa đủ.

Thực tế, trong một cơ chế “khuyến khích ngược”, công chức nhũng nhiễu thì có thêm thu nhập và cơ hội thăng tiến. Với các chính sách thuộc vùng xám, các công chức có hai lựa chọn trái ngược: vận dụng linh hoạt cho dân hoặc gây khó và đẩy việc. Lựa chọn thứ nhất sẽ làm cho xã hội tốt lên, nhưng lại ảnh hưởng đến cơ hội có thêm thu nhập và thăng tiến của công chức.

Công việc được xử lý nhanh gọn thì người dân và doanh nghiệp chỉ cám ơn đúng nghĩa đen nên đâu có thêm thu nhập tức thì. Vận dụng linh hoạt chính sách thì có thể sai trong cơ chế “không được sai” và sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cơ hội thăng tiến. Do vậy, lựa chọn làm khó và đẩy việc chắc ăn hơn. Làm khó thì người dân và doanh nghiệp sẽ phải “biết điều” nên công chức sẽ có thêm thu nhập.

Ngoài ra, chúng ta cũng đang gặp trục trặc trong việc phân bổ nguồn lực trong đầu tư. Minh chứng của vấn đề này là ngân sách nhà nước đang được phân bổ rất nhiều cho những địa phương có hoàn cảnh khó khăn, trong khi những nơi đang tạo ra năng suất và giá trị gia tăng cao chưa được dành một nguồn lực đúng mức. Mục tiêu cuối cùng là phát triển đồng đều trên phạm vi cả nước.

Thay vào đó, đáng lẽ cần tập trung vào những nơi phát triển, đầu tư hạ tầng thiết yếu, phân bổ ngân sách làm sao để những nơi làm tốt có động lực làm tốt hơn. Những nơi phát triển này cũng chính là nơi tập trung cao nguồn nhân lực, doanh nghiệp. Khi được đầu tư tốt hơn sẽ tác động trở lại tốt hơn đối với các đối tượng này.

Một lực cản khác cũng chưa được cải thiện nhiều đó là bất cập trong khu vực tài chính ngân hàng. Mặc dù nợ xấu có giảm xong chỉ số minh bạch không cao, còn nhiều tiềm ẩn bên trong. Đáng lưu ý, chính sách điều hành tỷ giá được đánh giá là tương đối ổn trong 5 năm qua, mức giảm giá VND là vừa phải.

Tuy nhiên, khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra, đồng nhân dân tệ xuống giá khá nhiều thì việc duy trì chính sách ổn định tỷ giá trong một thời gian sẽ gây bất lợi cho doanh ghiệp. Còn nếu mức điều chỉnh sẽ lớn và gây xáo trộn trên thị trường. Do vậy để giải quyết bài toán này cực kỳ khó.

Nguyễn Mạnh (lược ghi)

Góc nhìn chuyên gia: Hô hào cán bộ làm tốt không thôi là chưa đủ - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm