Gỡ vướng trong đăng ký kinh doanh bất động sản

Các DN kinh doanh bất động sản mới không thể đăng ký hoạt động được do những quy định chưa thống nhất. Ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban Nghiên cứu chính sách kinh tế vĩ mô (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) đã trao đổi về vấn đề này.

Thưa ông, nhiều DN phàn nằn rằng, họ muốn đăng ký kinh doanh bất động sản nhưng không thể đăng ký được?

Chúng tôi cũng nhận được phản hồi từ rất nhiều doanh nghiệp (DN) về chuyện này. Hiện nay, các DN mới muốn đăng ký kinh doanh bất động sản đang gặp 2 vướng mắc lớn. Đó là định nghĩa thế nào là kinh doanh bất động sản.

Chẳng hạn như một hộ gia đình có vài căn nhà cho thuê có được gọi là kinh doanh bất động sản không? DN thừa một tầng nhà văn phòng muốn cho thuê cũng có được gọi là kinh doanh bất động sản không?... Quy định về vốn pháp định cũng đang gây khó khăn lớn khiến DN mới không thể đăng ký kinh doanh được.

Thực tế đã có quy định về vốn pháp định của DN kinh doanh bất động sản, nhưng vấn đề ở chỗ không có cơ quan nào xác nhận vốn pháp định cho DN?

Chúng tôi biết hiện nay, các DN kinh doanh bất động sản không thể hoàn thành đủ hồ sơ hợp lệ để đăng ký thành lập DN kinh doanh bất động sản mới vì không có xác nhận về vốn pháp định.

Nếu không đủ hồ sơ thì hồ sơ không hợp lệ và cơ quan đăng ký kinh doanh không nhận. Như vậy không thành lập được DN mới để kinh doanh bất động sản.

Vậy đâu là lý do chính?

Lâu nay, Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn nói chung áp dụng theo pháp luật chuyên ngành. Luật Kinh doanh bất động sản và các văn bản hướng dẫn luật này gọi là pháp luật chuyên ngành.

Nghị định 153/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản hướng dẫn là vốn pháp định khi đăng ký kinh doanh bất động sản là 6 tỷ đồng còn trình tự, thủ tục, hồ sơ cơ quan có thẩm quyền xác định thì Nghị định 153 lại quy chiếu sang áp dụng theo Luật Hợp tác xã về đăng ký kinh doanh.

Như vậy, hai bên không thống nhất với nhau, văn bản trái nhau, các DN kinh doanh bất động sản không đăng ký được.

Việc này sẽ được xử lý thế nào, thưa ông?

Chúng tôi đã thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ văn bản nêu thực trạng về vấn đề này và đề xuất với Thủ tướng hướng giải quyết.

Hướng xử lý sẽ là nếu có quy định về pháp luật chuyên ngành thì áp dụng. Nếu không có quy định về pháp luật chuyên ngành thì chúng tôi sẽ đưa ra nhiều phương án, phân tích và chọn phương án áp dụng tốt nhất.

Mục tiêu cuối cùng vẫn là tạo điều kiện và sự thông thoáng để DN có thể đăng ký kinh doanh mà không gặp cản trở nào như hiện nay.

Theo Lê Phượng
Báo Đầu tư