1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Giữa "bão" quy hoạch ngành thép, thép Trung Quốc giá rẻ ồ ạt vào Việt Nam

(Dân trí) - Trong khi ngành thép trong nước đang "nín thở" trước quyết sách quan trọng liên quan đến vận mệnh của mình thì mặt hàng sắt thép nhập khẩu đã và đang diễn biến hết sức lo ngại. Lượng sắt thép nhập khẩu về Việt Nam tính hết tháng 11/2016 tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Theo Tổng cục Hải quan, tính đến hết 15/11, Việt Nam nhập 16,2 triệu tấn sắt thép các loại, trị giá 7 tỷ USD, đơn giá 437 USD/tấn. Tính chung, nhập khẩu thép về Việt Nam tăng gấp gần 1,6 lần so với cùng kỳ năm trước(khoảng 10 triệu tấn).

Đáng chú ý, thị trường nhập sắt thép chủ yếu của Việt Nam vẫn là Trung Quốc, theo số liệu tính đến hết tháng 10/2016, Việt Nam nhập khẩu 9 triệu tấn sắt thép từ Trung Quốc, với giá trị kim ngạch 3,6 tỷ USD, đơn giá 400 USD/tấn.

Ngành thép đang trong thế bắt buộc phải đương đầu với sắt thép nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc (ảnh minh họa)
Ngành thép đang trong thế bắt buộc phải đương đầu với sắt thép nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc (ảnh minh họa)

So với tổng nhập thếp 15,4 triệu tấn, kim ngạch 6,5 tỷ USD, đơn giá 422 USD/tấn trong tháng 10/2016, sắt thép nhập khẩu từ Trung Quốc đã chiếm gần 60% về lượng và giá trị nhập khẩu.

Trên thực tế, lượng sắt thép nhập khẩu từ Trung Quốc luôn thấp hơn nhiều so với giá sắt thép của các DN sản xuất trong nước và giá sắt thép Việt Nam xuất khẩu.

Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tính đến hết tháng 11/2016 giá thép cuộn cán nóng (HCR) tại thị trường Đông Nam Á và Việt Nam chào bán bình quân chỉ ở mức 483 - 488 USD/tấn. Giá thép thanh cũng là 425 - 429 USD/tấn. Như vậy, mức giá này luôn cao hơn nhiều so với giá sắt thép nhập khẩu bình quân từ Trung Quốc về Việt Nam.

Vì sao sắt thép Trung Quốc về Việt Nam rẻ hơn cả sắt thép trong nước và giá sắt thép nhập khẩu bình quân của Việt Nam từ các thị trường như Nga, Indonesia hay Hàn Quốc, trao đổi với PV Dân Trí, ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch VSA cho hay: "Hiện năng lực sản xuất ngành thép của Trung Quốc hàng tỷ tấn mỗi năm, khoảng 30% được sử dụng trong nước còn hầu hết là để xuất khẩu ra nước ngoài. Thép Trung Quốc có lợi thế sản xuất quy mô, lại được chính sách hỗ trợ giá khi xuất khẩu từ Chính phủ, các ngân hàng xuất khẩu của nước này. Do đó, giá thép Trung Quốc có lợi thế cạnh tranh rất lớn và nếu so sánh ngang giá, thép Trung Quốc không có đối thủ".

Cũng theo lời của Chuyên gia Kinh tế Lê Đăng Doanh, hiện tượng giá thép Trung Quốc rẻ lấn át, cạnh tranh về mọi phương diện đối với Việt Nam là do sắt thép trong nước đắt đỏ do công nghệ lạc hậu, manh mún và giá trị gia tăng thấp. Đáng nói, giá thép Trung Quốc còn được hưởng lợi hơn khi Việt Nam bắt buộc phải thực hiện cơ chế xóa bỏ thuế quan trong Hiệp định Thương mại tự do song phương ASEAN và Trung Quốc. Ở đây, thép và phôi thép Trung Quốc nằm trong hơn 3.600 mặt hàng mà Việt Nam và nhiều nước ASEAN phải dỡ bỏ thuế ngay từ năm 2015 đến 2018.

Theo đó, tại Thông tư số 166/2014 của Bộ Tài chính, thuế đối với nhiều mặt hàng sắt thép từ Trung Quốc vào Việt Nam từ năm 2015 bị cắt bỏ từ 55% và 25% (trước 2010) xuống mức thấp nhất là 0%. Trong đó thép thanh không hợp kim có mức thuế cao nhất là 20%, phôi thép, quặng có mức thếu 5% và đặc biệt thép cuộn cán nóng của Trung Quốc chỉ chịu thuế 0% khi vào Việt Nam.

Thông tin mới đây, Bộ Công Thương trong dự thảo lần 2, quy hoạch ngành thép đến năm 2025 và định hướng năm 2035 đã loại bỏ 12 dự án thép ra khỏi quy hoạch. Tuy nhiên, đồng thời với việc loại bỏ 12 dự án ngành thép, Bộ này đã quyết định tăng sản lượng sản xuất của toàn ngành thép lên gấp đôi, gấp ba so với dự thảo ban đầu.

Đáng nói, ngành thép trong nước đang có nguy cơ cạnh tranh rất khó ngay tại nội địa, không nhiều cơ hội cho xuất khẩu. Bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang mở cửa thị trường nội địa, xóa bỏ thuế với nhiều nước sản xuất thép lớn như Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Úc và nhiều nước Đông ÂU.

Về thay đổi tổng sản lượng toàn ngành, so với dự thảo lần 1 trước đó không lâu, dự thảo lần 2 quy hoạch ngành thép của Bộ Công thương tăng sản lượng gang lỏng và sắt xốp từ 8 triệu tấn lên 21 triệu tấn (năm 2020), 15 triệu tấn lên 46 triệu tấn (năm 2025) và từ 30 triệu tấn lên 55 triệu tấn (năm 2035). Cùng đó, sản lượng sản xuất phôi từ 18 triệu tấn lên 32 triệu tấn (năm 2020), từ 27 triệu tấn lên 57,3 triệu tấn (năm 20250 và từ 52 triệu tấn lên 66,3 triệu tấn (năm 2035). Mức tăng của dự thảo mới so với bản trước từ 27% đến 55% tổng sản lượng sản phẩm.

Một diễn biến đáng chú ý là Bộ Công Thương đã điều chỉnh xây dựng khu liên hợp thép Cà Ná từ 5 giai đoạn xuống còn 3 giai đoạn, rút ngắn thời gian đưa dự án này vào sản xuất nhưng vẫn giữ nguyên sản lượng là 16 triệu tấn gang/sắt xốp theo công nghệ lò cao và 16 triệu tấn phôi thép.

Nguyễn Tuyền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm