“Giữ gìn văn hóa là cơ hội cho Hà Nội phát triển bền vững”
(Dân trí) - Hội thảo khoa học Quốc tế “Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng, vì hoà bình” thu hút gần 600 đại biểu trong nước và quốc tế đề cập đến nhiều vấn đề chuyên sâu về Thăng Long - Hà Nội, giữ gìn và bảo tồn di sản văn hóa.
Trong khuôn khổ các hoạt động Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Hội thảo khoa học Quốc tế “Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng, vì hoà bình” do Ban Tuyên giáo Trung ương, UBND thành phố Hà Nội, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức từ ngày 7 - 9/10.
Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học trong và ngoài nước trình bày kết quả nghiên cứu mới nhất từ những đề tài tâm huyết của mình, góp phần làm sáng tỏ những giá trị truyền thống tốt đẹp được kết tinh trong suốt 1.000 năm qua để có thể phát huy những giá trị ấy lên 1 tầm cao mới - thời đại Hồ Chí Minh.
Hội thảo đề cập khá toàn diện những vấn đề chuyên sâu liên quan đến Thăng Long - Hà Nội
Với gần 150 bài tham luận, trong đó có 25 bài của các học giả quốc tế đến từ các nước: Australia, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ, Lào, Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Đức, Pháp, các đại biểu đã đề cập khá toàn diện đến các vấn đề liên quan đến Thăng Long - Hà Nội như: Vương triều Lý và Kinh đô Thăng Long, tính thống nhất và liên kết của Thăng Long - Hà Nội; đô thị hóa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Kinh đô Thăng Long: các mối quan hệ trong nước và quốc tế, văn hoá - ngôn ngữ và con người Hà Nội, biến đổi xã hội và di dân…
Bên cạnh những tham luận phân tích về vị trí địa lí và vị thế của Thăng Long - Hà Nôi, phần lớn các tác giả tham gia đề cập đến vấn đề liên quan đến nước như: quản lý và bảo tồn đất ngập nước ở Hà Nội, các dòng sông cổ, chất lượng nước các hồ ở Hà Nội và biện pháp cải thiện, tài nguyên nước ngầm ở Hà Nội…
Các tác giả tham luận về tài nguyên (đất, nước và sinh vật) đều có chúng quan điểm là hướng tới sự phát triển bền vững và bảo tồn sự đa dạng, trong đó có sự tham gia của chuyên gia hàng đầu về rùa hồ Gươm ông Hà Đình Đức. Ngoài ra, các vấn đề môi trường, quy hoạch và quản lý đô thị Hà Nội, quan hệ giữa Thăng Long - Hà Nội với các vùng miền cũng được các đại biểu tham dự Hội thảo đóng góp ý kiến.
Tại Hội thảo, ông Phạm Quang Nghị - Bí thư Thành ủy Hà Nội chia sẻ: Cùng với cả nước thực hiện công cuộc đổi mới, trong những năm gần đây, Thủ đô Hà Nội đã và đang có những bước phát triển hết sức mạnh mẽ và đầy ấn tượng.
Tuy nhiên, Hà Nội đang phải đối mặt với những thách thức phải tập trung giải quyết như: vấn đề dân số đô thị tăng quá nhanh, vấn đề ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường... trong khi giải quyết các vấn đề liên quan đến quy hoạch và quản lý quy hoạch lại chưa được kiểm soát tốt, khiến Hà Nội đang dần mất đi những vẻ đẹp vốn có.
Trước những thách thức trên và định hướng phát triển Thủ đô bền vững, ông Phạm Quang Nghị mong muốn Hội thảo tập trung làm sáng tỏ các giá trị cốt lõi trong suốt 1.000 năm lịch sử của Thăng Long-Hà Nội là “Văn hiến, anh hùng, hòa bình - hữu nghị”, qua đó phát huy những thế mạnh và tiềm năng để phát triển và đề xuất các giải pháp nhằm phát huy những giá trị cao đẹp của Thăng Long - Hà Nội, hướng tới xây dựng chiến lược phát triển bền vững Thủ đô trong bối cảnh của một thế giới đang đổi thay vô cùng nhanh chóng, thuận lợi, thời cơ cũng như khó khăn, thách thức đều lớn.
Tham dự Hội thảo, bà Katherine Muller-Marin - Đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết: một nghiên cứu mới đây được PricewaterhouseCoopers thực hiện và đăng trên ấn phẩm Triển vọng kinh tế kinh tế Vương quốc Anh (UK Economic Outlook) của cơ quan này, Hà Nội được dự đoán là một trong hai thành phố đứng đầu thế giới về mức tăng trưởng trung bình thực của GDP trong giai đoạn 2008 - 2025.
“Để thành phố này tiếp tục có được những thành tích như vậy, chúng ta cần lưu tâm đến những thách thức do tốc độ đô thị hóa nhanh tạo nên, đặc biệt là những thách thức liên quan đến bảo tồn di sản văn hóa.
UNESCO hoàn toàn ủng hộ, hỗ trợ cam kết của các nhà lãnh đạo của thành phố trong việc tiếp tục giữ gìn giá trị, bảo vệ và bảo tồn di sản, tạo cơ hội cho phát triển bền vững và cho một cuộc sống có chất lượng của cư dân thành phố Hà Nội” - bà Katherine Muller-Marin nhận định.
Châu Như Quỳnh