Giới tài chính “nín thở” chờ bầu cử Hy Lạp

(Dân trí) - Hôm nay (17/6), cử tri Hy Lạp sẽ đi bỏ phiếu bầu chính phủ mới. Đây không chỉ là chuyện nội bộ của quốc gia đang điêu đứng vì nợ công mà là tâm điểm của toàn thị trường tài chính. Tất cả đều nín thở chờ đợi.

Đây là lần thứ hai Hy Lạp bỏ phiếu bầu chính phủ mới. Trong cuộc bầu cử ngày 6/5, đã không có chính đảng nào đủ sức thuyết phục người dân bầu cho mình để đứng ra thành lập chính phủ. Chính vì vậy, hôm nay 17/6, người dân Hy Lạp phải tiến hành đi bầu cử lại.

Thị trường tài chính châu Âu đang trong thế nước sôi lửa bỏng
Thị trường tài chính châu Âu đang trong thế nước sôi lửa bỏng

Những tuần qua các nhà đầu tư và thị trường tài chính toàn cầu đang dõi theo từng diễn biến tại đây sau khi ngày càng nhiều người dân Hy Lạp ủng hộ cho đảng Syriza, những người có chủ trương phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng để đổi lại các khoản “giải cứu” từ EU. Nếu điều này trở thành sự thật, một sự hoảng loạn sẽ lan khắp các thị trường, như giai đoạn khủng hoảng 2008. Sau đây là 3 diễn biến được hãng tin AP dự báo:

Trước hết, chính phủ Hy Lạp sẽ tuyên bố trở lại với đồng tiền cũ Drachma và định giá mỗi Drachma tương đương 1 Euro. Nhưng các chuyên gia ngoại hối ngân hàng nhận định đồng tiền của nước này sẽ mất giá 50% so với Euro ngay sau khi trở lại. Điều đó có nghĩa là người dân nước này sẽ phải đối mặt với lạm phát phi mã, có thể lên tới 30%.

Theo chiến lược gia về ngoại tệ của ngân hàng America-Merrill Lynch, do Hy Lạp là quốc gia nhập siêu, ngân hàng trung ương nước này sẽ phải in nhiều tiền hơn để nhập khẩu một khi các chủ nợ không còn cho vay. “Một khi không còn tiếp cận được với thị trường, họ buộc phải in tiền”, ông Athanasios Vamvakidis nói.

Khi đó Hy Lạp sẽ chính thức phá sản và ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cùng các chủ nợ quốc tế sẽ “lĩnh đủ”. Các ngân hàng châu Âu cũng bị ảnh hưởng mạnh một khi các khoản vay của các doanh nghiệp và người dân Hy Lạp không thể thu hồi. Theo ước tính của quỹ đầu tư Nomura, đến cuối năm 2011, dư nợ của các ngân hàng châu Âu tại thị trường Hy Lạp là 65 tỷ USD, trong đó các ngân hàng Pháp chiếm tỉ lệ cao nhất.

Kế đó, ECB và liên minh châu Âu phải thuyết phục các chủ nợ rằng họ có thể giúp BĐN, TBN và Italia tránh đi theo vết xe đổ Hy Lạp. Nếu không, chi phí vay vốn của các quốc gia này sẽ tăng vọt. “Nếu họ không thể trấn an các nhà đầu tư trái phiếu, tất cả những viễn cảnh ác mộng nhất sẽ thành hiện thực”, Robert Shapiro, nguyên thứ trưởng bộ thương mại Mỹ thời tổng thổng Bill Clinton nhận định.

Chi phí vay vốn tăng cao khiến ngân sách các quốc gia bị teo tóp, đẩy những nước này lún sâu vào suy thoái. Các ngân hàng thương mại, những người mua trái phiếu chính phủ nhiều nhất trên thị trường sẽ chịu tổn thất nặng. Khi ấy, người dân sẽ đổ xô đi rút tiền vì họ biết các ngân hàng đang suy yếu. Đây chính là nỗi lo lớn nhất. Trước bầu cử, người Hy Lạp đã ồ ạt rút từ các ngân hàng nước này trung bình 1 tỷ USD/ngày.

Thông thường, các chính phủ có thể hỗ trợ các ngân hàng bằng cách “bơm” tiền mặt hoặc trực tiếp đứng ra tiếp quản. Nhưng đến nay, khi các chính phủ cũng đang ngập trong nợ nần, những nước như Italia và TBN sẽ chẳng thể vay tiền từ các nhà đầu tư để cứu trợ. Hệ quả là không ít ngân hàng sẽ sụp đổ, các ngân hàng còn sống sót ngừng cho nhau vay tiền vì lo sợ. Thị trường tín dụng toàn châu Âu đóng băng.

Cuối cùng, khi các ngân hàng châu Âu chao đảo, khủng hoảng sẽ nhanh chóng lan sang Mỹ, châu Á do mối quan hệ giao dịch, vay vốn chằng chịt. Khi ấy thị trường tài chính toàn cầu sẽ chịu tác động mạnh.

Chính vì vậy trước ngày cuộc bầu cử Hy Lạp diễn ra, hàng loạt ngân hàng trung ương khắp châu Âu đã phải lên tiếng trấn an dư luận cùng các nhà đầu tư. Chủ tịch ECB Mario Draghi tuyên bố hôm thứ Sáu rằng cơ quan này vẫn còn đủ lực để hỗ trợ các ngân hàng nếu kết quả bầu cử dẫn tới việc Hy Lạp rời Euro-zone.

Ngay cả Anh, một quốc gia không sử dụng đồng tiền chung Euro cũng lên tiếng khẳng định đã chuẩn bị sẵn 140 tỷ bảng (tương đương 217 tỷ USD) để cho các ngân hàng vay trong trường hợp khủng hoảng tài chính bùng nổ. Còn các quốc gia bị xem là gần “tâm bão” như Tây Ban Nha và Italia đã nhanh chóng công bố kế hoạch hỗ trợ các ngân hàng.

Theo đó TBN vừa vay 100 tỷ euro để “bơm” cho các ngân hàng dù tỷ lệ nợ công của quốc gia này đến hết quý 1 đã lên tới 72% GDP. Chính phủ Italia trong ngày thứ Sáu cũng đưa ra các giải pháp trị giá 80 tỷ euro để kích thích tăng trưởng và giảm nợ, trong đó có việc bán bớt các tài sản của chính phủ.

Liệu những giải pháp này có ngăn chặn được khủng hoảng? Câu trả lời chỉ có trong tuần tới sau khi kết quả bầu cử Hy Lạp được công bố. Còn lúc này toàn thị trường tài chính vẫn phải “nín thở” chờ đợi.

Thanh Tùng
Theo AP