1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Giới đầu tư quay lưng, Eximbank “bay” gần 800 tỷ đồng

(Dân trí) - Trong khi cổ phiếu ngân hàng hồi phục mạnh mẽ thì EIB của Eximbank lại giảm giá mạnh 4,41% khiến chỉ trong 1 phiên giao dịch, vốn hoá Eximbank “bốc hơi” 799 tỷ đồng.

Phiên giao dịch ngày 26/3, VN-Index đã lấy lại gần hết những gì đã đánh mất vào cuối tuần trước, tăng 17,63 điểm tương ứng 1,53% lên 1.171,22 điểm. Trên sàn HSX ghi nhận có 146 mã tăng so với 138 mã giảm đưa thị trường thoát cảnh “xanh vỏ đỏ lòng”.

Tuy nhiên, dòng tiền vẫn tập trung vào nhóm cổ phiếu lớn. Giá trị giao dịch toàn sàn HSX đạt 7.438 tỷ đồng thì tới phân nửa rơi vào rổ VN30. Tổng giá trị giao dịch của rổ này lên tới 3.971,6 tỷ đồng.

Phiên này, nhóm cổ phiếu ngân hàng đồng loạt “bừng tỉnh” trở lại: BID tăng 2.600 đồng, VCB tăng 2.000 đồng, CTG tăng 900 đồng, MBB tăng 300 đồng, SHB tăng 400 đồng… STB và EIB trở nên lạc lõng khi STB giảm 100 đồng còn EIB mất giá mạnh tới 650 đồng.

Biên độ giảm của EIB khá lớn, lên tới 4,41%. Theo đó, vốn hoá thị trường của Eximbank trong phiên “bốc hơi” 799 tỷ đồng, giảm còn 17.335 tỷ đồng.


Cảnh sát khám xét và bắt 2 nhân viên chi nhánh tại TPHCM của Eximbank hôm qua (26/3)

Cảnh sát khám xét và bắt 2 nhân viên chi nhánh tại TPHCM của Eximbank hôm qua (26/3)

EIB vẫn đang là cổ phiếu trong diện bị cảnh báo, không được giao dịch ký quỹ theo Thông báo số 10 của Sở Giao dịch TPHCM (HSX) ngày 4/1/2018.

Trong vòng 1 tháng qua, cổ phiếu EIB đã rớt giá 8,14% mặc dù theo đánh giá của giới phân tích thì ngân hàng này đã bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu tích cực. Tại báo cáo phân tích mới nhất, Công ty chứng khoán BIDV (BSC) cho biết, trong năm qua, Eximbank đã xoá được lỗ luỹ kế với lợi nhuận tăng 166%, đạt 823 tỷ đồng.

Nợ xấu là một trong những điểm thu hút sự chú ý nhất ở Eximbank thời gian qua cũng như thời gian tới. Theo BSC, tổng tài sản nghi ngờ của Eximbank ước tính là 9.751 tỷ đồng, tương đương 68% vốn chủ sở hữu. Trong đó, các tài sản xấu cần xử lý là khoảng 8.785 tỷ đồng, bao gồm 2.298 tỷ đồng nợ xấu, 4.487 tỷ đồng giá trị ròng trái phiếu VAMC sau dự phòng, và khoảng 2.000 tỷ đồng nợ cơ cấu và tài sản cấn trừ nợ.

“Eximbank bị thanh tra và kiểm soát hoạt động từ năm 2014, do đó, có thể nói các tài sản xấu nhất của ngân hàng đã được phơi bày, rủi ro phát sinh mới một khoản nợ xấu lớn, bất thường thấp hơn”, BSC đánh giá.

Cũng theo công ty này, so với vốn chủ sở hữu cuối năm 2017 trị giá 14.251 tỷ đồng, giá trị các tài sản cần xử lý của Eximbank chiếm 62% vốn chủ sở hữu của ngân hàng, không quá lớn nếu so với một số ngân hàng khác. Nếu thu hồi được nợ xấu theo kế hoạch nói trên, ngân hàng có thể ghi nhận một số khoản hoàn nhập dự phòng rủi ro trong thời gian tới.

BSC cũng cho biết, năm qua, tiền gửi của khách hàng tại Eximbank đã tăng 14,84% qua đó đưa tăng trưởng tài sản đạt 15,66%, mức cao nhất kể từ 2013. Đây là nền tảng để ngân hàng giành lại thị phần và là cơ sở để tăng trưởng lợi nhuận.

Tuy nhiên, thời gian này, Eximbank vẫn đang chịu ảnh hưởng bởi tình trạng để tiền gửi khách hàng bị “bốc hơi” do ngân viên, cựu nhân viên đánh cắp. Sau vụ bà Chu Thị Bình báo mất 245 tỷ đồng tại chi nhánh TPHCM thì mới đây, chi nhánh Đô Lương (Nghệ An) của ngân hàng này cũng để mất hơn 50 tỷ đồng.

Trong một diễn biến mới nhất liên quan đến Eximbank, chiều qua (26/3), cơ quan CSĐT Bộ Công an đã thực hiện khám xét chi nhánh TPHCM của ngân hàng này, đồng thời, khởi tố bị can đối với H.T.T và N.T.T là nhân viên phòng khách hàng của Eximbank Chi nhánh TPHCM.

Bích Diệp

Giới đầu tư quay lưng, Eximbank “bay” gần 800 tỷ đồng - 2