DNews

Gió đảo chiều trong chính sách tiền tệ, khi nào thời "tiền rẻ" trở lại?

Phương Liên

(Dân trí) - Nhiều ngân hàng trung ương lớn ghi nhận sự đảo chiều về chính sách tiền tệ. Thụy Sỹ trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên cắt giảm lãi suất còn Nhật Bản nâng lãi suất lần đầu tiên trong 17 năm qua.

Gió đảo chiều trong chính sách tiền tệ, khi nào thời "tiền rẻ" trở lại?

Thụy Sỹ dẫn đầu làn sóng giảm lãi suất

Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ (SNB) bất ngờ quyết định giảm lãi suất. Hành động của SNB có thể kéo theo các động thái nới lỏng chính sách tiền tệ tiếp theo từ các ngân hàng trung ương khác.

Thụy Sỹ đã giảm lãi suất điều hành 25 điểm cơ bản xuống còn 1,5%. Động thái này trái ngược với dự báo giữ nguyên lãi suất của các chuyên gia kinh tế.

Lạm phát Thụy Sỹ tiếp tục giảm trong tháng 2 và ở mức 1,2%. "Trong vài tháng qua, lạm phát đã trở về dưới 2% và nằm trong phạm vi kiểm soát của SNB. Theo dự báo mới, lạm phát có thể duy trì trong mức ổn định này trong vài năm tới", SNB nhấn mạnh.

SNB cũng hạ dự báo lạm phát xuống 1,4% trong năm 2024 và 1,2% trong năm 2025. Cuối năm 2023, Thụy Sỹ dự báo tương ứng là 1,9% và 1,6%. SNB cũng lưu ý tới đà tăng của đồng Franc trong quyết định nới lỏng chính sách.

Gió đảo chiều trong chính sách tiền tệ, khi nào thời tiền rẻ trở lại? - 1

Dự báo lạm phát của Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ (Ảnh: Bloomberg).

"Trong trường hợp lạm phát giảm xuống dưới 2%, đà tăng kéo dài của đồng Franc sẽ gây ra rủi ro giảm phát cho Thụy Sỹ. Hơn nữa, đồng franc mạnh sẽ làm giảm tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu tại Thụy Sỹ. Điều này rất hợp lý khi xét rằng SNB đã nhấn mạnh tới sự suy yếu của kinh tế toàn cầu là rủi ro chính", các chiến lược gia tại công ty nghiên cứu BCA Research nhấn mạnh trong báo cáo.

Hành động của SNB có thể kéo theo những động thái nới lỏng chính sách tiền tệ tiếp theo từ các ngân hàng trung ương khác. Các chuyên gia cho rằng SNB không muốn phải chờ đợi ngân hàng trung ương khác hành động trước.

SNB chỉ tổ chức 4 cuộc họp chính sách tiền tệ hàng năm, bằng một nửa so với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Do đó họ sẽ phải chờ đến tháng 6, sau khi Fed và ECB hành động để quyết định về chính sách tiền tệ.

Thụy Sỹ là nước phát triển đầu tiên hạ lãi suất sau giai đoạn dài chịu áp lực lạm phát cao vì tác động của dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine. Thụy Sỹ cũng bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng ngân hàng trong năm 2023 khi Chính phủ phải tạo điều kiện cho thương vụ thâu tóm Credit Suisse của UBS.

Mỹ giữ nguyên lãi suất

Đúng như dự báo của thị trường, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) quyết định không nâng và giữ nguyên lãi suất tham chiếu ở mức 5,25-5,5%, mức cao nhất trong vòng 22 năm qua. Trong 4 phiên họp trước, cơ quan này cũng giữ nguyên lãi suất.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất 11 lần kể từ tháng 3/2022 để kiềm chế lạm phát. Fed dự kiến sẽ có thêm 3 lần giảm nữa vào năm 2026 và sau đó là 2 lần giảm nữa trong tương lai cho đến khi lãi suất ổn định ở mức khoảng 2,6%.

Bên cạnh đó, Fed cũng nâng dự báo tăng trưởng GDP trong năm nay. Các quan chức Fed cho rằng Mỹ có thể tăng trưởng 2,1% trong năm nay, cao hơn so với ước tính 1,4% trong tháng 12 năm ngoái. Tỷ lệ thất nghiệp cũng được kỳ vọng còn 4% cuối năm nay, giảm so với dự báo trước đó.

Gió đảo chiều trong chính sách tiền tệ, khi nào thời tiền rẻ trở lại? - 2

Các lần điều chỉnh lãi suất của Fed (Ảnh: CNBC).

Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết chính ngân hàng trung ương cũng không xác định rõ thời điểm, nhưng ông dự báo việc hạ lãi suất vẫn sẽ diễn ra, miễn là dữ liệu phù hợp với quan điểm của Fed.

Tại cuộc họp báo sau cuộc họp, Chủ tịch Fed nhấn mạnh Fed chưa thể tự tin là đã thắng trong cuộc chiến chống lạm phát. Ông cho biết Fed sẵn sàng duy trì mức lãi suất hiện tại lâu hơn nếu cần.

Bên cạnh đó, Fed cũng nâng dự báo tăng trưởng GDP trong năm nay. Các quan chức Fed cho rằng Mỹ có thể tăng trưởng 2,1% trong năm nay, cao hơn so với ước tính 1,4% trong tháng 12 năm ngoái. Tỷ lệ thất nghiệp cũng được kỳ vọng còn 4% cuối năm nay, giảm so với dự báo trước đó.

Nhật Bản lần đầu chấm dứt lãi suất âm sau 17 năm

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) là một trường hợp đặc biệt trên thế giới. Họ đã duy trì lãi suất âm trong 17 năm để kích thích nền kinh tế bị đình trệ. Tuy nhiên, bước ngoặt đã đến trong cuộc họp gần đây khi họ chấm dứt các chính sách bất thường về việc kiểm soát đường cong lợi suất và chương trình nới lỏng định lượng.

BOJ thông báo nâng các mức lãi suất ngắn hạn lên 0-0,1%, thay vì -0,1% như trước. Dù vậy, mức lãi vẫn duy trì quanh 0%, do đà phục hồi kinh tế mong manh. Nhật Bản là quốc gia cuối cùng trên thế giới bỏ lãi suất âm, chấm dứt thời kỳ nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng.

Các cuộc đàm phán tiền lương ở các doanh nghiệp là yếu tố chính thôi thúc BoJ hành động. Các nhà hoạch định chính sách tại BoJ kỳ vọng tiền lương cao hơn sẽ thúc đẩy nhu cầu nội địa và từ đó càng thúc đẩy lạm phát.

"Tác động thực tế của động thái này lên nền kinh tế là không nhiều. Lãi cho vay và mua nhà khó tăng mạnh", bà Izumi Devalier, giám đốc nghiên cứu kinh tế Nhật Bản tại công ty chứng khoán Bank of America Securities, nhận định với Reuters.

Gió đảo chiều trong chính sách tiền tệ, khi nào thời tiền rẻ trở lại? - 3

Nhật Bản lần đầu chấm dứt lãi suất âm sau 17 năm (Ảnh: Bloomberg).

Tuy nhiên, ông Tomoya Masanao, người đứng đầu công ty đầu tư Pimco, lại cho rằng tác động trung và dài hạn từ bước dịch chuyển này có thể lớn hơn kỳ vọng của thị trường. Câu hỏi chính đang đặt ra là lạm phát của Nhật Bản sẽ ổn định ở mức nào trong thời gian tới.

"Dù BoJ khẳng định cam kết với mục tiêu lạm phát 2%, nhưng theo chúng tôi, BoJ khó duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng mãi mãi để chắc chắn đạt được mục tiêu này", Masanao chia sẻ.

Quyết định trên của BOJ được dự báo từ trước. Lạm phát tại Nhật Bản vượt mục tiêu 2% hơn 1 năm qua. Trong cuộc đàm phán lương tuần trước, các công ty lớn nhất nước này cũng đồng ý tăng lương lên mức cao nhất 33 năm cho người lao động.

Quyết định chấm dứt lãi suất âm cũng có thể khiến nhà đầu tư Nhật rời thị trường nước ngoài để quay về quê nhà. Lãi suất âm là nguyên nhân chủ yếu khiến đồng yen Nhật yếu đi vài năm qua, khiến nhà đầu tư tìm đến các thị trường khác có lợi nhuận cao hơn.

Anh tiếp tục thận trọng

Ngân hàng trung ương Anh (BoE) cũng thông báo giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25%, mức cao nhất trong vòng 16 năm qua. Trong biên bản của cuộc họp chính sách diễn ra cùng ngày, BoE cho biết cơ quan này cần duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt trong thời gian đủ dài nhằm mục đích đưa lạm phát tại Anh về mức mục tiêu 2% một cách bền vững.

Trong tuyên bố cùng ngày, Thống đốc BoE Andrew Bailey cho biết các yếu tố cơ bản đang đi đúng hướng cho một đợt hạ lãi suất, với lạm phát tổng thể của Anh giảm nhanh hơn dự báo, thị trường lao động hạ nhiệt và tăng trưởng tiền lương chậm lại. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh nền kinh tế Anh chưa đến ngưỡng để có thể cắt giảm lãi suất.

Gió đảo chiều trong chính sách tiền tệ, khi nào thời tiền rẻ trở lại? - 4

Các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đang có dấu hiệu đảo chiều chính sách (Ảnh: FT).

Thống kê cho thấy lạm phát của Anh trong tháng 2 năm nay đã giảm xuống còn 3,4%, mức lạm phát thấp nhất được ghi nhận trong hơn 2 năm qua và giảm mạnh so với mức 4% của tháng trước đó.

Việc duy trì chính sách tiền tệ ổn định ở Anh trong tuần này được cho là sẽ phù hợp với cách tiếp cận của các ngân hàng trung ương lớn như Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Chủ tịch ECB Christine Lagarde cũng đã cảnh báo nguy cơ về việc hành động quá muộn trong việc cắt giảm lãi suất. Đồng thời bà cũng nhắc lại khả năng đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng 6 tới.