1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP: Không còn là “có cho xong”

Quyền lợi của người tiêu dùng (NTD) sẽ được đảm bảo khi doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực này đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) như một nhu cầu thiết yếu chứ không phải là mảnh giấy hợp quy “có cho xong”.

Trách nhiệm với NTD

 

Những thông tin chưa được kiểm chứng về sinh vật lạ xuất hiện trong sữa được lan truyền trên các mạng xã hội đầu năm 2013 khiến nhiều DN sữa “phát sốt”. Tiếp đó, đến lượt sản phẩm như mì tôm, bánh cũng là nạn nhân của những tin đồn chưa có căn cứ. Những sinh vật lạ được gắn với các sản phẩm này đã khiến nhiều DN trong ngành thực phẩm điêu đứng. Cho dù, cơ quan quản lý đã lên tiếng nhưng không dễ dàng để ngăn chặn sự lan truyền của các những tin đồn như vậy. 

 

Theo đại diện Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương không loại trừ khả năng có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN cùng lĩnh vực trong cuộc chiến tin đồn kể trên. Thiệt hại trước hết thuộc về DN, sau đó là NTD bởi rất có thể vì những ấn tượng không tốt do thông tin thất thiệt đem lại họ sẽ không còn sử dụng những sản phẩm có chất lượng nữa.

 

Theo khuyến cáo của Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công thương, trước hết DN cần tự bảo vệ mình bằng cách khẳng định chất lượng sản phẩm của mình là an toàn, tiếp đó có thể gửi văn bản đến cơ quan chức năng nếu phát hiện dấu hiệu bị cạnh tranh không lành mạnh…

 

Theo Bộ Công thương, để đảm bảo đầy đủ các điều kiện VSATTP, DN sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm phải đảm bảo về cơ sở vật chất, bảo đảm nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu chế biến, nhân viên trực tiếp tiếp xúc với sản phẩm  phải được khám sức khỏe định kỳ và tham gia tập huấn kiến thức  về VSATTP....

 

Giám đốc Cty CP Bánh ngọt Thu Hương cho biết: “Để đem đến những sản phẩm có chất lượng tốt cho NTD, chúng tôi luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình VSATTP theo đúng hướng dẫn của các cơ quan chức năng trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh thực phẩm”.

 

Cụ thể hơn, DN kinh doanh thực phẩm nhận được tờ giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP không phải nhằm mục đích “đối phó” cho đầy đủ thủ tục mà thực chất còn để thực hiện trách nhiệm của DN với NTD, đồng thời là cơ hội để nhìn lại quy trình sản xuất thực phẩm an toàn trong chính nội bộ DN đó.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

Chính vì lý do đó, hiện toàn bộ chuỗi các cửa hàng bánh ngọt thuộc Cty CP Bánh ngọt Thu Hương đều thực hiện quy trình xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP và đều đã được cấp giấy chứng nhận này.

 

Làm NTD thông thái

 

Được biết để được được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP, trước hết, các DN trong lĩnh vực này phải đưa toàn bộ nhân viên trực tiếp tiếp xúc với sản phẩm đi  khám sức khỏe định kỳ và tập huấn kiến thức về VSATTP tại TTYT cấp quận. Tiếp đó, rà soát lại hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc, dây chuyền sản xuất để làm bản thuyết minh gửi cơ quan chức năng. Sau qua trình thẩm định hồ sơ,cơ quan chức năng sẽ trực tiếp thẩm định các điều kiện tại cơ sở sản xuất….

 

Bên cạnh các trang thiết bị thuộc dây chuyền sản xuất, các chi tiết nhỏ về cơ sở vật chất như quạt thông gió, hệ thống thu gom xử lý rác thải cũng được xem xét, đánh giá có đạt tiêu chuẩn hay không. Hay như trong khuôn viên cơ sở sản xuất phải có đầy đủ thiết bị vệ sinh cơ sở, thậm chí là phương tiện rửa và khử trùng tay.

 

Cơ quan chức năng cũng có thể kiểm tra bất ngờ để xác định trong quá trình sản xuất nhân viên có tuân thủ nghiêm quy định về việc mặc đồng phục, đeo găng tay, khẩu trang … hay không.

 

Vì vậy, cơ quan chức năng khuyến cáo NTD nên tìm đến những đơn vị sản xuất thực phẩm có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP.

 

Chị Hoàng Giang Hương (ngõ 376 đường Bưởi, Ba Đình, Hà Nội) kể về thói quen tiêu dùng thực phẩm của mình: “Với những thực phẩm làm sẵn, tôi thường tìm đến nơi trực tiếp sản xuất. Đầu tiên sẽ quan sát cơ sở vật chất của họ, rồi đến hình thức vệ sinh của nhân viên ở đó. Trước đây, tôi thường không chú ý đến giấy chứng nhận VSATTP nhưng hiện tại, tôi tin tưởng những cơ sở nào có treo giấy chứng nhận của cơ quan chức năng ở nơi khách hàng dễ nhận biết”.

 

Tương tự, chị Nguyễn Phương Dung (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng cho rằng nhận biết của NTD thường là cảm quan bên ngoài, các cơ quan chức năng và DN sản xuất thực phẩm cần thực hiện đúng trách nhiệm của mình trong lĩnh vực VSATTP. Cụ thể, DN phải có ý thức bảo vệ NTD, bảo vệ chính thương hiệu của mình, còn trách nhiệm của cơ quan chức năng là thường xuyên giám sát, kiểm tra đảm bảo điều kiện tuân thủ VSATTP của các cơ sở sản xuất.

 

Chính vì vậy, ngày càng có nhiều DN coi việc thực hiện các quy trình VSATTP là trách nhiệm để làm ra sản phẩm tốt nhất đến tay NTD, chứ không coi giấy chứng nhận đảm bảo điều kiện VSATTP như là thủ tục “có cho xong” như trước đây.

 

Tăng cường quản lý VSATTP cuối năm

 

UBND TP Hà Nội vừa có văn bản số 8837/UBNDVX gửi các sở, ban, ngành thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) những tháng cuối của năm 2013 và dịp Tết Nguyên đán năm 2014.

 

Theo đó, TP yêu cầu các đơn vị tiếp tục duy trì hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát về ATTP. Chú trọng kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có dấu hiệu vi phạm quy định về ATTP; các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm được tiêu dùng nhiều trong dịp lễ, Tết như: bánh, mứt, kẹo, bia rượu, nước giải khát, thịt, giò chả, thủy hải sản; các mặt hàng gia cầm, động vật nhập lậu, không rõ nguồn gốc; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, làng nghề truyền thống, cơ sở đã được phát hiện trước đó có vi phạm quy định về bảo đảm ATTP và quảng cáo thực phẩm ...

Trong quá trình kiểm tra phải kết hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục các quy định của pháp luật, kiến thức về ATTP cho người sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm.

 

Các lực lượng chức năng: CA thành phố, quản lý thị trường... phối hợp các bên để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. UBND TP giao Sở Y tế - cơ quan thường trực công tác vệ sinh ATTP, chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện.

 

T.T

 
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm