“Giao thông có quá nhiều dự án nghìn tỷ, tiền đâu ra?”

PGS.TS Nguyễn Văn Thụ, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý GTVT cho rằng, đầu tư 100 nghìn tỷ cho lĩnh vực vận tải biển sẽ không hiệu quả. Ngành giao thông đang có quá nhiều dự án trăm nghìn tỷ, lấy tiền đâu ra để đầu tư cho vừa?

Theo đề án phát triển, Bộ GTVT đặt mục tiêu đầu tư tàu biển cho Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) khoảng 15 triệu tấn vào năm 2020. Ông nghĩ sao về con số này?

Trong quy hoạch phát triển ngành vận tải biển Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì, đến năm 2015 tổng tải trọng tàu của Việt Nam đạt khoảng 8,5-9,5 triệu tấn, đến năm 2020 đạt cao nhất 13,5 triệu tấn.

“Giao thông có quá nhiều dự án nghìn tỷ, tiền đâu ra?”

PGS.TS Nguyễn Văn Thụ: Lĩnh vực đầu tư nào cũng hàng trăm nghìn tỷ, lấy tiền đâu ra.

Thế nhưng Bộ GTVT lại đặt mục tiêu phát triển cho riêng đội tàu của Vinalines đã lên đến 15 triệu tấn. Như vậy vượt ít nhất 1,5 triệu tấn so với quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó lĩnh vực vận tải biển Việt Nam đâu chỉ mỗi Vinalines mới có. Ngoài Vinalines còn nhiều đơn vị khác như vận tải biển dầu khí và nhiều doanh nghiệp tư nhân khác cũng đầu tư phát triển vận tải biển. Chẳng lẽ Việt Nam chỉ đầu tư vận tải biển cho mỗi Vinalines, còn các đơn vị khác thì dừng lại?

Cũng theo đề án công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Bộ GTVT, đến năm 2020 Bộ này cho biết sẽ đầu tư 100 nghìn tỷ đồng cho Vinalines phát triển vận tải biển đến năm 2020. Theo ông chiến lược đầu tư này có mang lại hiệu quả không?

Trong đề án phát triển của Bộ GTVT, số tiền 100 nghìn tỷ này sẽ được đầu tư làm hai giai đoạn. Giai đoạn từ nay đến năm 2015, Bộ chủ quản sẽ đầu tư 30 nghìn tỷ đồng để Vinalines mua sắm và đóng mới 67 con tàu. Tiếp theo giai đoạn từ năm 2016-2020 sẽ đầu tư 70 nghìn tỷ để mua, đóng thêm 95 tàu.

Để nói về hiệu quả, chúng ta hãy hình dung một người chạy xe ôm trên phố thì sẽ thấy rõ ngay. Khi xe ôm dựng mãi ở đầu ngõ mà không hề có khách, vị xe ôm này nghĩ chắc chỉ có một xe, không đủ để chở hàng nên mới không có khách thuê. Vì thế, dù gia đình rất đang thiếu tiền nhưng vị xe ôm này vẫn chắt chiu đầu tư thêm một chiếc xe ôm nữa để “câu” khách.

Xin hỏi “chiến lược” đầu tư của vị xe ôm này có hiệu quả không?

Vậy theo ông, ngành vận tải biển phải làm gì để phát huy hiệu quả?

Hiện còn nhiều tàu biển của Vinalines đang phải nằm đắp chiếu, hoạt động không hiệu quả. Theo tôi vấn đề cơ bản ở đây là ngành vận tải biển đang thiếu một dịch vụ gom hàng (dịch vụ logistic). Vì thế phải đến 70% lượng hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam lại chủ yếu do công ty vận tải biển nước ngoài đảm nhận.

Ngoài ra ngành vận tải của chúng ta đang thiếu hẳn một dịch vụ hậu cần. Vì thế không gom được hàng hóa cho tàu. Đã vậy giá cước của ta lại quá cao, nên không thu hút được đơn hàng, từ đó dẫn đến thua lỗ.

Vì thế muốn phát triển vận tải biển Việt Nam lúc này phải đầu tư để làm sao tổ chức khai thác tốt các tàu đang có chứ không phải mua thêm tàu.

Ông có cho rằng ngành GTVT đang đầu tư quá dàn trải trên nhiều “mặt trận”?

Qủa đúng là như vậy. Đầu tư vào lĩnh vực nào của ngành GTVT cũng cần lượng vốn rất lớn.Riêng việc ưu tiên làm là đầu tư nâng cấp QL1A cần nguồn vốn lên đến trên 100 nghìn tỷ đồng. Rồi đầu tư cho hệ thống đường cao tốc trên cao, tàu điện ngầm… cũng phải cần nguồn vốn khổng lồ. Nay lại thêm hàng trăm nghìn tỷ đồng đổ vào vận tải biển.

Nhìn tổng thể trong cả đường bộ, đường biển, đường sắt… lĩnh vực nào cũng cần nguồn vốn khổng lồ như vậy thì lấy tiền đâu ra để đầu tư lúc này? Bộ GTVT đang lập ra quá nhiều dự án lớn. Vì thế ngành GTVT phải cân nhắc đầu tư vào lĩnh vực nào cho hiệu quả chứ không nên đầu tư dàn trải.

Theo Nguyễn Dũng
Infonet