Giao dịch tăng nhẹ, Vn-Index giảm gần 2%

(Dân trí) - Sau 4 phiên tăng liên tiếp, Vn-Index giảm 6,12 điểm xuống 303,93 điểm. Tổng khối lượng giao dịch tăng mạnh khi có gần 4 triệu cổ phiếu VPL và 3 triệu ANV giao dịch thỏa thuận.

Vn-Index điều chỉnh sau 4 phiên liên tiếp khi kết thúc đợt khớp lệnh định kỳ xác định giá mở cửa, chỉ số này giảm 6,26 điểm (2,01%) và chỉ còn 303,79 điểm.

Điểm đáng chú ý của thị trường trong đợt 1 là khối lượng giao dịch tăng mạnh với hơn 2,88 triệu đơn vị được chuyển nhượng. Trong đợt 1 nhiều phiên trước đó, chỉ có khoảng trên dưới 1,5 triệu đơn vị được giao dịch.

Bước sang đợt khớp lệnh liên tục, Vn-Index vẫn tiếp tục duy trì đà giảm điểm, chỉ số này đã lùi về sát với ngưỡng 300 điểm khi chỉ còn lại 303,67 điểm, giảm 6,38 điểm. Giao dịch tiếp tục tăng mạnh.

Chốt phiên, Vn-Index giảm 6,12 điểm (tương đương 1,97%) xuống còn 303,93 điểm. Khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt 12,6 triệu cp, tương đương 272,9 tỷ đồng.

Đặc biệt, phiên này, giao dịch thỏa thuận trên sàn rất lớn với 8,16 triệu cổ phiếu, tương đương 349,28 tỷ đồng. Trong đó nổi bật nhất là cổ phiếu VPL (thỏa thuận 3,83 triệu cp) và ANV (3,6 triệu cp); cổ phiếu ALP cũng giao dịch thỏa thuận 500.000 đơn vị.

Chung cuộc, tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường phiên này đạt 20,27 triệu cổ phiếu, tương đương 617,49 tỷ đồng.

Trong tổng số 170 mã cổ phiếu và 4 chứng chỉ quỹ niêm yết (them HAG của Hoàng Anh Gia Lai niêm yết hôm qua) đã có 113 mã giảm giá (trong đó 32 mã giảm sàn), 31 mã tăng giá (với 13 mã tăng giá trần), 27 mã đứng giá và 3 mã không có giao dịch là DTT của Kỹ nghệ Đô Thành, FPC của FullPower và PMS của Cơ khí Xăng dầu.

Các mã tăng trần vào cuối phiên là ASP (tăng 600 đồng lên 13.500 đồng/CP), HAG tăng 2.000 đồng lên 50.000 đồng/CP), ICF, LCG, TTF…

Trong nhóm tăng giá, cổ phiếu SGH dẫn đầu nhóm các cổ phiếu tăng giá với mức tăng 3.000 đồng/cp, đứng thứ 2 là BT6 với mức tăng 2.200 đồng/cp, tiếp đến là PVD, TMS và LCG.

Hai mã có mức giảm kịch sàn 5% là SFC và TAC.

Top các mã giảm giá mạnh nhất DHG dẫn đầu với mức giám 4.000 đồng/CP, tiếp theo là IMP và VPL với mức giảm 3.500 đồng/cp, kế đến là SFC và SJS.

Trong những cổ phiếu lớn chỉ có HAG của Hoàng Anh Gia Lai gây ấn tượng khi tiếp tục tăng giá kịch trần trong suốt phiên và kết thúc phiên mã này đã không còn dư bán trong khi dư mua vẫn rất lớn với 321.330 đơn vị.

PVD đột ngột tăng 2.000 đồng/CP vào cuối phiên, trong khi đó SSI, SJS, DPM giảm sàn.

Về giao dịch, STB dẫn đầu với 1,376 triệu đơn vị, các mã tiếp theo có giao dịch dưới 1 triệu đơn vị gồm các mã PVF, PVT, PPC và SSI . Trong nhóm này có PVT và PPC giữ được mức điểm tăng, các mã còn lại đều giảm giá.

Bên sàn Hà Nội, Hastc-Index đóng cửa giảm 2.6 điểm xuống 105,25 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 6,328 triệu cổ phiếu, tương đương 133,9 tỷ đồng.

Cổ phiếu ngành vật liệu xây dựng và cổ phiếu có thị giá nhỏ tiếp tục tăng mạnh. Điển hình là cổ phiếu BTS của CTCP Xi măng Bút Sơn, tăng 700 đồng lên 10.900 đồng/CP, dư mua 23.000 đơn vị giá trần vào cuối phiên.

Cổ phiếu BCC tăng 600 đồng lên 12.000 đồng/CP, giao dịch hơn 700.000 đơn vị trong đó nước ngoài mua gần 65.000 đơn vị.

Các mã khác tăng trần trong phiên là DC4, VC3, TLT…

Cổ phiếu VGS của CTCP Thép Việt Đức sau một thời gian tăng nóng, phiên này bị bán sàn khối lượng lớn (dư bán sàn gần 170.000 cổ phiếu vào cuối phiên giá 11.300 đồng/CP).

Đóng cửa, toàn thị trường có 105 mã giảm giá, 31 mã tăng giá, 13 mã đứng giá và còn lại ko có giao dịch.

Thanh Tú - Phương Mai