1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Gian lận trong nhập khẩu thép

(Dân trí) - Theo hiệp hội Thép Việt Nam, đã có hiện tượng một số công ty nhập khẩu thép “lách” luật để được hưởng mức thuế nhập khẩu thấp, gian lận thương mại gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh với thép sản xuất trong nước.

Giá nhập khẩu thấp hơn trong nước

Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam cho biết: những tháng đầu năm 2009, thép cuộn nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước ASEAN và Trung Quốc tăng đột biến làm cho sản xuất thép cuộn trong nước bị đình đốn, sản xuất ra không tiêu thụ được do giá thép cuộn nhập khẩu đã bán hạ hơn giá thép cuộn sản xuất trong nước.

Theo quy định hiện hành, nếu thép cuộn nhập từ Trung Quốc và các nước khác ngoài ASEAN ngoài cacbon thông thường làm thép xây dựng thì mức thuế nhập khẩu là 12% (từ 1/4/2009 là 15%). Trong khi đó, nếu thép cuộn là hợp kim thì mức thuế nhập khẩu là từ 0% đến 5%, thép làm lõi que hàn thì thuế nhập khẩu là 5%.
Gian lận trong nhập khẩu thép - 1
Có gian lận thương mại trong nhập khẩu thép?

Do có những quy định trên nên đã có một số công ty xuất nhập khẩu thép “lách” luật để được hưởng mức thuế nhập khẩu thấp, gian lận thương mại, làm Nhà nước thất thu thuế và gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh với thép sản xuất trong nước. Một số công ty thép trong nước gặp nhiều khó khăn đã phải sản xuất cầm chừng, nhiều công nhân buộc phải nghỉ việc.

Trước tình hình này, mới đây hiệp hội Thép đã có văn bản kiến nghị Chính phủ và các Bộ ngành liên quan. Trong đó, đối với thép cuộn xây dựng nhập khẩu, Hiệp hội đề nghị cho tiến hành lấy mẫu kiểm tra chất lượng trước khi thông quan, tránh hiện tượng khai gian dối là thép que hàn, thép hợp kim để được hưởng mức thuế nhập khẩu ưu đãi.

Áp dụng biện pháp thuế để ngăn chặn gian lận thương mại

Cũng theo ông Cường, có hiện tượng nước xuất khẩu đưa nguyên tố hợp kim vi lượng (Chất Bo) vào thành phần thép để được coi là thép hợp kim và hưởng thuế nhập khẩu thấp. Tuy nhiên, loại thép này cũng vẫn chỉ được dùng làm thép xây dựng nên các nước ASEAN đã có những biện pháp phối hợp với thép Trung Quốc ngăn cấm. Hiện tại loại thép này lại được ồ ạt vào Việt Nam.

Trong cuộc họp cuối tháng 3 vừa qua tại Thượng Hải, Việt Nam đã đưa vấn đề này và phía Trung Quốc yêu cầu hiệp hội thép Việt Nam cung cấp danh sách các công ty Trung Quốc sản xuất các loại sản phẩm này xuất khẩu sang Việt Nam để phối hợp can thiệp.

Hiệp hội thép Việt Nam cũng đề nghị đánh thuế nhập khẩu 15% đối với thép cuộn hợp kim khác.
 
“Chỉ khi nào doanh nghiệp nhập khẩu chứng minh được địa chỉ sử dụng loại thép hợp kim đó vào đúng đối tượng mà không phải làm thép xây dựng thì mới được hoàn thuế. Đối với các lô thép cuộn đã nhập khẩu làm thép xây dựng được khai báo là thép hợp kim cũng cần được kiểm tra để truy thu thuế cho Nhà nước”, ông Cường cho biết.

Đáng chú ý, Hiệp hội thép Việt Nam cũng đã kiến nghị Chính phủ xem xét ban hành quy định bắt buộc những công trình sử dụng vốn Nhà nước phải sử dụng thép sản xuất trong nước để đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ thép trong nước.

Khi lượng thép nhập khẩu tăng mạnh, đe doạ ngưng trệ sản xuất trong nước thì Chính phủ áp dụng biện pháp tự vệ mà Luật quốc tế cho phép để bảo hộ sản xuất thép trong nước.

Ngoài ra, cũng theo hiệp hội này, thay bằng kiểm tra thông quan, các cơ quan chức năng cần tiến hành kiểm chứng hàng hoá và kiểm định chất lượng thép trước khi thông quan để hạn chế hàng kém chất lượng nhập khẩu và gian lận thương mại. Đồng thời, cho tiến hành đăng ký lại các công ty nhập khẩu để quản lý chặt chẽ hơn.

Lan Hương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm