Giãn IPO có làm chậm cổ phần hóa?

Nhiều chuyên gia đặt vấn đề cách thức cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước cùng với việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) như lâu nay vẫn làm, đến lúc này liệu có còn phù hợp nữa hay không?

Lâu nay, cách cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước được bắt đầu bằng việc xác định giá trị doanh nghiệp, sau đó sẽ tổ chức bán đấu giá cổ phần của các doanh nghiệp này ra công chúng với một mức giá đấu khởi điểm do tổ chức tư vấn phát hành đề nghị.

Ngoài ra, trên cơ sở mức giá đấu thành công bình quân, doanh nghiệp cổ phần hóa cũng sẽ chọn và bán cổ phần của mình cho các cổ đông chiến lược.

Ông Dominic Scriven, Giám đốc quỹ đầu tư Dragon Capital, trong một buổi tọa đàm về thị trường chứng khoán (TTCK) gần đây đã nói rằng cách cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước như cách Việt Nam đang làm hiện có rất ít nước trên thế giới áp dụng.

Cách làm hiện nay chỉ đúng với TTCK Việt Nam 5 năm về trước khi thị trường còn mới mẻ, thiếu đi các tổ chức có kinh nghiệm trong lĩnh vực định giá trị doanh nghiệp cũng như có rất ít công ty chứng khoán trên thị trường.

Tuy nhiên, TTCK Việt Nam hiện đã khác trước, cách cổ phần hoá cũng cần có những bước thay đổi, theo ông Scriven nhận định. Ông Dominic Scriven nói ở nước ngoài khi một công ty muốn chuyển đổi sang hình thức cổ phần bằng cách chào bán chứng khoán rộng rãi ra bên ngoài, công ty đó sẽ đi tìm một tổ chức tư vấn hay bảo lãnh phát hành.

Tổ chức này sẽ có trách nhiệm nghiên cứu về tình hình hoạt động cũng như tiềm năng của công ty trên để có thể tư vấn cho công ty nên bán bao nhiêu cổ phần ra thị trường và giá bán nên ở mức nào. Nếu tổ chức phát hành này quá lớn thì nhiều công ty chứng khoán hoặc tư vấn sẽ hợp tác để cùng phát hành.  

Ở Việt Nam thì hoàn toàn ngược lại, các tổ chức phát hành đưa một lượng cổ phần ra chào bán rộng rãi tên thị trường theo hình thức đầu giá. Nhà đầu tư cá nhân hay tổ chức sẽ tham gia vào bỏ giá để giành mua cho được cổ phần của tổ chức đó, đẩy giá cổ phần đó lên cao. Sau đó, tổ chức phát hành lại lấy giá trúng thầu bình quân trong cuộc đấu giá để làm căn cứ giá bán cho cổ đông chiến lược. Như vậy liệu có công bằng?  

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Ngọc Bích, một người đã nghiên cứu về TTCK khá lâu cho biết, nên xác định rõ lại khái niệm cổ phần hoá và TTCK tại Việt Nam.

Tại sao cổ phần hóa doanh nghiệp lại cứ cần phải gắn nó với TTCK? Việc cổ phần hóa không cứ nhất thiết là phải bán cổ phần rộng rãi ra bên ngoài, mà như đã thấy trong thực tế, là cũng dễ xảy ra tình trạng tạo cơ hội cho người đầu cơ sẵn sàng mua bằng mọi giá để rồi đẩy giá của cổ phiếu đó lên cao, không cần biết đến chất lượng của doanh nghiệp.

Theo ông Bích, vấn đề ở đây là Nhà nước cần xác định rõ mục đích của việc cổ phần hóa các doanh nghiệp. Mục đích này là để các doanh nghiệp nhà nước sau khi chuyển sang cổ phần sẽ có cơ hội phát triển, cải thiện hoạt động của mình, thoát ra khỏi sự bao cấp của Nhà nước; hay là lấy cổ phần hóa làm công cụ để thu thật nhiều tiền về cho Nhà nước?

Ông Dominic Scriven cho rằng Nhà nước hiện nay hoàn toàn có khả năng thuê riêng một vài nhà tư vấn trong hoặc ngoài nước để tư vấn cho quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.

Theo Thủy Triều
Thời báo Kinh tế Sài Gòn