1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Giảm thuế thu nhập xuống 20% là... quá táo bạo?!

(Dân trí) - “Đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống ngay mức 20% là quá táo bạo vì nếu áp dụng từ năm 2014 sẽ tác động lớn đến cân đối ngân sách. Khả năng tăng thu trong tương lai mới chỉ là kỳ vọng nhưng giảm thu đã thấy ngay trước mắt”…

Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) Nguyễn Văn Phụng phân tích trong hội thảo khoa học góp ý hoàn thiện pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp, hôm nay, 11/4.

Ông Phụng cho biết, luật thuế TNDN hiện hành (2008) quy định mức thuế suất áp dụng chung là 25%. Hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và tài nguyên quý hiếm khác áp dụng mức thuế cao hơn (từ 32-50%).

Mức thuế suất phổ thông 25% được đánh giá là phù hợp, tương đương mức trung bình của các nước trong khu vực (bằng với Trung Quốc). Tuy nhiên, xu hướng chung, các nước ASEAN và châu Á đang giảm xần mức thuế suất này. Malaysia giảm từ mức 28% năm 2005 xuống 25% từ năm 2009. Năm ngoái, Thái Lan quyết định giảm thuế từ 30% xuống chỉ còn 23%. Nhiều nước cũng quy định việc áp mức thuế suất ưu đãi hơn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
 
Nhiều đại biểu tham gia hội thảo gật đầu với mức giảm thuế thận trọng, từ 25% xuống 23%.
Nhiều đại biểu tham gia hội thảo "gật đầu" với mức giảm thuế thận trọng, từ 25% xuống 23%.

Vậy nên, một trong những lý do cần phải sửa luật Thuế TNDN này, theo ông Phụng, là do bất cập của luật hiện hành đã khiến nhiều nguồn lực của đất nước rò rỉ vào túi cá nhân.

Với đề xuất giảm thuế từ 25% xuống 23% (mức áp dụng với doanh nghiệp nhỏ và vừa là 20%), theo ông Phụng và đảm bảo tính cạnh tranh, hấp dẫn, thu hút đầu tư và cũng không gây tác động giảm thu đột ngột, tạo sức ép về cân đối ngân sách.

Với ý kiến đề nghị đưa thuế suất chung xuống ngay mức 20% từ năm 2014, ông Phụng cảnh báo, sẽ tác động quá lớn đến cân đối ngân sách nhà nước. Số thu từ năm 2014 sẽ giảm khoảng 30.000 tỷ đồng mỗi năm. Nếu tính thêm cả số giảm thu về thuế thu nhập cá nhân (13.300 tỷ đồng/năm) và giảm thu ở khu vực ưu đãi thuế (2000 tỷ đồng/năm) thì tổng số giảm thu ngân sách năm tới lên đến 45.500 tỷ đồng.

“Chúng ta có thể tin rằng việc giảm ngay thuế suất xuống 20% sẽ được bù lại các năm sau khi kinh tế phát triển do đầu tư tăng lên. Tuy nhiên, số thu tăng các năm sau mới chỉ là kỳ vọng trong khi số giảm thu là tiền thật, đã thấy ngay trước mắt” - ông Phụng gọi đề xuất giảm 5% thuế ngay lập tức là… quá táo bạo.

Cùng quan điểm đánh giá, việc giảm thuế suất như đề xuất tại dự thảo luật là hợp lý, TS. Đinh Dũng Sỹ (Vụ Pháp luật - Văn phòng Chính phủ) nêu ra cảnh báo trong tham luận: “Với lộ trình giảm thuế suất xuống 20%, theo ông Dũng không nên áp dụng quá sớm, sớm nhất cũng là vào 2018”.

Nhìn nhận việc kiến nghị giảm mức thuế suất về 20 - 23% là phù hợp, ông Bành Quốc Tuấn (Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Tp.HCM) cho rằng việc này sẽ không dẫn đến giảm số thu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Bởi việc giảm thuế sẽ thu hút thêm được nhiều doanh nghiệp trong nước thành lập mới và doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam, khuyến khích các doanh nghiệp đang kinh doanh đẩy mạnh sản xuất, tăng thêm doanh thu và thu nhập cho nên diện nộp thuế và số thuế đều có cơ hội tăng lên cao hơn.

Việc giảm mức thuế suất cũng trực tiếp góp phần làm cho công tác thu nộp thuế trở nên dễ chịu hơn, số vi phạm và số thuế gian lận, nợ đọng cũng vì thế mà có xu hướng giảm bớt, dẫn đến số thu thuế vào ngân sách nhà nước có điều kiện tăng cao hơn, ông Tuấn dự báo.

Việc thu thuế cao chưa hẳn đã có thể làm tăng thu ngân sách, TS. Nguyễn Thị Hồng Nhung (Khoa Luật, Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Tp.HCM) bày tỏ quan điểm.

Tuy nhiên, bà Nhung cho rằng việc đưa ra hai mức thuế suất khác nhau (mức 20% cho doanh nghiệp nhỏ và vừa) đã tạo ra một sự phân biệt đối xử không cần thiết, khuyến khích việc phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo ra một nền  kinh tế nhỏ lẻ, sức cạnh tranh không cao.

P.Thảo