Giảm thu - chi bằng tiền mặt

Bộ Tài chính vừa có Thông tư 33/2006/TT-BTC hướng dẫn quản lý thu - chi tiền mặt qua hệ thống kho bạc nhà nước theo đó từng bước giảm dần tỷ trọng thanh toán bằng tiền mặt. Ông Tạ Anh Tuấn, Trưởng Ban Kế hoạch - Tổng hợp (Kho bạc Nhà nước) cho biết thêm về vấn đề này.

Thưa ông, giảm thanh toán bằng tiền mặt sẽ được thực hiện bằng cách nào?

Để giảm thanh toán bằng tiền mặt, kho bạc chỉ chi tiền mặt đối với các khoản chi thanh toán cá nhân (tiền lương...); chi xây dựng cơ bản; chi trả nợ dân (thanh toán trái phiếu, công trái bán lẻ)…

Việc chi tiền mặt như trên một mặt tạo sự công khai, minh bạch và giám sát lẫn nhau, mặt khác, hạn chế được các khoản chi bằng tiền mặt không thật sự cần thiết như khoản chi cho các đơn vị, cá nhân có tài khoản tại ngân hàng (NH) hoặc KB, góp phần giảm tỷ trọng thanh toán bằng tiền mặt qua hệ thống kho bạc cũng như trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, với mức khống chế rút tiền mặt 200 triệu đồng (đối với giao dịch tại kho bạc cấp tỉnh) và 100 triệu đồng (đối với giao dịch tại kho bạc cấp huyện) trong một ngày phải đăng ký trước sẽ gây khó khăn cho các đơn vị thực hiện chi trả?

Số lượng giao dịch từ 100 triệu đồng trở lên không nhiều, quy định này đảm bảo cho kho bạc có kế hoạch chủ động sắp xếp và cung ứng đầy đủ, kịp thời tiền mặt cho đơn vị giao dịch.

Thủ tục đăng ký rút tiền mặt rất đơn giản, thuận tiện: chỉ cần đăng ký bằng văn bản về số lượng và thời điểm rút tiền với kho bạc nơi giao dịch trước 1 ngày, có thể đăng ký cho từng ngày thanh toán hoặc đăng ký cho nhiều ngày thanh toán khác nhau.

Mặc dù đơn vị giao dịch được phép rút vượt mức quy định trên nếu đăng ký trước, nhưng vào dịp lễ, Tết, cuối năm khi có nhiều đơn vị đăng ký rút tiền mặt thì sẽ phải xử lý bằng cách nào?

Hiện nay, về cơ bản, các NH cung cấp đầy đủ và kịp thời nhu cầu rút tiền mặt của kho bạc. Vào những thời điểm nhu cầu rút tiền mặt cao (dịp lễ, Tết...), trên cơ sở đăng ký rút tiền mặt của các đơn vị giao dịch, kho bạc sẽ chủ động làm việc với NH nơi giao dịch để rút tiền mặt và đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu tiền mặt.

Cụ thể, đơn vị được phép rút tiền mặt vượt định mức bao nhiêu, nếu đăng ký trước, thưa ông?

Không khống chế mức tối đa được phép rút bằng tiền mặt trong 1 ngày nếu đăng ký trước.

Trong trường hợp tiền mặt có khó khăn thì sao?

Về cơ bản, hiện không có khó khăn trong việc thanh toán, chi trả bằng tiền mặt. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt (thiên tai...) có khó khăn về tiền mặt, chi nhánh kho bạc nhà nước được áp dụng chế độ ưu tiên trong thanh toán theo thứ tự: trước hết đảm bảo các khoản chi lương, phụ cấp lương, chi quốc phòng - an ninh, chi bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội, chi trả nợ dân và một số khoản chi tối thiểu cần thiết bằng tiền mặt của đơn vị giao dịch.

Cơ quan kho bạc có quyền từ chối thanh toán, chi trả các khoản chi bằng tiền mặt. Vậy việc từ chối thanh toán, chi trả được thực hiện trong trường hợp nào, thưa ông?

Chi trả tiền mặt cho các đơn vị cung cấp hàng hoá, dịch vụ có tài khoản tại NH hoặc kho bạc (trừ trường hợp giá trị thanh toán không quá 5 triệu đồng/khoản chi); khoản chi không thuộc các nội dung được phép chi bằng tiền mặt; chi trả tiền mặt với số lượng vượt quá mức đã đăng ký trước với kho bạc.

Theo Thông tư 33/2006/TT-BTC thì Tổng giám đốc kho bạc Nhà nước có quyền điều chỉnh mức giá trị giao dịch tiền mặt phải đăng ký trước. Thưa ông, việc điều chỉnh sẽ được thực hiện trong trường hợp nào?

Việc quy định mức rút tiền mặt phải đăng ký trước nhằm đảm bảo cho kho bạc có kế hoạch, chủ động đáp ứng được đầy đủ, kịp thời nhu cầu rút tiền mặt của đơn vị, song phải thuận lợi, không gây phiền hà cho các đơn vị giao dịch.

Do đó, trong một số trường hợp có sự gia tăng về độ lớn của giá trị giao dịch bằng tiền mặt, thì mức rút tiền mặt phải đăng ký trước với kho bạc cũng có thể được xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.

Theo Mạnh Bôn
Báo Đầu tư