Giám đốc chiến lược VPBankS: Chứng khoán năm nay có thể lên 1.350 điểm

Khổng Chiêm

(Dân trí) - Thị trường đang đón nhận nhiều tích cực từ chuyện nâng hạng, thanh khoản cao, niềm tin nhà đầu tư quay trở lại; lãi suất thấp cũng khiến dòng tiền đổ vào thị trường nhiều hơn, theo lãnh đạo VPBankS.

Ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS) - nói thị trường chứng khoán đã có sự phục hồi về niềm tin nhà đầu tư, thể hiện ở chỉ số thanh khoản ngày càng tăng. Thông tin được ông Sơn chia sẻ tại hội thảo chiều nay (27/3). 

Năm 2023, thanh khoản trung bình toàn thị trường khoảng 18.000 tỷ đồng, giảm nhẹ 15% so với năm trước. Nhưng trong những tháng đầu năm nay, thị trường có nhiều phiên thanh khoản 1-2 tỷ USD. Số dư tiền của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán cũng tăng lên rõ rệt.

Ông đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam đã bước qua sóng điều chỉnh mạnh của năm 2022 và chuyển sang giai đoạn tích lũy, hồi phục trong năm 2023. Xu hướng thị trường trong năm nay sẽ tiếp tục khởi sắc hơn khi chính sách nới lỏng được duy trì trong nước, lãi suất điều hành và lãi suất ngắn hạn đang giảm dần, lợi suất trái phiếu giảm, các gói hỗ trợ kích cầu kinh tế...

Giám đốc chiến lược VPBankS: Chứng khoán năm nay có thể lên 1.350 điểm - 1

Ông Trần Hoàng Sơn kỳ vọng thị trường chứng khoán được sớm nâng hạng (Ảnh: Khổng Chiêm).

Câu chuyện nâng hạng thị trường cũng là một trong các yếu tố được đánh giá giúp gia tăng triển vọng của thị trường năm nay. Ông Sơn nhận định Chính phủ và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã rất quyết tâm để đáp ứng các điều kiện nâng hạng thị trường của MSCI và FTSE. Đến nay, Việt Nam đã đạt 7/9 tiêu chí, còn 2 tiêu chí cần hoàn thiện là ký quỹ trước giao dịch đối với nhà đầu tư nước ngoài và tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài.

Đối với vấn đề ký quỹ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang lấy ý kiến sửa đổi thông tư, cho phép giao dịch không ký quỹ 100% tiền của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Liên quan đến giới hạn tỷ lệ sở hữu, ông Sơn cho rằng Việt Nam khả năng áp dụng quy định giống Thái Lan, sử dụng chứng chỉ quỹ không có quyền biểu quyết để giải tỏa room và không tác động đến nhà đầu tư trong nước.

Chuyên gia này kỳ vọng tháng 3/2025, FTSE công bố Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp. Đến tháng 9/2025, Việt Nam chính thức được vào chỉ số các thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE.

Đối với tiêu chí của MSCI, ông Sơn kỳ vọng năm nay hệ thống giao dịch mới KRX đi vào hoạt động. Tháng 6/2025, Việt Nam sẽ được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Một năm sau đó, Việt Nam sẽ chính thức được vào chỉ số các thị trường mới nổi thứ cấp của MSCI.

Một yếu tố khác tác động tích cực đến thị trường là lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết cũng có sự phục hồi và đã lấy lại đà tăng trưởng. Giai đoạn 2024-2025, doanh nghiệp sẽ lấy lại đà tăng trưởng lợi nhuận trên mức nền thấp. Sự phục hồi sớm sẽ đến từ các ngành chứng khoán, công nghệ thông tin, ngân hàng. Doanh nghiệp bất động sản đã chững lại nhưng có dư địa tăng trong thời gian tới.

Ông Sơn dự báo chỉ số VN-Index có thể đạt mốc cao nhất trong năm nay ở mức 1.326 -1.350 điểm (tăng 17% so với năm trước), trong đó vùng dao động chính của chỉ số xoay quanh mốc 1.200 điểm (+/- 50 điểm). Mức thấp trong năm có thể ở mốc hỗ trợ 1.100 điểm.