Giảm 50% phí trước bạ ô tô: Tiền chảy vào túi ai?

Giảm 50% phí trước bạ ô tô kỳ vọng sẽ đem đến lợi ích cho người mua xe nhưng theo các showroom số tiền này phần lớn chảy vào túi người bán.

Tăng giá xe, bỏ khuyến mãi

Ngày 1/7/2020, theo tìm hiểu của PV, tại nhiều cửa hàng bán xe ô tô khu vực TP. Hà Nội, chính sách giảm 50% phí trước bạ ô tô đang khiến thị trường ấm lên khi nhiều người kỳ vọng được giảm giá từ vài chục đến vài trăm triệu đồng trên một chiếc xe.

Tuy nhiên, ông Phan Mạnh Thắng - chủ showroom ô tô Mạnh Thắng (số 99 Nguyễn Chánh, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội) cho biết, khi chưa giảm 50% phí trước bạ ô tô thì các hãng buộc thực hiện khuyến mãi cho khách hàng từ hơn 1 tháng trước vì ế ẩm.

Đến khi chính sách của Nhà nước được thực hiện thì các hãng lại cắt giảm chương trình khuyến mãi này, đồng thời các chương trình ưu đãi khác cũng bị cắt giảm đi.

"Như vậy, về thực chất thì người mua ô tô không được hưởng lợi gì từ việc giảm 50% phí trước bạ ô tô mà nơi được hưởng lợi nhất lại chính là đơn vị sản xuất, phân phối sản phẩm. Khi chính sách giảm phí trước bạ được áp dụng thì các hãng không còn phải giảm giá cho người mua nữa.

Chính vì thế, dưới góc độ người tiêu dùng thì việc có giảm 50% phí trước bạ hay không vẫn không có gì thay đổi" - anh Mạnh Thắng cho biết.

Giảm 50% phí trước bạ ô tô: Tiền chảy vào túi ai? - 1

Người tiêu dùng có được hưởng lợi từ việc giảm 50% phí trước bạ ôtô? (Ảnh minh họa).

Thậm chí, chủ showroom Mạnh Thắng còn chỉ ra thực trạng, chính sách giảm phí trước bạ đã tạo ra tâm lý, thúc đẩy thị trường ô tô được hâm nóng hơn trong ngắn hạn khiến các hãng và đơn vị phân phối lợi dụng vào tâm lý đó của người tiêu dùng để thi nhau tăng giá xe.

Số tiền tăng giá xe này sẽ làm tăng phí trước bạ và từ đó người tiêu dùng vẫn không được hưởng lợi.

Từ đó, anh Thắng đưa ra lời khuyên, đối với những người muốn mua xe ôtô trong khoảng thời gian từ nay tới cuối năm 2020 thì nên cân nhắc kỹ lưỡng, chính sách giảm 50% phí trước bạ chỉ áp dụng với các dòng ôtô lắp ráp trong nước, còn những dòng ôtô nhập khẩu thì không thay đổi.

Vì vậy, người tiêu dùng cần tính toán, đưa ra lựa chọn chính xác nhất mà không chạy theo tâm lý đám đông mà thực chất lại không được hưởng lợi gì.

Chứng minh bằng con số

Còn anh Nguyễn Văn Dũng - chủ một đại lý xe ô tô trên đường Phạm Hùng (Q. Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội) cũng cho hay, ngay từ thời điểm cuối tháng 5/2020, khi Nhà nước chốt thời gian giảm 50% phí trước bạ từ ngày 28/6 đến hết năm 2020 thì giá xe rục rịch tăng lên.

"Từ cuối tháng 5/2020, hàng loạt mẫu xe đã tăng giá từ 10 triệu cho tới gần 100 triệu đồng. Đơn cử như chiếc Honda City bản 1.5 TOP thời điểm đầu tháng 5/2020 có giá 560 triệu đồng nhưng đến cuối tháng đã tăng lên thành 570 triệu đồng.

Một số mẫu xe khác như Toyota Vios, Innova, Hyundai Kona hay Mazda CX-5... cũng nhích lên vài triệu đến hàng chục triệu đồng" - anh Dũng cho biết.

Tại các đại lý của Mazda, dòng Mazda3 phom mới với mức giảm 35-45 triệu trước đó hiện chỉ còn giảm 20-30 triệu. Dòng xe CX-5 giảm khoảng 100 triệu trước tháng 7/2020, hiện chỉ còn giảm một nửa.

Với chủ yếu các sản phẩm lắp ráp được ưu đãi trước bạ 50%, xe Mazda không còn khuyến mãi sâu nằm trong kế hoạch tìm kiếm lợi nhuận sau thời gian liên tục giảm giá trước đó của đại lý.

Ở một số đại lý Hyundai ở TP. Hà Nội, giá xe bắt đầu về mức niêm yết vào đầu tháng 7/2020. Trong khi tại TP. HCM vẫn còn duy trì mức khuyến mãi như tháng 6/2020 nhưng các tư vấn bán hàng nói rằng, giá xe có thể được điều chỉnh theo hướng tăng vì lí do nhà máy không còn hỗ trợ giá cho đại lý, đồng thời trước bạ đã giảm 50%.

Theo anh Dũng, đi kèm với việc tăng giá là các cửa hàng sẽ cắt giảm chương trình khuyến mãi, phụ kiện đi kèm.

Giảm 50% phí trước bạ ô tô: Tiền chảy vào túi ai? - 2

Các chủ showroom ô tô chứng minh người tiêu dùng không được hưởng lợi nhiều mà còn thiệt hơn so với trước kia.

Ông Phạm Đình Khánh Nguyên - một chủ showroom ô tô ở Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội cũng cho rằng: "Thực tế người mua xe thời điểm hiện tại còn chịu thiệt nhiều hơn so với thời điểm chưa áp dụng giảm 50% phí trước bạ".

Ông Nguyên phân tích, thời điểm chưa giảm 50% phí trước bạ, khách hàng mua ô tô còn được hưởng nhiều chương trình khuyến mãi, phụ kiện đi kèm, có những chương trình khuyến mãi lên tới cả trăm triệu đồng (tùy vào từng dòng xe mua).

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, hầu hết các đại lý, đơn vị sản xuất đều cắt giảm chương trình khuyến mãi này, tập trung vào việc nâng giá sản phẩm lên cao.

"Theo tính toán thì 1 chiếc xe Vios mua vào thời điểm trước tháng 5/2020 người tiêu dùng được hưởng lợi 42 triệu đồng thì vào thời điểm hiện tại chỉ còn được hưởng lợi 20 triệu đồng (dù đã áp dụng chính sách giảm phí trước bạ).

Việc giảm phí trước bạ chỉ có hiệu quả về mặt tâm lý khách hàng, kích thích họ chốt mua sản phẩm nhanh hơn, còn thực chất số tiền mà khách hàng bỏ ra mua vẫn tương đương với thời điểm trước đó, có khi họ còn không nhận lại được khuyến mãi tốt hơn" - ông Nguyên bày tỏ.

Theo Ngọc Thanh

Đất Việt