Giải pháp nào cho cây cao su ở Bắc Trung Bộ?

(Dân trí) - Bão số 10 và 11 làm thiệt hại hàng vạn ha cao su ở Bắc Trung Bộ, nhưng việc duy trì diện tích cao su hiện có là cần thiết vì nó đem lại lợi ích kinh tế cho nông dân, điều cần thiết là rà soát lại quy hoạch để phát triển bền vững.

Đó là khẳng định của TS Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Cục Trồng Trọt (Bộ NN&PTNT) tại buổi tọa đàm với chủ đề “Giải pháp nào cho cây cao su ở Bắc Trung Bộ?” diễn ra sáng nay, 08/11, tại Hà Nội.

Giải pháp nào cho cây cao su ở Bắc Trung Bộ?
Hàng vạn ha cao su ở Bắc Trung Bộ bị tàn phá sau cơn bão số 10 là hậu quả của việc trồng cao su theo phong trào

Sau bão, toàn Bắc Trung Bộ đã có 21.500 ha cao su bị tàn phá trong đó có 13.000 ha cao su mất trắng hoàn toàn, tập trung chủ yếu tại 3 tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình và Hà Tĩnh. Chỉ riêng huyện Vĩnh Linh tinh Quảng Trị con số thiệt hại từ cao su đổ gãy đã trên 2000 tỉ đồng.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

Một trong những nguyên nhân dẫn đến thiệt hại nặng nề này là do nhiều diện tích trồng cao su đã phát triển ngoài quy hoạch bởi người dân thấy giá cao su tăng cao nên trồng ồ ạt theo phong trào. Theo quy hoạch của Bộ NN&PTNT đến năm 2012, diện tích trồng cao su toàn Bắc Trung Bộ sẽ đạt khoảng 80.000 ha. Tuy nhiên, đến thời điểm này ở các tỉnh miền trung cây cao su đã được trồng trên 132.000 ha.

Bộ trưởng NN&PTNT đã chỉ thị Viện quy hoạch cao su rà soát lại quy hoạch cao su của các tỉnh cũng như quy hoạch chung trong năm 2013. Sau khi rà soát Bộ sẽ có kiến nghị chính thức lên Chính phủ và sẽ điều chỉnh quy hoạch nếu thấy cần thiết,” ông Quảng cho biết.

Theo ông Quảng, thực tế cho thấy, cây cao su đã phát triển ở khu vực Bắc Trung Bộ 53 năm và đã đem lại lợi ích kinh tế đáng kể cho người dân nên chắc chắn trong thời gian tới việc phát triển theo quy hoạch trong Quyết định 750 của Chính phủ là duy trì diện tích 80.000 ha là cần thiết và theo xu hướng này một số tỉnh còn đang đề nghị phát triển tiếp.

Tuy nhiên trước những tác động của biến đổi khí hậu, nhất là thiệt hại do cơn bão số 10 vừa qua chúng ta cần rút kinh nghiệm và có điều chỉnh kịp thời. Cần nhanh chóng có những giải pháp cụ thể để bảo vệ và phát triển diện tích cao su ta đã trồng vì hiện nay chúng ta vẫn còn 70.000-75.000 ha cao su đang trồng và có thể sẽ có những diện tích được trồng mới.

“Cần nhanh chóng đưa ra một quy trình kỹ thuật trồng cao su đặc thù cho vùng Bắc Trung Bộ, đặc biệt là những giải pháp chống bão. Những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng cao của bão ví dụ phía Đông huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), một số huyện giáp biển của tỉnh Hà Tĩnh sẽ không tiếp tục mở rộng trồng cao su mà hướng dẫn bà con nông dân chuyển đổi sang trồng những cây trồng khác như trồng cây hồ tiêu ở Vĩnh Linh, trồng cỏ nuôi bò, cây ngắn ngày như ngô, đậu tương.”

Ở các vùng khác cần rà soát lại một cách chi tiết mặc dù các tỉnh đã có đề án và phát triển theo hướng chuyển dịch về phía Tây giáp với đường Trường Sơn và phải xác định cụ thể những vùng, vị trí phù hợp cộng với một quy trình kỹ thuật đặc thù để đảm bảo phát triển cao su bền vững trong thời gian tới và giảm thiểu thấp nhất rủi ro.

Tuy nhiên, vùng Bắc Trung Bộ là vùng rất khó khăn về phát triển nông nghiệp, cho nên cũng phải chấp nhận những rủi ro của thiên tai. Nhà nước cần có chính sách lâu dài nên đưa cây cao su vào bảo hiểm rủi ro để giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất và chủ động đối phó với những tình huống như cơn bão số 10 vừa rồi.    

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung – Viện quản lý rừng bền vững cho rằng: Mỗi người dân trồng cao su là một nhà đầu tư nên họ cần tránh đầu tư theo phòng trào mà phải có trách nhiệm với vốn đầu tư của mình để xem xét 2 yếu tố chính: quy hoạch phát triển có phù hợp không và có những dự báo về thay đổi của thị trường.

“Hai năm qua sản lượng xuất khẩu cao su của ta tăng nhanh do bà con đua nhau trồng cao su nhưng doanh thu xuất khẩu lại có xu hướng giảm. Chúng ta cần rút ra bài học từ ngành gạo và ngành cà phê”,  TS Lung khẳng định.

Thảo Nguyên

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước