Giải pháp “cứu” thị trường lại “nóng”

(Dân trí) - Vn-Index ngày 21/2 đã quay về mức của năm 2006, thị trường thêm một phiên “rơi tự do” khiến nhà đầu tư mất niềm tin, nguy cơ dẫn tới việc quay lưng với chứng khoán. Các giải pháp “cứu” thị trường lại “nóng” lên…

TS. Nguyễn Sơn, Trưởng ban Phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có cuộc trao đổi ngắn với Dân trí về vấn đề này.

Một số kênh thông tin cho rằng, chứng khoán đang “rơi tự do”. Đây có phải là nguyên nhân khiến UBCKNN đưa ra các giải pháp “kích cầu” thị trường hay không?

Thị trường “rơi tự do” hay không thì các giải pháp vực dậy thị trường của UBCKNN là vô tình đưa ra vào thời điểm này. Dù thị trường tốt hay xấu, hàng năm chúng tôi vẫn phải đưa ra chiến lược phát triển thị trường.

Tất nhiên kế hoạch cụ thể của hàng năm phải dựa vào thực tiễn của thị trường. Giả sử nó tăng trưởng nóng quá thì mình cũng có giải pháp điều chỉnh cho hợp lý. Lạnh quá thì giải pháp sẽ phải tập trung vào cái gì, còn yếu kém về khung thể chế, pháp lý thì phải đẩy nó lên.

Hiện UBCKNN đang nghiên cứu đưa các nội dung vào chương trình phát triển thị trường chứng khoán năm 2008 và sẽ áp dụng một số sản phẩm mới, cũng như nghiên cứu trình Bộ Tài chính. Nếu các biện pháp này được mở thì cũng là biện pháp kích cầu.

Để đạt được mục tiêu kìm chế lạm phát, một số biện pháp mà các cơ quan chức năng đang áp dụng lại ảnh hưởng tới chứng khoán. Là người hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, ông có suy nghĩ gì?

Mục tiêu hiện nay đưa ra là kiểm soát lạm phát và kìm chế lạm phát dưới mức tăng trưởng 9% do Quốc hội đưa ra (có nghĩa mức lạm pháp sẽ phải dưới 9%).

Tuy nhiên diễn biến của thị trường trong 2 tháng đầu năm với chỉ số giá đã đến 6%. Như vậy trong 10 tháng còn lại phải giữ ở mức 3% là việc rất khó; nhiệm vụ về kiểm soát lạm phát dẫn đến chính sách thắt chặt quản lý tiền tệ là điều Ngân hàng Nhà nước đang phải làm.

Đương nhiên việc này sẽ tác động đến tổng cầu đầu tư cho thị trường chứng khoán. Hiện thị trường chứng khoán có cảm giác như đang thiếu tiền, nhìn có vẻ hàng thừa, tiền thiếu và điều này tạo sức ép tâm lý đối với nhà đầu tư.

Đây có phải là lý do khiến thị trường không đi lên được, dù UBCKNN đã rất tích cực tìm ra các giải pháp để kích cầu thị trường?

Điều hành chính sách kinh tế vĩ mô có rất nhiều mảng. Mục tiêu của ta hiện nay là kiểm soát lạm phát và mục tiêu tăng trưởng thì phải xác định mục tiêu nào là cơ bản.

Nếu chính sách tiền tệ thắt chặt quá trong khi lãi suất cho vay cao thì làm sao doanh nghiệp chấp nhận được và như vậy doanh nghiệp sẽ hoạt động khó khăn.

Ngoài ra, hiện ngoại tệ vào thì VND sẽ lên giá nếu không mua vào. Không mua vào sẽ tác động đến xuất khẩu, còn mua vào thì sẽ đẩy VND ra. Nếu không có chính sách về tín phiếu, trái phiếu để hút vào thì lại áp lực lên lạm phát.

Còn về kiến nghị cho nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu bằng ngoại tệ?

UBCKNN đã có kiến nghị trình Chính phủ cho phép bán cổ phần cho cổ đông chiến lược nước ngoài bằng ngoại tệ. Khi bán theo cách này sẽ làm giảm tạm thời áp lực về tiền đồng.

Tuy nhiên tỷ lệ này phải là tỷ lệ nhất định vì nếu không sẽ có tác động đến đô la hóa nền kinh tế.

Ngoài những lý do hiện hữu, một số tổ chức nước ngoài cho rằng, thị trường hiện nay là do Việt Nam đấu giá quá cao, đề cao giá khởi điểm?

Chúng ta phải xem xét lại giá tài sản khi định giá cổ phần hoá. Nếu định giá hợp lý, thì giá khởi điểm không nên quá xa so với giá đã định.

Vậy theo ông, mục tiêu đặt ra là vốn hoá thị trường đạt 50% GDP có ổn không?

Nếu xử lý bài toán về IPO, đưa một số doanh nghiệp vào niêm yết trên thị trường như Vietcombank, Sabeco, Habeco.. thì sẽ đạt được.

Do GDP của Việt Nam vẫn thấp nên con số mấy chục tỷ USD thực ra, nếu so với Trung Quốc hoặc quốc tế thì không nhiều. Theo thống kê, đến hết năm ngoái lượng vốn đổ vào thị trường mới đạt trên 36 tỷ USD.

- Xin cám ơn ông!

Sáng 21/2, trên các sàn chứng khoán, nhà đầu tư (NĐT) thực sự hoảng loạn khi chứng kiến giá cổ phiếu sụt giảm mạnh mẽ phiên thứ 5 liên tiếp. Còn theo chuyên gia chứng khoán, đã có dấu hiệu cho thấy thị trường sẽ chững lại hoặc tăng nhẹ vào phiên sau.

Ông Hoàng Xuân Quyến, Giám đốc khối phân tích - đầu tư của Công ty Chứng khoán Tân Việt cho hay: Mặc dù NĐT đang bán tháo cổ phiếu nhưng giá trị giao dịch (tính cả giao dịch thoả thuận) lại đạt một cái mốc khá cao: trên 1.700 tỉ đồng.

“Sau khi cơ quan chức năng có chủ trương thắt chặt cho vay bất động sản, một số NĐT lớn phía Nam đã bán bớt bất động sản và có xu hướng quay lại thị trường chứng khoán. Đây là một dấu hiệu tốt và NĐT nên bình tĩnh, không nên bán tháo cổ phiếu thời điểm này. Mốc 700 điểm của Vn - Index trông như vậy nhưng rất khó bị phá” - ông Quyến nhấn mạnh.

Nguyễn Hiền