Giải pháp cho thiếu điện là... tiếp tục cắt điện

(Dân trí) - Điện sinh hoạt và sản xuất đang thiếu hụt do nhiều dự án điện đang gặp sự cố, gặp khó khăn trong thi công. Giải pháp mà EVN đưa ra là tiếp tục cắt điện vào giờ cao điểm và kết hợp với một số ngân hàng, ứng trước tiền vốn để triển khai dự án nhanh hơn.

Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã cho biết như vậy tại Hội thảo Giải pháp tài chính cho nhà thầu thực hiện thi công các dự án điện do EVN và Ngân hàng An Bình tổ chức sáng nay, 14/12.

Mới đầu mùa khô, ngành điện đã có kế hoạch hạn chế công suất trong giờ cao điểm do thiếu hụt điện năng. Người dân lo lắng liệu có bị cắt điện luân phiên không, thưa ông?

Chưa đến mức phải cắt điện luân phiên nếu người dân có ý thức trong việc hạn chế nhu cầu điện trong giờ cao điểm và chúng tôi sẽ cắt vào giờ cao điểm với những hộ không được ưu tiên.

Hiện nay giờ cao điểm đã phải phát tới 11.000 MW. Nhưng giờ thấp điểm (giờ thừa do người dân đi ngủ) lại chỉ 4-5.000 MW. Còn cắt như thế nào là do các tỉnh tự quyết định. Khối doanh nghiệp sẽ không bị cắt, vẫn được sử dụng đều trong giai đoạn hiện nay.

Thế nhưng, tại TPHCM mấy ngày vừa qua thường xuyên bị cắt điện mà không được báo trước?

Giải pháp cho thiếu điện là... tiếp tục cắt điện - 1
  

Ông Đinh Quang Tri.

Quy định rõ khi cắt điện phải báo trước nhưng trường hợp bất khả kháng Luật vẫn cho phép những trường hợp bị sự cố đột xuất, hệ thống điện chỉ trong % giây là phải cắt nếu không cháy máy biến áp hoặc rã hệ thống lưới.

Được biết thiếu hụt điện năng hiện nay một phần là do các sự cố về nguồn điện của một số công trình nguồn lớn chưa khắc phục được. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?

Hiện có một số dự án đã chậm so với tiến độ của Chính phủ, như Tuyên Quang. Chỉ có Quảng Trị 64 MW rất bé đã đi vào phát điện, Đại Ninh 300 MW dự kiến sẽ phát điện cuối tháng này.

Ngoài ra, phần lớn các công trình như nhà máy nhiệt điện Cà Mau do nhà thầu gặp khó khăn trong thi công, Nhà máy Uông Bí mở rộng tổng thầu là Lilama hiện nay chạy chưa ổn định, mất 300 MW. Các nhà máy BOT Phú Mỹ 22, Phú Mỹ 3 gặp sự cố cộng nhu cầu điện tăng do công nghiệp phát triển nên xảy ra tình trạng thiếu điện.

Theo ông, đâu là giải pháp khắc phục những sự cố chậm trễ trên?

Giải pháp đầu tiên là các nhà thầu phải có đủ năng lực tài chính để thi công đúng tiến độ. Hiện nay một loạt dự án đang được triển khai nên năng lực nhà thầu rải ra căng, năng lực tài chính cũng khó khăn do làm nhiều công trình.

EVN sẽ kết hợp với một số ngân hàng để ứng vốn trước cho nhà thầu có tiền làm tiếp, xong hồ sơ phải thanh toán ngay cho các nhà thầu. Phối hợp với các công ty tài chính, các ngân hàng tạo điều kiện cho nhà thầu vay vốn lưu động triển khai dự án nhanh hơn.

Nhu cầu đầu tư nước ngoài đang tăng lên, dự kiến thời gian tới phụ tải sẽ tăng tới 17 - 20%/năm. Áp lực với các nhà thầu về tiến độ càng phải lưu tâm hơn.

Sắp tới, EVN sẽ trình Ngân hàng Nhà nước thành lập công ty tài chính điện lực là một kênh khác để huy động vốn cho các dự án điện cũng như hợp tác với một loạt quỹ đầu tư trong và ngoài nước để khi dự án điện thiếu tiền thì huy động từ các quỹ.

Xin cám ơn ông!

Nguyễn Hiền