Giải mã tốc độ cứu sóng di động ngày bão lũ của Viettel

Bão vừa ngớt, cây đổ vẫn còn ngổn ngang, cơ sở hạ tầng của thành phố tan hoang nhưng sóng di động của Viettel chỉ nửa ngày đã được khôi phục ở những khu vực thiệt hại nặng, nước vẫn ngập sâu.

Đó là điều thực tế đã diễn ra sau các trận bão lớn trong những năm trở lại đây, gây thiệt hại lớn cho các tỉnh ven biển nói chung và ngành viễn thông nói riêng.
 
Đại tá Hoàng Công Vĩnh (người đứng giữa) trong một lần đi kiểm tra phòng chống bão lụt.
Đại tá Hoàng Công Vĩnh (người đứng giữa) trong một lần đi kiểm tra phòng chống bão lụt.
 

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Thống đốc: Tín dụng năm nay có thể đạt trên 10%

Bộ trưởng Xây dựng: Bất động sản đã về giá trị thực

Cuối năm, doanh nghiệp lớn sợ lãi biến thành lỗ vì tỷ giá

Bình Thuận khó xử vì tạm dừng triển khai Kê Gà

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Đại tá Hoàng Công Vĩnh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel.

Trong những cơn bão lớn, thường thì mạng di động bị sự cố ở rất nhiều điểm trong cùng một tỉnh nhưng Viettel vẫn khắc phục chỉ trong ngày. Với nhân sự kỹ thuật tại địa phương thì kể cả huy động hết cũng không đủ người, làm sao họ có thể “phân thân” để khắc phục sự cố nhanh như vậy?

Khi có bão lớn xảy ra, chúng tôi căn cứ vào tình hình cụ thể sẽ điều khẩn cấp các đội ứng cứu đến từ tỉnh khác chứ không đơn thuần là tại địa phương có bão. Trước đó, căn cứ vào dự báo, các đội khắc phục sự cố tăng cường đã áp sát tới tỉnh chuẩn bị có bão và chỉ đợi khi bão ngớt là lập lao vào xử lý. Nhờ có lực lượng tăng cường kịp thời và có kinh nghiệm thuần thục, Viettel có thể khôi phục mạng lưới rất nhanh.

Chỉ riêng cơn bão số 11 mới xảy ra vừa qua, Viettel điều tới 170 đội từ các tỉnh khác về để ứng cứu (mỗi đội có 4 người). Việc điều động cũng có thể diễn ra thần tốc nhờ ban chỉ huy phòng chống lụt bão của Viettel (công ty mạng lưới) có quyền điều phối cả nhân sự, phương tiện phòng chống bão của những chi nhánh tỉnh khác một cách dễ dàng và thống nhất. Đây là điểm đặc biệt quan trọng về tập trung lực lượng, giúp cho tốc độ khắc phục sự cố diễn ra rất nhanh.

Nhưng các đội khắc phục sự cố đến từ tỉnh khác sẽ chưa quen địa hình, rồi hàng loạt các vấn đề về hậu cần đi theo sau trong khi bão lũ xảy ra khi họ đến một địa bàn mới. Làm thế nào Viettel có thể giải quyết được điều đó để khắc phục sự cố với thời gian siêu tốc?

Thứ nhất, về hậu cần thì tỉnh gặp sự cố không phải lo cho đội ứng cứu đến từ nơi khác. Về nguyên tắc, toàn bộ việc đó sẽ do nơi được điều động xử lý (nhân lực, vật lực). Khi đến, họ nhận yêu cầu từ bộ phận chỉ huy xử lý sự cố và tới hiện trường để khắc phục.

Thứ hai, các đội đến từ nơi khác sẽ được hỗ trợ rất tốt về cơ sở dữ liệu nơi sự cố xảy ra với đủ các thông số, tình trạng và thời gian đã bị mất liên lạc… Khi trên xe đã có đủ các thiết bị, vật tư xử lý, cộng với việc được rèn luyện trong nhiều mùa mưa bão, lũ thì việc khắc phục sẽ diễn ra nhanh chóng.

Thứ ba, đó là tính kỷ luật của quân đội. Khi nhận lệnh, mọi việc lập tức được tiến hành ngay và không thể chậm trễ.

Thứ tư, ngoài lực lượng tại chỗ và điều động từ nơi khác đến, Viettel còn có thể điều động cả nhân sự của đối tác đã xây dựng hạ tầng viễn thông ở các địa phương. Khi ký hợp đồng xây dựng hạ tầng, chúng tôi có điều khoản về việc đối tác phải hỗ trợ khi có tình huống khẩn cấp xảy ra và họ cũng góp phần ứng cứu cho Viettel trong một số trường hợp.

Bên cạnh đó, sau khi khắc phục xong ở nơi nào, chúng tôi đều có tổng kết, đánh giá với những đội thực hiện tốt, nhanh, kỷ luật và đúng quy trình… để tổ chức khen thưởng (cả danh hiệu và tiền), đồng thời đúc rút kinh nghiệm cho những lần sau. Nhờ việc khích lệ kịp thời, tích lũy các bài học qua mỗi lần, chúng tôi xử lý các sự cố về mạng lưới trong bão, lũ ngày càng nhanh và chuẩn xác hơn.

Trong một số cơn bão lớn, Viettel đã làm như thế nào để liên lạc tại những vị trí trọng yếu như Ủy ban Nhân dân, sở chỉ huy tiền phương… luôn thông suốt bất chấp mọi hư hại về hạ tầng hỗ trợ như điện, nhà cửa... ?

Với những vùng thường xuyên bị bão lũ vì những trạm BTS tại khu vực trọng điểm được Viettel bảo vệ rất kỹ. Thứ nhất, cột đó được xây rất vững chắc. Thứ hai là ở vị trí cao, không bị lụt. Thứ ba là không bao giờ để mất điện vì luôn dự phòng đầy đủ máy nổ và nhiên liệu đi kèm. Thứ tư là đường truyền dẫn tại nơi đó đều làm ngầm nên không sợ bị đứt và còn có cả viba sẵn sàng. Ngoài ra, trong những trường hợp ngoài dự kiến chúng tôi điều động cả xe phát sóng lưu động nên không bao giờ bị mất sóng tại những địa điểm đó.

Cũng xin nói thêm là việc đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt ngay cả khi bão lũ lớn, cơ sở hạ tầng bị hư hại nghiêm trọng là một mục tiêu quan trọng của chúng tôi không chỉ với những địa điểm trọng yếu mà cả với mọi người dân. Trong bão lũ, người dân liên lạc hỏi thăm nhau rất nhiều và nếu Viettel đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, thương hiệu sẽ được yêu mến hơn. Khi sử dụng, khách hàng sẽ ưu tiên chọn dịch vụ của chúng tôi và qua đó kết quả kinh doanh về dài hạn sẽ được hỗ trợ. Trong bão lũ, khi đi khắc phục sự cố mạng lưới, chúng tôi còn cứu được cả người bị mắc kẹt trong vùng ngập lụt.

Ứng cứu thông tin trong bão lũ thiên tai là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, tính rủi ro cao. Viettel có kinh nghiệm gì để bảo đảm trong bối cảnh nguy hiểm anh em kĩ thuật vẫn giữ an toàn?

Trong suốt chừng ấy năm, mỗi năm trung bình 8-9 cơn bão, anh em CBCNV được huy động liên tục và trên toàn quốc, từ Lạng Sơn, Sơn La về, từ Cà Mau ra… nhưng không có một xe nào bị tai nạn hay nhân viên nào bị thương tích.

Viettel có quy định trong khi bão vào tuyệt đối cấm mọi người di chuyển. Đó là nguyên tắc cao nhất. Việc tốt nhất chúng ta làm là phải phòng chống thật tốt, và đến khi dừng bão, cảm thấy an toàn anh em mới toả lực lượng đi các hướng khắc phục sự cố. Trang thiết bị an toàn lao động được cấp phát đầy đủ hàng năm. Lương khô, mì tôm phải đầy đủ trên xe. Tại các địa phương đều được trang bị cano ứng cứu và anh em lái xe được đào tạo bài bản lái cano.

Việc thực thi mệnh lệnh của người chỉ huy ở cấp dưới được hiểu không phải là đối phó với người chỉ huy, mà là đối phó với chính thiên nhiên.

Trong năm tới, Viettel có biện pháp gì để giảm bớt sự cố về mạng lưới xảy ra khi bão lũ?

Năm 2013, Viettel đã đầu tư gần 2.700 tỷ đồng để ngầm hóa hệ thống đường trục tại 20 tỉnh ven biển. Năm 2014 sẽ tiếp tục đầu thêm khoảng 2.000 tỷ nữa cho việc ngầm hóa các tuyến nhánh và xây dựng thêm nhiều trạm BTS vượt lũ. Với việc hạ tầng được đầu tư tốt, kèm các biện pháp phòng vệ, các sự cố về hạ tầng như do cây đổ, nước ngập trạm BTS… sẽ ít đi.

Ngoài ra, công tác huấn luyện, chuẩn bị cho các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra vẫn phải được tiến hành song song và có đúc rút kinh nghiệm mới thường xuyên. Chỉ có như vậy thì những sự cố về mạng lưới của Viettel trong bão lũ mới giảm và thời gian khắc phục luôn nhanh, an toàn.

Xin cảm ơn ông.
 
H.San

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước