"Giải cứu" doanh nghiệp bằng vốn vay dài hạn

Nguồn và cơ cấu vốn của các ngân hàng thương mại đã thuận lợi hơn để tăng khả năng hỗ trợ doanh nghiệp. Hỗ trợ ở đây không chỉ là tiếp vốn, lãi suất ưu đãi, mà còn ở cơ cấu kỳ hạn dễ chịu hơn.

Sau khoảng hai tháng tổ chức chuyên trách và cổ đông lớn vào cuộc, Công ty Cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco) đã thoát nguy cơ phá sản. Nhưng đây vẫn là một trường hợp điển hình mà các doanh nghiệp cần tham khảo.
 
Đồng vốn dài hạn sẽ giúp các DN dễ thở hơn
Đồng vốn dài hạn sẽ giúp các DN "dễ thở" hơn

Theo ông Phạm Thanh Quang, Tổng giám đốc Công ty Mua bán nợ (DATC), một nguyên nhân chính khiến Bianfishco rơi vào khủng hoảng là mất cân đối trong sử dụng vốn, dùng các nguồn vốn vay chủ yếu là ngắn hạn đầu tư cho các dự án dài hạn…

Vốn ngắn, dễ hụt hơi

Ở trường hợp trên, lỗ hổng rủi ro đến từ năng lực quản trị nguồn vốn của doanh nghiệp. Nhưng cũng có một thực tế là sự hỗ trợ của các ngân hàng thương mại là có hạn, không chỉ ở mức độ cấp vốn mà cả ở thời hạn cho vay.

Đã thể hiện trong vài năm gần đây, xu hướng rút dần tỷ trọng nguồn vốn cho vay trung - dài hạn tiếp tục nổi bật trong hoạt động của các ngân hàng thương mại đầu năm 2012. Tỷ trọng trên 40% - 50% phổ biến tại nhiều thành viên trước đây đã nhanh chóng được giảm xuống chỉ còn trên dưới 20%. Đây là một yêu cầu để các nhà băng phòng thủ rủi ro thanh khoản, khi một thời gian dài cơ cấu vốn huy động chủ yếu chỉ là các kỳ hạn ngắn.

Theo quy định, các ngân hàng chỉ được sử dụng tối đa 30% nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn. Tỷ lệ này trên thực tế có thời điểm còn thấp hơn nhiều so với giới hạn, như trong tháng 4/2012 toàn hệ thống chỉ ở mức 7,58%. Khả năng cung ứng nguồn vốn dài hơi cho doanh nghiệp theo đó là rất hạn chế.

Ông Phạm Quang Thắng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), cho biết, thời gian qua dễ nhận thấy hầu hết các chương trình tín dụng của các ngân hàng thương mại chỉ tập trung cho vay bổ sung lưu động với kỳ hạn ngắn, chỉ từ 3 - 6 tháng, dài hơn là 9 tháng. Đây là hạn chế, gây sức ép nhất định yêu cầu chủ động cân đối vốn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Tổng giám đốc một công ty sản xuất vật tư nông nghiệp tại Tp.HCM cũng cho rằng, kỳ hạn vay vốn quá ngắn tạo áp lực lớn trong hoạch định các phương án đầu tư. Đặc biệt, với các lĩnh vực thương mại, khả năng xoay vòng vốn nhanh có thể phù hợp; còn với các lĩnh vực sản xuất đặc thù, nguồn vốn quá ngắn hạn dễ khiến doanh nghiệp mất chủ động. “Như với công ty chúng tôi, yếu tố mùa vụ trong sản xuất của bà con nông dân gắn với đặc thù của dòng tiền. Vốn vừa vay, quay đi ngoảnh lại đã đáo hạn. Không vay thì thiếu vốn, vay thì dễ hụt hơi”, ông nói.

Những chuyển động mới

Hạn chế trên đang được kỳ vọng sẽ có thay đổi. Các ngân hàng thương mại nhìn chung đang cải thiện nguồn và cơ cấu kỳ hạn để tăng khả năng hỗ trợ các khoản vay dài hơi hơn.

Ngày 8/6/2012, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh cơ chế trần lãi suất huy động, các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên không còn bị khống chế. Đây là cú hích cho dòng tiền gửi dịch chuyển, tập trung ở các kỳ hạn dài với lãi suất cao hơn hẳn. Các nhà băng có được cơ cấu nguồn tốt hơn để có thể tăng thêm khả năng hỗ trợ khi cho vay.

Từ đầu tháng 11 này, một ngân hàng thương mại lớn là Techcombank cũng chính thức góp vào chuyển động mới đó. Một sản phẩm tín dụng mang tên Vốn Linh Hoạt 12+ được thiết kế dành riêng cho nhu cầu về vốn lưu động thường xuyên của khối doanh nghiệp nhỏ. Điểm nổi bật là thời hạn cho vay lên đến 12 tháng, Sản phẩm này cũng cho phép doanh nghiệp chủ động lựa chọn hình thức trả gốc siêu  linh hoạt vào cuối kỳ, giữa kỳ, hoặc từng đợt. Với điều kiện linh hoạt như vậy, DN hoàn toàn chủ động vay và trả nợ theo cách phù hợp nhất với doanh nghiệp của mình. Bên cạnh đó là chính sách lãi suất ưu đãi và tích hợp các dịch vụ tiện ích trong giao dịch, quản lý dòng tiền…

Ông Phạm Quang Thắng, Phó tổng giám đốc Techcombank cho biết, chương trình này tập trung cho các doanh nghiệp nhỏ có quy mô doanh thu dưới 100 tỷ đồng, thuộc các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vàng tiêu dùng; sản xuất kinh doanh hóa chất, phân bón hoặc trong các ngành dịch vụ phục vụ nhu cầu dân cư…

“Khối doanh nghiệp này thường xuyên có nhu cầu vay vốn, nhưng không quá lớn (dưới 10 tỷ đồng). Thời gian qua, việc giải ngân theo chu kỳ kinh doanh  3 - 6 tháng gây khó khăn và mất thời gian cho cả doanh nghiệp và ngân hàng. Nhiều trường hợp không đáp ứng được thời hạn trả nợ do tồn kho, áp lực kỳ hạn vay vốn ngắn càng lớn. Theo đó, với kỳ hạn dài hơn, đây sẽ là gói tín dụng chủ lực của Techcombank góp phần tháo gỡ khó khăn trên, đặc biệt là ở mùa cao điểm sản xuất kinh doanh cuối năm”, ông Thắng nói.

Cuối năm, hệ thống ngân hàng bước vào mùa cao điểm chi trả, áp lực cân đối vốn sẽ lớn hơn. Song, sự xuất hiện của những chương trình cho vay như trên là một chuyển động mới, có thể kỳ vọng tiếp tục mở rộng. Tất nhiên, yếu tố đầu vào vẫn là điều kiện cần, mà khác biệt lớn năm nay là vấn đề thanh khoản đã không xẩy ra căng thẳng như thời điểm này năm ngoái.

KN