Giá xăng thế giới giảm, Việt Nam một mình tăng giá!
(Dân trí) - Giữa lúc giá xăng dầu thế giới đồng loạt giảm, việc điều chỉnh tăng mạnh và đột ngột giá trong nước đã tác động tiêu cực đến tâm lý người tiêu dùng và thị trường chứng khoán.
Từ 20h tối qua, 28/03, theo quyết định của liên bộ Tài chính - Công thương, giá các mặt hàng xăng dầu đã đồng loạt được điều chỉnh tăng “chóng mặt” và không khỏi gây sốc đối với thị trường vì quá đột ngột.
Cụ thể, với mức tăng tối đa thêm 1.430 đồng/lít, giá xăng A92 (vùng 1) đã thiết lập mức kỷ lục 24.580 đồng/lít, mức giá cao nhất từ trước tới nay.
Cùng với đó, giá dầu diesel cũng được điều chỉnh tăng tối đa 362 đồng/lít, dầu hóa tăng tối đa 480 đồng/lít và dầu ma zút tăng tối đa 807 đồng/kg.
Quyết định điều chỉnh “mạnh tay” lần này được cơ quan điều hành lý giải chủ yếu do Quỹ Bình ổn giá của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã hết. Trong khi đó, tình trạng buôn lậu xăng dầu lại diễn ra phức tạp, gây thẩm lậu nguồn xăng trong nước so các nước bên cạnh vì mặt bằng giá trong nước cao hơn hẳn giá các thị trường lân cận.
Thế nhưng, trong quyết định lần này, Việt Nam dường như là nước duy nhất đi ngược xu hướng giá thế giới.
Theo thông tin Dân trí có được dựa trên dữ liệu của hãng tài chính Mỹ Bloomberg, cập nhật giá xăng dầu tại các thị trường trong khu vực thời gian gần đây đều là điều chỉnh giảm: Hàn Quốc (15/3), Trung Quốc (26/3), Đài Loan (25/3), Philippines (6/3) và Singapore (8/3).
Giá xăng tại thị trường Singapore đang trong xu hướng giảm.
Tại thị trường Mỹ, giá các mặt hàng xăng cũng đều giảm tính cả trong khoảng thời giant ham chiếu 1 tuần lẫn 1 năm trở lại.
Giá các mặt hàng xăng trên thị trường Mỹ đều giảm.
Tất nhiên, mọi so sánh đều khập khiễng, song, khi việc điều hành giá xăng dầu đã được tuyên bố sẽ bám theo diễn biến giá thế giới thì quyết định này của 2 bộ chủ quản sẽ cần phải có sự giải trình cụ thể và minh bạch hơn cho thị trường.
Ngay sau quyết định được đưa ra, phiên giao dịch sáng nay, thị trường chứng khoán đã chứng kiến tình trạng rớt thảm của các chỉ số: VN30-Index mất 8 điểm, VN-Index mất 7 điểm. “Phong vũ biểu” của nền kinh tế đã phản ánh rõ nét tác động xấu của thông tin tăng giá xăng đối với tâm lý thị trường nói chung.
Phản ứng tiêu cực của người tiêu dùng
Có một hiện tượng thường thấy ở người tiêu dùng đó là cứ mỗi đợt tăng giá xăng, ngay trước “giờ G”, các cây xăng trong cả nước đều rơi vào tình trạng ùn tắc, quá tải.
Tính sơ bộ, với mức tăng chưa tới 1.500 đồng/lít xăng, người tiêu dùng phần lớn sử dụng xe máy sẽ mất tối đa thêm khoảng 11.000 đồng, xét ảnh hưởng đến chi tiêu là không quá lớn, còn người dùng ô tô sẽ thiệt hại nhiều hơn (trên 100.000 đồng).
Tuy nhiên, sức tác động chủ yếu đánh vào tâm lý người tiêu dùng, bởi đi lại chỉ là một trong rất nhiều nhu cầu của người dân. Người tiêu dùng luôn cho rằng, xăng tăng giá sẽ đồng nghĩa với sự đội giá theo của các mặt hàng khác, như cách nói của các chuyên gia là “tác động vòng hai” đến lạm phát của giá xăng dầu.
Giá xăng, dầu tăng kéo theo giá vận chuyển hàng hóa tăng, chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng, từ đó giá hàng hóa tiêu dùng cũng tăng. Đó là chưa kể đến tình trạng thường diễn ra là kiểu tăng giá “tát nước theo mưa” của tiểu thương trong nước.
Trong lúc đó, giữa bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm chạp như hiện tại, phần lớn người dân bị đè nặng gánh nặng chi tiêu do thu nhập giảm sút.
Dễ dàng quan sát thấy phản ứng của người tiêu dùng trên các mạng xã hội đối với quyết định tăng giá xăng dầu lần này.
Trong khi một số người bày tỏ quan điểm thẳng thắn thì một số người dùng internet khác lại sử dụng cách phổ biến là “chế” lại lời các bài hát hay thơ ca để bày tỏ ý kiến của mình. Những hình thức trào phúng này lan truyền trong cộng đồng mạng, ở một mức độ nào đó cho thấy phản ứng tiêu cực của người tiêu dùng với chính sách.
Việc điều chỉnh một số mặt hàng được trợ giá tiến dần đến giá thị trường là cần thiết và không tránh khỏi, nhưng thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần có những lý giải cụ thể và minh bạch hơn cho thị trường: Quỹ bình ổn giá đang còn bao nhiêu? Mức lỗ/lãi hiện tại của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu? Vì sao biên độ tăng giá được nới rộng trong lần điều chỉnh này? Mức tác động đến chỉ số giá tiêu dùng ra sao? Qua đó sẽ tạo được sự đồng thuận giữa cơ quan điều hành và người tiêu dùng trong nước.
Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công thương tháng 2, ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước từng cho biết, giá xăng dầu sau Tết mặc dù cao nhưng sẽ giảm vào tháng 3 và tháng 4. Do vậy, trong lần trước, việc trích quỹ bình ổn đã được lựa chọn, khi giá xuống sẽ khôi phục lại quỹ, củng cố niềm tin thị trường trong hiện tại giữa bối cảnh cầu thị trường yếu. |
Bích Diệp