1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Giá xăng, điện “đánh mạnh” vào CPI Hà Nội

(Dân trí) - Cục Thống kê Hà Nội cho biết, nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tháng này tăng là do giá xăng dầu tăng gần 2.000 đồng/lít kéo theo giá các mặt hàng khác tăng mạnh. Cùng với đó là nhu cầu sử dụng điện lên cao trong mùa nóng giữa bối cảnh giá điện bình quân tăng 7,5%.

Giá xăng, điện “đánh mạnh” vào CPI Hà Nội
Xăng dầu và điện là những hàng hóa có tác động phủ rộng lên đời sống sinh hoạt và kinh tế của người dân

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Cục Thống kê Hà Nội vừa công bố thông tin cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2015 trên địa bàn vẫn tiếp tục tăng: tăng 0,12% so với tháng trước và tăng 0,93% so cùng kỳ. Ước tính chỉ số giá tiêu dùng bình quân 5 tháng tăng 0,62% so cùng kỳ 2014.
 
Theo lý giải của cơ quan thống kê, nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tháng này tăng là do giá xăng dầu được điều chỉnh tăng từ ngày 5/5 kéo theo một số nhóm hàng tăng theo, đặc biệt là nhóm giao thông tăng 1,06% so với tháng trước. 

Trong ngày 5/5, giá xăng RON 92 đã tăng 1.950 đồng/lít, giá dầu diesel và mazut giữ nguyên. Đến tối ngày 20/5 giá xăng tiếp tục tăng thêm 1.200 đồng/lít, dầu diesel tăng 500 đồng, song đợt tăng này nằm ngoài kỳ tính CPI tháng 5 và sẽ tác động lên diễn biến chỉ số CPI tháng 6.

Bên cạnh đó, Cục Thống kê Hà Nội cũng cho biết, trong tháng, chỉ số giá nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,44% so với tháng trước. 

Giá điện bình quân đã tăng thêm 7,5% kể từ ngày 16/3. Trao đổi với PV Dân trí, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, việc giá điện tăng 7,5% trong đợt vừa rồi sẽ làm cho CPI (cả gián tiếp và trực tiếp trong nhiều vòng và phân bổ qua nhiều tháng) tổng cộng tăng 0,46%. Vì tăng giá điện sẽ làm tăng chi phí sản xuất, tăng chi phí tiêu dùng. Đặc biệt, giá điện lại tính lũy tiến nên sự ảnh hưởng của giá điện thường có độ trễ nhất định.

Cộng với việc thời tiết tại Hà Nội đã bắt đầu vào mùa nắng nóng nên sản lượng tiêu thụ điện, nước của các hộ gia đình tăng khiến cho hóa đơn giá điện tăng đáng kể. 

Mặt khác, do giá gas thế giới bình quân tháng 5/2015 vừa công bố ở mức 470 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn so với tháng trước, nên ngay từ đầu tháng 5 giá gas trong nước đã được điều chỉnh tăng. 

Các mặt hàng khác trong nhóm này (vật liệu xây dựng) như sắt thép…giảm nhẹ, đá cát, sỏi tăng nhẹ. Nguyên nhân chủ yếu do khó khai thác, thêm vào đó xăng dầu tăng, chi phí vận chuyển tăng nên tác động đến giá của những mặt hàng này tăng.

Điểm đáng chú ý là chỉ số nhóm lương thực, thực phẩm (vốn có quyền số lớn nhất trong rổ tính CPI – chiếm gần 40%) lại ổn định, thậm chí giảm. Chẳng hạn, tại nhóm hàng lương thực, giá các mặt hàng gạo tẻ thường trên địa bàn Hà Nội giảm từ 300-500đ/kg. Nguyên nhân do nguồn cung khá dồi dào, lượng gạo xuất khẩu giảm, lượng gạo tồn kho tại các tỉnh phía Nam khá lớn. Dự báo các mặt hàng gạo vẫn sẽ giữ giá ổn định trong thời gian tới.
 
Nhóm thực phẩm giảm 0,5% so tháng trước với nguồn cung dồi dào, thời tiết nắng nóng nên nhu cầu của người dân không tăng lên. Thời tiết hiện nay thuận lợi cho các loại rau củ vụ xuân hè phát triển. Dự báo nhóm hàng này sẽ tiếp tục giảm trong tháng tới.
 
Tại nhóm hàng tiêu dùng, một số mặt hàng trong nhóm may mặc như vải, quần áo, giấy dép của mùa hè có xu hướng tăng nhẹ. Các mặt hàng khác ổn định.
 
Nằm ngoài rổ tính CPI, giá vàng trên thị trường Hà Nội tiếp tục giảm 0,13% so tháng trước. Giá vàng 9999 bán ra trên thị trường tư nhân phổ biến ở mức 3,179 triệu đồng/chỉ. Trái chiều với giá vàng, giá USD của các ngân hàng tháng này tiếp tăng 0,44%. Giá USD bán ra của Ngân hàng Ngoại thương có giá bình quân là 21.663 đồng/USD.
 
Bích Diệp
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”