Giá xăng dầu và giá điện gây áp lực lên lạm phát năm 2017

(Dân trí) - Theo nhận định của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, xu hướng dài hạn của lạm phát bắt đầu tăng rõ nét kể từ tháng 9/2016 đến nay. Trong năm 2017, bên cạnh giá dịch vụ công như y tế, giáo dục thì giá xăng dầu và khả năng tăng giá điện sẽ là những yếu tố ảnh hưởng lớn đến lạm phát.


Xu hướng tăng trở lại của giá điện và giá xăng dầu trong năm 2017 là rất lớn, ảnh hưởng đến chỉ số CPI

Xu hướng tăng trở lại của giá điện và giá xăng dầu trong năm 2017 là rất lớn, ảnh hưởng đến chỉ số CPI

Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) công bố mới đây ghi nhận, lạm phát bình quân 3 tháng đầu năm 2017 đã tăng 4,96% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân khiến lạm phát gia tăng quý trong quý đầu tiên của năm chủ yếu do nhóm giao thông tăng 9,18% so với cùng kỳ; và cũng do chịu tác động một phần của việc tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục theo lộ trình tại một số tỉnh, thành (giá dịch vụ y tế và giáo dục 3 tháng đầu năm 2017 tăng lần lượt 68,63% và 11,8% so với cùng kỳ năm 2016).

Tuy nhiên, lạm phát cơ bản vẫn duy trì ở mức ổn định: 3 tháng đầu năm lạm phát cơ bản tăng 1,66% so với cùng kỳ 2016.

Phân rã giữa xu hướng dài hạn và yếu tố chu kỳ, mùa vụ của lạm phát, UBGSTCQG cho hay, xu hướng dài hạn của lạm phát bắt đầu tăng rõ nét kể từ tháng 9/2016 đến nay.

"Xu hướng lạm phát dài hạn tại thời điểm tháng 3/2017 cao hơn khoảng 0,6 điểm % so với tháng 3/2016. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục trong thời gian tới", báo cáo lưu ý.

UBGSTCQG cho rằng, lạm phát năm 2017 chịu áp lực trước hết từ giá hàng hóa thế giới. Dự báo yếu tố giá hàng hóa thế giới sẽ góp vào lạm phát năm 2017 khoảng 2,5 điểm %.

Trong đó, giá năng lượng (dự báo tăng 20% so với năm 2016) góp 2,2 điểm %; giá lương thực (dự báo tăng 2,17% so với năm 2016) góp 0,3 điểm %. Như vậy, lạm phát trong năm 2017 sẽ phụ thuộc vào chính sách điều chỉnh giá dịch vụ công, tỷ giá và có thể cả giá điện.

Cơ quan này tính toán: Trong năm nay, nếu tỷ giá USD/VNĐ tăng 1% thì sẽ làm lạm phát tăng thêm 0,17 điểm %; giá dịch vụ công chỉ cần điều chỉnh bằng nửa năm 2016 cũng sẽ làm lạm phát tăng khoảng 1,8- 2 điểm %.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 đã tăng 0,21% so với tháng trước và tăng 4.65% so với cùng kỳ. Có tới 8 trong tổng số 11 nhóm hàng hóa, dịch vụ chính thuộc rổ tính giá tăng, đáng kể là nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với mức 7,51%, giáo dục tăng 0,75%. Cơ quan thống kê tính toán, giá dịch vụ y tế tăng cao đã góp phần làm cho CPI tăng khoảng 0,38%.

Ngoài ra, chỉ số giá của nhóm giao thông cũng tăng mạnh 0,39%. Trong kỳ tính giá tháng 3, tuy rằng có hai đợt điều chỉnh giảm (ngày 6/3 và ngày 21/3) đưa giá xăng giảm 790 đồng/lít, giá dầu diezen giảm 480 đồng/lít nhưng dư âm từ đợt tăng giá ngày 18/2/2017 vẫn đẩy chỉ số giá nhóm giao thông, từ đó góp phần tăng CPI chung của tháng 3 khoảng 0,04%.

Về giá điện, mặc dù đến nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn chưa có đề xuất về phương án tăng giá, song với việc điều chỉnh giá than từ năm 2016, ngành điện đang chịu sức ép lớn về tăng giá. Nếu giá than vẫn tăng theo lộ trình như hiện nay, EVN chi phí sẽ đội lên gần 4.700 tỷ đồng. Do đó, kịch bản tăng giá điện trong năm 2017 hoàn toàn có thể xảy ra.

Mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, chỉ đạo, hướng dẫn EVN hoàn thiện báo cáo tổng thể tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, chi phí, giá thành và giá bán điện năm 2016 và kế hoạch năm 2017. Từ đó, đề xuất kịch bản điều hành giá điện năm 2017.

Trong đó, lãnh đạo Chính phủ lưu ý, các phương án xây dựng giá bán sẽ theo các kịch bản: giá than, giá khí điều chỉnh hoặc không điều chỉnh theo giá thị trường; khoản chênh lệch tỷ giá đánh giá các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ chưa phân bổ, được xử lý theo cơ chế đặc thù hoặc theo đúng chế độ, chuẩn mực kế toán quy định.

Bích Diệp