Giá xăng dầu nhảy vọt, cước vận tải lao theo
(Dân trí) - Xăng dầu tăng giá vào chiều tối qua (13/8) là lí do khiến các doanh nghiệp và Hiệp hội vận tải “đứng ngồi không yên”. Mức tăng cước trung bình dự kiến là từ 5% sẽ được điều chỉnh, với vận tải taxi dù khẳng định tăng nhưng chưa công bố giá cụ thể.
Xăng dầu "tạo đà" cho cước vận tải tăng giá
Với các doanh nghiệp vận tải, đợt tăng giá xăng dầu lần này được xem khá “choáng”. Bởi vậy, ngay sau khi nhận được thông tin xăng tăng giá, nhiều đơn vị đã họp bàn khẩn cấp cho việc điều chỉnh cước để tránh bị lỗ.
Ông Thái Văn Trung - Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cho biết cước vận tải hình thành từ nhiều yếu tố đầu vào như giá xăng dầu, vật tư, lãi suất vốn vay ngân hàng, giá trị đầu tư - khấu hao tài sản... trong đó xăng dầu chiếm tỷ trọng lớn.
Theo ông Trung, với vận tải hàng hóa thì doanh nghiệp chạy bằng dầu chứ không phải xăng, nhưng với mức tăng từ 500 - 800 đồng/lít cũng là mức tương đối lớn.
“Khi dầu tăng 500 đồng/lít là các doanh nghiệp đã phải xem xét điều chỉnh giá, và với mức giá tăng thực tế hiện nay với giá dầu là từ 500 - 800 đồng/lít thì chắc chắn giá cước vận tải sẽ tăng, tuy nhiên việc tăng này không có mức nào cụ thể mà tùy thuộc vào mỗi đơn vị doanh nghiệp.” - ông Trung cho hay.
Trong khi đó, các doanh nghiệp vận tải taxi đã “nhảy dựng” sau khi thông tin xăng dầu tăng giá được công bố, thậm chí ngay trong chiều tối qua Tập đoàn Mai Linh đã có cuộc họp bàn khẩn cấp để thống nhất quyết định điều chỉnh giá cước theo giá xăng đối với từng đơn vị/khu vực/miền mà Mai Linh tham gia kinh doanh taxi tại 53 tỉnh, thành trên toàn quốc.
Hiệp hội Vận tải Hà Nội sáng nay (14/8) cũng khẳng định xăng dầu tăng giá nên chắc chắn giá vận tải cũng sẽ tăng, trong đó cước taxi chắc chắn sẽ điều chỉnh sớm.
Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết: “Sáng nay tôi đã ngồi lại với đơn vị vận tải taxi, họ kêu than trời đất vì giá xăng tăng đột biến như hiện nay và cho rằng nếu không tăng cước thì không thể tiếp tục hoạt động được.
Quan điểm của Hiệp hội là các doanh nghiệp phải tính toán đủ các yếu tố đầu vào chứ không phụ thuộc riêng giá xăng. Tuy nhiên, bởi xăng dầu là một trong những lí do quan trọng quyết định giá thành vận tải nên với 3 lần tăng liên tiếp trong vòng chưa đầy 1 tháng thì chắn chắn giá vận tải sẽ phải điều chỉnh, mức tăng tối thiểu có thể là 5%”.
Cũng theo ông Liên, xăng dầu không chỉ tác động riêng tới giá vận tải mà tác động đến mọi mặt của đời sống tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh điện tăng giá, gas tăng giá, nước cũng sẽ tăng giá thì những mặt hàng khác không thể “dậm chân tại chỗ”. Riêng với vận tải, vấn đề lương nhân công, thuê bến bãi, chi phí bảo dưỡng đều tăng gấp 1,5 - 2 lần, nay giá xăng lại tăng tiếp thì rất khó để nói không tăng cước.
“Với taxi thì chuyện tăng cước không còn phải bàn, nhưng với vận tải hành khách theo tuyến cố định thì chúng tôi đang vận động các doanh nghiệp cố gắng chờ qua kỳ nghỉ lễ 2/9 tới đây. Bởi việc điều chỉnh giá có liên quan đến hồ sơ, giấy phép nên nếu tăng giá đúng lúc cao điểm vận tải hành khách dịp lễ Tết như hiện nay thì mọi thủ tục quá gấp gáp. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp quyết định tăng giá sớm thì cũng đành chịu vì Hiệp hội không phải là cơ quan có quyền kiểm soát giá cước.” - ông Liên nói.
Quỳnh Anh