Giá vàng trong nước vẫn đắt hơn thế giới gần 18 triệu đồng/lượng
(Dân trí) - Giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp lớn niêm yết tại 75,6-78,1 triệu đồng/lượng (mua - bán). Chênh lệch giữa vàng trong nước và quốc tế xấp xỉ 18 triệu đồng/lượng.
Kết phiên tuần qua, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp lớn niêm yết tại 75,6-78,1 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm 200.000 đồng mỗi chiều so với mở phiên sáng ngày (3/2). Chênh lệch 2 chiều mua - bán duy trì tại 2,5 triệu đồng.
Vàng miếng SJC ghi nhận ngày thứ 3 liên tiếp duy trì trên mốc 78 triệu đồng/lượng. Riêng ngày 2/2, có thời điểm mỗi lượng vàng bán ra có giá 78,7 triệu đồng/lượng.
Vàng nhẫn được niêm yết tại 63,2-64,4 triệu đồng/lượng (mua - bán), đi ngang so với trước đó.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng đạt 2.040 USD/ounce, tăng 0,6 USD so với mở phiên sáng qua. Quy đổi theo tỷ giá chưa thuế, phí, giá vàng trong nước vẫn đắt hơn thế giới 17,9 triệu đồng/lượng.
Chuyên gia độc lập Neils Christensen từ Kitco News cho biết ông đã theo dõi thị trường kim loại quý này hơn một thập kỷ, tuy nhiên, thị trường này vẫn ẩn chứa nhiều yếu tố bất ngờ.
Tuần vừa qua là một ví dụ tốt về việc giá vàng thách thức mọi dự đoán. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ hạn chế, giữ lãi suất ở mức cao nhất trong vòng 20 năm qua. Tuy nhiên, vàng đã xoay chuyển và giữ được các mức hỗ trợ quan trọng, đồng thời gắn liền với một xu hướng tăng giá rộng hơn.
Theo báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ, thị trường Mỹ có thêm 353.000 công việc mới trong tháng 1, vượt xa mức dự báo 185.000 công việc mới mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones.
Số liệu này phản ánh sự vững vàng của nền kinh tế Mỹ, tuy nhiên điều đó cũng củng cố khả năng Fed giữ mức lãi suất cao này lâu hơn.
Trong tuần trước (ngày 31/1), Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã nhất trí không tăng lãi suất lần thứ 4 liên tiếp. Trong tuyên bố sau đó, FOMC đã loại bỏ thông điệp sẵn sàng tăng lãi suất cho đến khi lạm phát được kiểm soát và trên đường quay về mức mục tiêu 2% của Fed.
"Hầu như chẳng có lý do gì để tin rằng nền kinh tế Mỹ sẽ giảm tốc mạnh, nên Fed chẳng dại gì mà gây ra rủi ro lạm phát trỗi dậy bằng cách cắt giảm lãi suất quá sớm", ông Joel Naroff, Chủ tịch công ty nghiên cứu kinh tế Naroff Economics, nhận định với CNBC.
Cuộc khảo sát hàng tuần mới nhất của Kitco News cho thấy quan điểm đối lập giữa các nhà giao dịch tổ chức và nhà đầu tư bán lẻ, với hai phần ba chuyên gia không quá kỳ vọng vào việc tăng giá của kim loại quý, trong khi hầu hết nhà đầu tư bán lẻ vẫn kỳ vọng giá sẽ tăng trong tuần này.
USD-Index cao nhất từ đầu năm
USD-Index - chỉ số đo sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ tiền tệ lớn - duy trì ở mức 104 điểm, tăng 2,57% so với đầu năm, ghi nhận mức cao nhất kể từ đầu năm.
Tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết tại 23.959/USD, giảm 1 đồng so với trước đó. Với biên độ 5% hiện tại, giá USD tại các ngân hàng thương mại được phép dao động từ 22.763 đồng đến 25.157 đồng.
Ngân hàng lớn niêm yết tỷ giá mua - bán là 24.130-24.500 đồng/USD (mua - bán), giảm 90 đồng mỗi chiều so với trước đó. Tại ngân hàng cổ phần, giá là 24.180-24.490 đồng/USD, giảm 75 đồng ở cả chiều mua và bán.
Trên thị trường tự do, giá USD là 24.870-24.940 đồng/USD, giảm 90 đồng ở chiều mua vào và giảm 80 đồng chiều bán ra.